Nhà dạt vùng ven vẫn khó với
Trong bối cảnh giá nhà tại các khu vực trung tâm đang vượt ngoài tầm với, mua nhà vùng ven từng là lựa chọn của không ít người dân có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, có một thực tế là chênh lệch về giá sơ cấp nhà ở vùng ven và trung tâm đang dần thu hẹp.
Gần 10 năm “buôn” chung cư tại Hà Nội, danh mục đầu tư của anh Lê Quốc Trường trước đây luôn được cân bằng ở mức 50 - 50, tức phân đều vốn cho căn hộ trung tâm và vùng ven. Nhưng đến quý I/2022, anh quyết định bán ra 2 căn nội đô để mua vào 2 căn vùng ven, đưa tỷ lệ thành 30 - 70.
Gần nhất, vào đầu tháng 7/2022, anh Trường bán “chốt lời” thành công căn hộ 86m2 tại Royal City (Thanh Xuân, Hà Nội) với giá hơn 5 tỷ đồng, sau đó xuống tiền tái đầu tư vào 1 căn hộ khác tại The Terra An Hưng (Hà Đông) đang được bán với giá bình quân 34 - 36 triệu đồng/m2.
Anh Trường cho biết, trước khi xuống tiền, anh đã bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu. Cách đây 2 năm, dự án này được bán với giá 23 - 25 triệu đồng/m2, tức chỉ bằng 70% hiện tại. Giữa cơn khát nguồn cung, tiềm năng tăng giá trong thời gian tới là rất khả quan.
Cũng tại Hà Đông, cách đó gần 2 tháng, anh Trường đã rót hơn 4,5 tỷ đồng mua vào căn chung cư 3 phòng ngủ với diện tích 103m2 tại dự án Roman Plaza. Mức giá mới cũng đã cao hơn khoảng 1,1 tỷ đồng so với mức giá bán ra vào đầu năm 2020.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Phát triển nhà ở công nhân: “Đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo”
Khi công nhân ly hương đến làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn phải sống trong những xóm trọ cũ kỹ, tồi tàn, thiếu các điều kiện sinh hoạt cơ bản và tiêu chuẩn an toàn… thì có lẽ, chính sách nhà ở cho công nhân vẫn còn cách thực tế một khoảng rất xa vời.
Giải quyết vấn đề nhà ở để công nhân “an cư lạc nghiệp”; hoàn thiện các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe của người lao động là 2 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của công nhân trong năm 2023 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành liên quan phải tập trung dành nguồn lực và ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chồng chéo, khoảng trống của pháp luật trong thời gian chưa sửa các luật liên quan.
Các chính sách an sinh hướng tới đáp ứng các nhu cầu sống cơ bản và chính đáng, trước hết là nhu cầu an cư để công nhân có thể tái tạo sức lao động, tăng năng suất làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp… không chỉ mang tính nhân văn mà còn là những chính sách không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù đã có rất nhiều chính sách khuyến khích phát triển nhà ở và các thiết chế văn hóa, an sinh cho công nhân, người lao động thu nhập thấp được ban hành trong nhiều năm qua, song bức tranh chung về đời sống công nhân hiện nay vẫn chưa thực sự được cải thiện.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Gỡ "nút thắt" pháp lý, trái phiếu doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng
Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi là tạo ra cơ chế cho các bên thoả thuận, có thêm thời gian để các doanh nghiệp thu xếp các khoản đáo hạn trái phiếu, giảm bớt nguy cơ đổ vỡ trong ngắn hạn.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Dự thảo đã đưa ra nhiều thay đổi quan trọng, được kỳ vọng sẽ mở đường tháo gỡ phần nào “nút thắt” trái phiếu khiến các doanh nghiệp bế tắc trong suốt thời gian qua. Để có những góc nhìn đầy đủ, Reatimes đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) về vấn đề này.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lựa chọn thời điểm để không gây sốc thị trường
Thị trường bất động sản đang ở giai đoạn chỉ cần một đề xuất chưa rõ ràng cũng khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân e ngại.
Việc TP.HCM đề xuất phương án tăng các khoản thuế, lệ phí liên quan đến bất động sản thứ hai trở lên nhằm tăng nguồn thu và ngăn chặn tình trạng đầu cơ nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận những ngày qua.
Nhiều quan điểm cho rằng, đề xuất của TP.HCM chỉ có thể áp dụng khi có các phương án phù hợp với đời sống thực tế của người dân. Cụ thể hơn, sắc thuế chỉ có thể thực hiện khi Việt Nam có một cơ sở dữ liệu đất đai nhà ở đầy đủ, cùng với đó là tính hợp lý ở nhiều phương diện như chủ sở hữu biệt thự hay chung cư và sắc thuế này có được quy định trong bộ luật hay không?… Đặc biệt, cũng có nhiều quan điểm đồng tình rằng, đánh thuế đối với nhà đất thứ hai thời điểm này là chưa phù hợp khi thị trường bất động sản đang ở giai đoạn nhạy cảm, một đề xuất mới bất hợp lý cũng có thể gây sốc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và kể cả những gia đình có nhu cầu thực.
Ở góc nhìn nghiên cứu luật, Ths. Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý đầu tư bất động sản đặt câu hỏi: "Đề xuất đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất để chống đầu cơ có vi hiến không?".
Theo ông Đỉnh, đây là vấn đề gây tranh cãi bởi Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội có nhiệm vụ, quyền hạn "quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế". Và hơn nữa, Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng quy định Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định "Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành". Nghĩa là nếu Quốc hội thông qua một Nghị quyết quy định chính sách đặc thù của TP.HCM, bao gồm chính sách thuế bất động sản, là đúng nhiệm vụ, quyền hạn được hiến định của mình và phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Giá thuê đất công nghiệp ở TP.HCM tiếp tục lập đỉnh mới
Nếu như mức giá thuê đất công nghiệp TP.HCM ở quý III/2022 vượt ngưỡng 200 USD/m2/chu kỳ thuê thì đến cuối năm mức giá này đã lên đến 300 USD/m2/chu kỳ thuê, cao nhất khu vực phía Nam.
Báo cáo của CBRE Việt Nam cho thấy, bất động sản công nghiệp là điểm sáng của thị trường bất động sản trong năm 2022. Thị trường chứng kiến sự quan tâm liên tục từ các nhà sản xuất toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực điện tử và năng lượng. Một số tên tuổi lớn như Apple, Quanta, Samsung và LG, với những khoản đầu tư lên tới hàng tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới.
Tại miền Nam, giá thuê đất bình quân tăng 8 - 13% theo năm và đạt 166 USD/m2/chu kỳ thuê còn lại vào cuối năm 2022, cao hơn khoảng 38% so với mức trung bình của khu vực miền Bắc. Giá thuê có thể hơn 280 - 300 USD/m2/chu kỳ thuê tại các vị trí đắc địa tại TP.HCM, Bình Dương và Long An.
Tương tự, báo cáo của Savills Việt Nam cũng cho biết, đến cuối năm 2022, giá thuê trần (cao nhất) đất công nghiệp tại TP.HCM chạm mức 300 USD/m2/chu kỳ thuê và tỷ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối. Tại vùng lân cận như Long An và Bình Dương, giá thuê đất công nghiệp đã lên đến gần 180 USD/m2/chu kỳ thuê và nguồn cung có sẵn không quá nhiều. Đà tăng giá thuê đất tại các thủ phủ công nghiệp phía Nam kéo dài trong nhiều năm qua và liên tục lập đỉnh mới.