Aa

Bất động sản du lịch không còn chỗ cho nhà đầu tư chộp giật

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Chủ Nhật, 17/11/2019 - 06:30

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn được đánh giá là một kênh đầu tư hiệu quả và có sự tăng trưởng tốt trong năm 2020. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây là cuộc chơi dài hạn nên sẽ loại bỏ các nhà đầu tư chộp giật.

Tăng trưởng du lịch tạo đà cho bất động sản nghỉ dưỡng

Sở hữu khí hậu nhiệt đới và đường bờ biển dài, cảnh quan đẹp, tài nguyên du lịch đa dạng với nhiều di sản thiên nhiên thế giới, Việt Nam đang trở thành một trong 14 điểm đến du lịch hấp dẫn, được tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn năm 2019. Nhiều địa phương mới nổi trên bản đồ du lịch đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư cũng như du khách toàn cầu.

Tính chung 10 tháng của năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng, đạt gần 14,5 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ 2018. Tốc độ tăng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có mức tăng khoảng 20%/năm. 70% khách quốc tế lựa chọn du lịch biển Việt Nam trong các kỳ nghỉ của mình.

Sự tăng trưởng lượng khách từ các quốc gia phát triển đã kéo theo nhu cầu nghỉ dưỡng tại các cơ sở lưu trú có tiêu chuẩn cao hay nói cách khác, chính sự tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch đã và đang tác động mạnh tới thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, đặc biệt là ở các địa phương ven biển như: Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc hay Quảng Ninh…

Trao đổi với báo chí về tiềm năng của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh nhà ở miền Bắc & miền Trung Savills Việt Nam cho rằng: “Chừng nào du lịch còn phát triển, chừng đó bất động sản nghỉ dưỡng còn cơ hội tăng trưởng tốt”.

Tiềm năng du lịch tạo đà cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển.

Tại một hội thảo về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2019 và tiềm năng tăng trưởng trong năm 2020, các chuyên gia cho rằng, cơ sở để đặt niềm tin vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đến từ hạ tầng giao thông đã, đang và sẽ tiếp tục được đầu tư, nâng cấp tại những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Hệ thống đường cao tốc kết nối liên vùng tại các thành phố lớn đang được đầu tư xây dựng rộng rãi. Bên cạnh đó, nhiều cảng hàng không được xây mới và nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế có khả năng đón hàng triệu khách du lịch.

Theo đó, những địa phương mới nổi có tăng trưởng du lịch tốt với nhiều tiềm năng đã và đang trở thành tâm điểm trong làn sóng dịch chuyển đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng từ các thị trường cũ.

Theo ông Huân Nguyễn, Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn thị trường Colliers International Việt Nam, sự dịch chuyển xảy ra khi các thị trường trung tâm bắt đầu có dấu hiệu bão hòa và nhà đầu tư nhìn thấy được tiềm năng từ các thị trường lân cận. Các địa phương mới nổi có giá đất hấp dẫn hơn nên tỷ suất sinh lời cao. Bên cạnh đó, bản thân các địa phương cũng tạo cơ hội cho nhà đầu tư vì muốn phát triển du lịch, nâng nguồn thu ngân sách và tạo nên những diện mạo mới.

Hiện nay, có không ít địa phương mới nổi cho thấy rất nhiều tiềm năng để khai thác du lịch, nghỉ dưỡng, như vị trí địa lý cảnh quan, khí hậu và cơ sở hạ tầng mới. Vì nhu cầu đối với du lịch khó hạ nhiệt, nên bất động sản du lịch tại địa phương càng dễ phát triển khi khách hàng luôn đòi hỏi sự mới mẻ.

Do vậy, các trung tâm du lịch truyền thống như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long… đã chứng kiến sự bùng nổ của hàng loạt dự án, dẫn tới quỹ đất tại các địa phương này thu hẹp và đắt đỏ. Làn sóng đầu tư vào các thị trường mới như Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Hòa Bình, Cam RAnh... vì thế lan rộng với sự dẫn dắt của các nhà phát triển du lịch, các doanh nghiệp lớn tiên phong.

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, cùng với sự tăng trưởng của ngành du lịch, phân khúc bất động sản du lịch là một trong những điểm sáng nổi trội của thị trường bất động sản năm 2019. Và trong năm 2020, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc đầy tiềm năng và có sự tăng trưởng tốt, đặc biệt là khi các cơ sở pháp lý liên quan đến các sản phẩm nghỉ dưỡng mới được hoàn chỉnh.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ có sự tăng trưởng tốt trong năm 2020.

Thị trường cần nhiều hơn những nhà đầu tư chuyên nghiệp

Theo các chuyên gia, để bất động sản du lịch nghỉ dưỡng thực sự đi đúng quỹ đạo phát triển thì đòi hỏi của doanh nghiệp địa ốc chuyên nghiệp, vừa có năng lực vừa có tầm nhìn là điều hết sức quan trọng. Nếu không, sự đổ bộ ồ ạt của các doanh nghiệp, thiếu đi chiếc phễu lọc sẽ tạo ra sự ngổn ngang và chồng chéo.

“Bộ mặt của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã đổi thay rất lớn nhờ sự tham gia thị trường của những ông lớn như Vingroup, Sun Group, CEO Group… Tuy nhiên, sự phát triển nóng của quá nhiều doanh nghiệp địa ốc lấn sân vào bất động sản nghỉ dưỡng đã khiến thị trường trở nên bị “bê tông hóa”, chững lại.

Vấn đề đầu tiên phải là giải quyết bài toán quy hoạch. Chúng ta cũng cần định hướng cho các doanh nghiệp dựa vào tiềm lực của mình để chọn tỷ trọng sản phẩm nào là phù hợp. Đâu là sân chơi cho bất động sản nghỉ dưỡng, đâu là sân chơi cho những doanh nghiệp làm về khu đô thị, đâu là sân chơi cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Và bất động sản nghỉ dưỡng cần phải có những doanh nghiệp địa ốc có tiềm năng mạnh về tài chính có năng lực về quy hoạch và xây dựng. Có như vậy, thì bất động sản du lịch nghỉ dưỡng mới phát triển đúng đắn như kỳ vọng mà ta đặt ra”, ông Văn Dũng Chinh, Chủ tịch CLB Bất động sản Nha Trang – Khánh Hòa nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh nhà ở miền Bắc & miền Trung Savills Việt Nam cũng cho rằng, với những dự án được phát triển tốt thì các nhà đầu tư sẽ có nguồn thu ổn định từ cho thuê, kinh doanh khách sạn, biệt thự du lịch của họ. Tuy nhiên, lưu ý rằng không phải bất cứ sản phẩm nào được tung ra thị trường cũng đều có thể “lướt sóng” hoặc đầu tư ngắn hạn.

“Lợi nhuận lớn thì rủi ro lớn, các sản phẩm đầu tư ngắn hạn thường là những sản phẩm rủi ro và thiếu tính ổn định hơn. Thay vì việc kiếm lời trong thời gian ngắn thì hãy tìm cách xây dựng hoặc đầu tư vào các sản phẩm mang tính trung hạn và dài hạn, điều này sẽ giúp các nhà đầu tư có được sự ổn định về mặt tài chính cũng như giúp cho các quốc gia có được sự ổn định thị trường”, ông Hiển nói thêm.

Phát triển ồ ạt, chộp giật, thiếu quy hoạch là một trong những nguyên nhân gây ngập lụt ở Phú Quốc. Ảnh: Thuận Thắng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, trải qua gần 1 thập kỷ, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã có sự sàng lọc rất nhiều. Những nhà đầu tư có tư duy ngắn hạn, chộp giật, không có chiến lược về lâu dài thì bất động sản không phải là cuộc chơi giành cho họ. Thay vào đó, thị trường cần nhiều hơn những nhà đầu tư chuyên nghiệp để hướng tới sự phát triển bền vững của cảnh quan, du lịch và đem lại lợi nhuận bền vững:

“Không bao giờ có chuyện đầu tư vào bất động sản du lịch lấy được tiền lại ngay. Những người tham gia vào thị trường này thì xác định tiền của mình sẽ bị “chôn” ở đó một thời gian chứ không phải như gửi tiết kiệm, cam kết 10% thu lời được ngay. Bởi đầu tư vào du lịch là chương trình dài hạn, giá trị sản phẩm của dự án bất động sản nghỉ dưỡng thường rất lớn, lên tới cả triệu USD/sản phẩm, nên dù chủ đầu tư đưa ra cam kết phân chia lợi nhuận từ 60 – 85%, thì để có lợi nhuận, nhà đầu tư phải tính bước đường dài”.

Bên cạnh đó, theo ông Thanh, muốn tiếp tục “cuộc chơi” bất động sản du lịch, đòi hỏi phải có quy hoạch tốt trước khi thu hút các nhà đầu tư ở cả thị trường nghỉ dưỡng núi cũng như thị trường ven biển, tránh sự phát triển nóng như tại một số địa phương trong thời gian qua.

“Rõ ràng, Nha Trang, Phú Quốc, Sa Pa… vốn là những điểm đến rất hấp dẫn, nhưng sự phát triển quá nóng, quá ồ ạt và tràn lan, thiếu tầm nhìn đã dẫn đến một thực trạng hạ tầng bị quá tải, nhiều nhà đầu tư lướt sóng phải tháo chạy. Chúng ta luôn gặp tình trạng quy hoạch hạ tầng luôn bị chậm, sức ép của phát triển luôn ép lên quy hoạch cũng như hạ tầng, cái đó chúng ta phải thay đổi”, ông Thanh cho hay.

Một chuyên gia quy hoạch khác cũng cho rằng, điểm mấu chốt cho câu chuyện này là sự thiếu đồng đều giữa phát triển bất động sản gắn liền phát triển du lịch khi phần lớn hiện tại vẫn “mạnh ai nấy làm”. Bản thân những khu resort, sân golf ven biển đáp ứng được vấn đề níu khách ở lại, nhưng hình thức chia lô đã khiến các bãi biển tự nhiên bị các khu resort này chiếm giữ, tạo cảm giác chật chội.

Ngay những dự án đất nền cũng chưa có sự đảm bảo sẽ trở thành một khu du lịch phức hợp hoàn chỉnh có sự kết nối với các dự án khác để thay đổi cả một hệ tầng xã hội trong phát triển du lịch.

“Tất nhiên, không ai có thể chờ đến khi có một môi trường kinh doanh hoàn hảo mới xuống tiền đầu tư và các dự án nghỉ dưỡng sang trọng vẫn mọc lên dọc chiều dài đất nước. Thế nhưng, “liệu cơm gắp mắm” vẫn là lời khuyến cáo hữu ích với không chỉ các chủ đầu tư mà còn với cả những khách mua nhà”, vị chuyên gia nhận định. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top