Điểm nóng thị trường

Bất động sản giải trí kết hợp du lịch: Thị trường cần cả "cơm bụi" và "đặc sản"

Điểm nóng thị trường - 23:30, 16/12/2018 G12T+7 - Hoài Thu

Giống như bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản giải trí cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp, chuyên biệt trong quản lý vận hành và phát triển.

Các con số ấn tượng về tốc độ phát triển du lịch của Việt Nam với lượng khách cả trong và ngoài nước là những tiềm năng không thể phủ nhận đối với ngành bất động sản giải trí. Có thể nói, tỷ lệ phát triển của du lịch và tiềm năng phát triển các dịch vụ du lịch – giải trí là những con số tỷ lệ thuận với nhau, “nước lên bèo lên”.

Tăng trưởng nhờ du lịch

Từ năm 2012, các chuyên gia quốc tế lẫn trong nước tham dự Hội nghị triển lãm VIREC 2012 với chủ đề “Bất động sản và công nghiệp giải trí - hai lĩnh vực một đích đến” đã khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực bất động sản giải trí nói chung và công viên chủ đề nói riêng. Ngay tại thời điểm đó, Tổng cục Du lịch đã xác định quy hoạch hệ thống hơn 40 khu du lịch tiềm năng trên cả nước để tập trung thu hút đầu tư, có những chính sách ưu đãi, nhất là trong công tác đầu tư hạ tầng.

Công viên Fantasy tại Sun World Bà Nà Hill

Công viên Fantasy tại Sun World Bà Nà Hill

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, hiện nay, thực trạng của thị trường bất động sản giải trí là lượng cầu rất lớn và tăng ngày càng cao trong khi lượng cung không đủ. Việc cần làm hiện tại là kêu gọi đầu tư và phát triển, và giải quyết vấn đề quy hoạch du lịch thế nào cho hợp lý để định hướng phát triển cho tốt. “Với thị trường hiện nay, các nhà đầu tư không cần lo lắng về tình trạng quá nóng hay rơi vào tình trạng đóng băng bởi lượng cung còn rất hiếm so với cầu. Trong khoảng 10 năm tới, không phải lo về quan hệ cung - cầu bất hợp lý, cứ phát triển theo đúng quy hoạch” – GS. Đặng Hùng Võ nhận định.

Bất động sản nghỉ dưỡng chủ yếu là những khu resort bình yên, mang lại cảm giác thư thái nghỉ ngơi cho khách du lịch. Trong khi đó bất động sản du lịch và giải trí lại thiên về những hoạt động sôi nổi, náo nhiệt để hấp dẫn khách trong và ngoài nước. Để kết hợp 2 nhu cầu nghỉ dưỡng và vui chơi, khi thác hết tiềm năng cũng như lợi thế có sẵn từ nguồn khách du lịch, đòi hỏi nhà đầu tư phải chú ý đến 3 vấn đề mấu chốt đó là: hạ tầng, chất lượng dịch vụ và chính sách.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Empire Trịnh Việt Hưng cho biết, để bất động sản du lịch và giải trí phát triển cần sự kết hợp của những yếu tố sau: Văn hóa địa phương, Điều kiện địa lý, Nguồn nhân lực ngành công nghiệp giải trí và du lịch, Sự tâm huyết của doanh nghiệp và sự ủng hộ của xã hội, Tiềm năng phát triển du lịch của địa phương cũng như các mô hình giải trí đa dạng phù hợp và mang đậm bản sắc văn hóa, Các chính sách hỗ trợ và định hướng phát triển của các cơ quan chức năng.

Những địa phương có bãi biển đẹp; đường giao thông thuận tiện; chính quyền địa phương quan tâm đến phát triển du lịch, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng; khách du lịch đến nhiều sẽ là những nơi có tiềm năng phát triển loại hình bất động sản du lịch giải trí như Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Yên...

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường

Theo GS. Đặng Hùng Võ, bất động sản giải trí, nghỉ dưỡng được quan tâm nhất về hút dòng vốn trong vài năm qua. Thị trường cũng đang phân hóa rõ nét theo tính chuyên nghiệp cao. Các sản phẩm không chỉ để nghỉ dưỡng đơn thuần, mà còn có triển vọng thương mại cao, nhu cầu nghỉ dưỡng gắn liền với hệ thống các khu du lịch, vui chơi, giải trí.

Tuy nhiên, một điều phải nhìn nhận rõ rằng Việt Nam vẫn có nhiều hạn chế trong quá trình phát triển, khai thác lợi thế của mình trong lĩnh vực du lịch. Vấn đề cơ bản trong việc xây dựng các công viên giải trí là việc đầu tư trùng lặp, từ đó dẫn đến thiếu cạnh tranh, phát triển không đồng bộ. Nhiều khu vui chơi giải trí sao chép về ý tưởng, chưa thể hiện được cái riêng của mình. Những hạn chế này xuất phát từ việc các công viên chưa xác định rõ được phân khúc thị trường, nên phát triển theo kiểu “bách hóa”, làm giảm tính hấp dẫn.

Giống như bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản giải trí cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp, chuyên biệt trong quản lý vận hành và phát triển. Đồng thời hoạt động, loại hình vui chơi giải trí, cơ sở hạ tầng của khu cũng phải luôn thay đổi, mới lạ, nâng cao chất lượng phục vụ để hấp dẫn người dân. Bởi sự nhàm chán, lạc hậu và chất lượng kém là yếu tố chính không thu hút người dân tại các khu giải trí.

Gắn liền với văn hóa dân tộc

Trên thế giới, hiện nay ngành bất động sản công nghiệp vui chơi giải trí phát triển khá mạnh, đặc biệt là xây dựng các công viên chủ đề được đánh giá là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn tại khu vực châu Á, có thể kể đến các công trình như Disneyland Hong Kong, Universal Studios Singapore, Disney Park Thượng Hải và nhiều công viên tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia… Hòa chung vào dòng chảy của ngành bất động sản công nghiệp vui chơi giải trí, Việt Nam cũng có một số công viên chủ đề mang tầm quốc tế, mà nổi bật nhất phải kể đến là công viên Dragon Park thuộc quần thể Sun World Ha Long Park (Hạ Long – Quảng Ninh) của tập đoàn Sun Group - công viên chủ đề lớn nhất Đông Nam Á.

Du lịch, giải trí phải gắn liền với văn hóa dân tộc (ảnh minh họa)

Du lịch, giải trí phải gắn liền với văn hóa dân tộc (ảnh minh họa)

Theo nhận định của một số chuyên gia nước ngoài, Việt Nam có thể phát triển những trung tâm giải trí theo chủ đề gắn với lịch sử, giáo dục, khoa học, sinh thái, đại dương, nông nghiệp. Tuy nhiên, khi phát triển một mô hình công viên, điều đặc biệt tạo nên sự thành công của dự án là cần phải nghiên cứu về nhu cầu, thị hiếu, văn hóa của vùng để từ đó phát triển mô hình theo đặc điểm của từng vùng miền để thu hút được du khách.

So sánh các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam hiện tại với một số mô hình nổi tiếng trên thế giới, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, Việt Nam có thể đi theo những xu hướng chung của thế giới, tuy nhiên việc áp dụng hoàn toàn các mô hình đó ở Việt Nam là điều không nên.

Ví dụ như lễ hội âm nhạc Du hành tới mặt trăng (Trip to the moon) do công ty Á Châu tổ chức tối 16/9 tại công viên nước Hồ Tây nằm trong khuôn khổ Tuần lễ âm nhạc điện tử 2018 - Vietnam Electronic Weekend (VEW) năm thứ 3 liên tiếp, thu hút khoảng 5000 người tham dự ngày 16/9 vừa qua đã làm 7 người chết nghi do sốc ma túy, bắt nguồn từ khả năng quản lý của các đơn vị tổ chức vẫn chưa đủ để các lễ hội diễn ra an toàn tuyệt đối. Sau sự việc này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn Hoá, Thể Thao Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tạm dừng cấp phép các loại hình biểu diễn tương tự. Sau khi có kết quả điều tra từ cơ quan công an sẽ tiếp tục xem xét, rút kinh nghiệm để có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa với các chương trình biểu diễn đại nhạc hội lớn, đặc biệt là với công an thành phố để đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế tối đa các trường hợp đáng tiếc.

Thêm vào đó, tại các dự án bất động sản giải trí, các loại hình casino cũng được giới đâu tư quan tâm phát triển. “Việt Nam đã có quy định về phát triển sòng bài, cái đó phải được nhà nước cấp phép. Sòng bài lúc nào cũng thu hút được lượng lớn khách du lịch, kích thích nhiều người tham gia, tuy nhiên vẫn đề vướng mắc ở đây là được phép hay không được phép” – GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Dưới góc nhìn của một chuyên gia văn hóa, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng: “Với các mô hình lễ hội truyền thống kết hợp các trò chơi giải trí hiện đại, nguyên tắc chung là đảm bảo hài hòa giữa hai hình thức, đối với mỗi khu vực, mỗi đề án lại cần nghiên cứu riêng. Những khu du lịch mang tính tâm linh thì các hoạt động giải trí khác cũng phải mang tính tâm linh. Ví dụ gò Đống Đa một năm chỉ có một ngày giỗ trận người ta đến rất đông, có thể xây dựng trên diện tích đất còn lại một nhà triển lãm trưng bày như mô hình nhà tranh tròn “Trận chiến Borodino” tại Nga để phục dựng lại trận Ngọc Hồi – Đống Đa rất thú vị. Kéo theo đó sẽ là sự phát triển của quán ăn, giải khát,… khu vực lân cận. Hay như ở cao nguyên đá Đồng Văn, kết hợp được tham quan công viên đá với dinh thự vua Mèo, phiên chợ người Mèo,… thì rất tốt”.

Về vấn đề phát triển cáp treo, cả hai chuyên gia cùng đưa ra quan điểm phải cân nhắc có những địa điểm là cần thiết, vì nhiều người có nhu cầu tới và việc xây dựng không làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung của di tích, như cáp treo Yên Tử. Tuy nhiên, Sơn Đoòng lại mang vẻ hoang sơ, ly kỳ, không thể xây dựng cáp treo để nhiều người vào sẽ phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến di sản, và dòng du lịch mạo hiểm, du lịch giá cao không còn nữa. Hơn nữa, nhiều người đến nhưng hiệu quả kinh tế không cao, vắt kiệt môi trường. “Có chỗ mở cơm bụi được, có chỗ chuyên để đặc sản. Nếu chỗ nào cũng mở cơm bụi được thì đặc sản sẽ mất” - GS.TSKH Vũ Minh Giang nhận định.

Với một môi trường có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm bất động sản giải trí như tại Việt Nam, GS. Đặng Hùng Võ khẳng định: “Tất nhiên du lịch việt Nam không nên đi theo xu hướng của phương Tây mà phải gắn với văn hóa Việt Nam. Lễ hội mang tính đặc thù dân tộc, vùng miền, lễ hội văn hóa của các dân tộc thiểu số đều có thể kích thích du lịch”.

Với khả năng có thể phát triển mạnh trong thời gian tới, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang chờ đợi những cơ hội tốt để “chớp thời cơ” trở thành những cái tên xứng tầm trong ngành bất động sản giải trí tại Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết Bất động sản giải trí kết hợp du lịch: Thị trường cần cả "cơm bụi" và "đặc sản" tại chuyên mục Điểm nóng thị trường của Đô thị mới. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Cùng chuyên mục