Aa

Bất động sản 24h: Dòng vốn nào "chảy" vào thị trường bất động sản năm 2020?

Thứ Sáu, 13/03/2020 - 10:30

Dòng vốn nào "chảy" vào thị trường bất động sản năm 2020?; Doanh nghiệp kiến nghị gì để gỡ khó trước dịch Covid-19?... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Dòng vốn nào "chảy" vào thị trường bất động sản năm 2020?

Năm 2019, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS trên 2,7 tỷ USD, chiếm 17,8% trong tổng vốn đầu tư, xếp thứ 2 sau công nghiệp chế biến, chế tạo. Đáng chú ý, năm 2019 số lượng nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam tăng 30% so với cùng kỳ 2018.

Theo Tổng giám đốc Savills Việt Nam Neil MacGregor, sự dồi dào trong nguồn cung của thị trường về cơ bản phụ thuộc khá nhiều vào sự phê duyệt chính sách của nhà nước, cho phép triển khai xây dựng và hoàn thiện các dự án mới.

Ảnh minh họa

Điều này cũng sẽ là yếu tố kích thích sự phát triển hệ sinh thái BĐS bao gồm nhiều ngành nghề như: thiết kế kiến trúc, xây dựng... Năm 2020, mặc dù nền kinh tế thế giới nhìn chung đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là đại dịch virus corona đang diễn biến rất phức tạp, nhưng riêng thị trường BĐS Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là tiềm năng đầu tư vẫn cao.

Trong đó, có nhiều đoàn tìm hiểu cơ hội để dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, các đối tác chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore. Điều này cho thấy BĐS vẫn luôn là lĩnh vực có sức hút nhà đầu tư ngoại.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Doanh nghiệp kiến nghị gì để gỡ khó trước dịch Covid-19?

Sáng 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân nhằm huy động hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp cho kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu.

Tại buổi làm việc, các tập đoàn đều bày tỏ quan điểm đồng tình, ủng hộ, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng đề ra: Vừa chống dịch tốt, vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

“Chúng tôi thấy niềm tin ở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn lãnh đạo vượt qua khó khăn này”, là ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp.

Về mục tiêu đầu tiên, các doanh nghiệp cho biết, rất tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ và đã nhanh chóng có kịch bản ứng phó, để khi dịch xảy ra thì không bị thất thủ.

Một số doanh nghiệp cho biết, hầu như đã chuyển sang làm việc online, hạn chế làm việc trực tiếp; tuyên truyền cho các công nhân lao động, trong đó có chuyên gia nước ngoài, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, đặc biệt là cách ly y tế.

Đối với công tác phòng chống dịch, đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết, đơn vị này đã khởi động Uỷ ban khẩn cấp phòng chống dịch vào ngày 21/1/2020. “Chúng tôi đã góp một phần trách nhiệm của mình để giải quyết phương tiện đi lại tuyệt đối an toàn cho hành khách, kiểm soát dịch bệnh”, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet nói.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Du lịch Hà Nội "thấm đòn" Covid-19, hàng loạt khách sạn "cửa đóng then cài"

Với những thành tựu mang tính đột phá trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Theo thống kê, trong năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 18 triệu lượt, tăng 16,2% so với năm 2018; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 726 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2019 đạt khoảng 22,7%/năm.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã có tác động không nhỏ đối với ngành du lịch Việt Nam. Trong tháng 2, công suất sử dụng phòng trung bình của khối khách sạn đạt khoảng 51% giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Theo ước tính của Sở Du lịch Hà Nội, lượng du khách trong 2 tháng đầu năm khoảng 3,56 triệu người, giảm 25% so với cùng kỳ 2019, trong đó, khách quốc tế chỉ 844.000 người.

Đồng thời, trước những diễn biến phức tạp và lây lan nhanh của dịch Covid-19 trong những ngày gần đây, để tăng cường phòng, chống một cách quyết liệt nhất, Việt Nam quyết định tạm dừng thực hiện chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân các nước ở châu Âu bao gồm: Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha.

Tại một báo cáo công bố mới đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính trong vòng 3 tháng tới, ngành du lịch sẽ mất trắng 5,9 - 7,7 tỷ USD tương ứng với lượng sụt giảm du khách cả quốc tế và nội địa lên tới gần 30 triệu lượt vì Covid-19. Các dịch vụ liên quan như lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm đều bị “thổi bay” trung bình 1 - 1,8 tỷ USD mỗi ngành.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Không cho phép hồi tố chẳng khác nào rút “bình oxy” của DN đang "thoi thóp"!

Bức tranh ảm đạm do vướng mắc thủ tục hành chính khiến nguồn cung khan hiếm, cùng với những diễn biến phức tạp của dịch Corona đã khiến thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2020 gặp khó khăn và có dấu hiệu sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác. Tình hình dịch bệnh cũng đã dẫn đến bức tranh u ám của ngành du lịch nói chung và lưu trú khách sạn, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch… của tất cả doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Ngay cả những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường cũng đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là khi tình trạng mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài và việc triển khai dự án mới gặp nhiều khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp cho hay, họ đang phải đối mặt với tình cảnh nợ Ngân hàng ngập đầu, không có tiền tiếp tục triển khai dự án, trả nợ cho nhà thầu, sàn môi giới, thậm chí nợ cả tiền lương nhân viên... Nếu không trả được các khoản nợ này thì nhà thầu không thi công tiếp, nợ ngân hàng cũng đến hạn nếu không trả được, ngân hàng xử lý tài sản thế chấp theo quy định.

Chia sẻ trên báo Thanh niên, ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Thanh Bình cho biết, có đến 90% doanh nghiệp địa ốc đã "chết lâm sàng" vì không tiếp cận được vốn và gần như 100% sản phẩm không có thanh khoản. Nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh thoi thóp, “sống không được, chết không xong”.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thành phố Hồ Chí Minh: Thí điểm rút ngắn thời gian bồi thường tái định cư

Theo đó, Chính phủ giao UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vào đầu kỳ hằng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân có đất thu hồi. Nghị quyết nêu rõ việc ban hành hệ số điều chỉnh giá đất này không phải là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

UBND thành phố quyết định giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm Nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai. Đồng thời, UBND thành phố cũng có trách nhiệm ban hành quy chế phối hợp thực hiện trong việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng trên địa bàn thành phố, đảm bảo công khai, minh bạch nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top