Aa

Bất động sản giải trí Việt Nam: “Bánh ngon” kén người “thưởng thức”?

Thứ Hai, 21/01/2019 - 09:00

Miếng bánh thị phần bất động sản giải trí tuy chưa được chia đều cho tất cả các nhà đẩu tư, tuy nhiên các nhà đầu tư nhỏ đương nhiên có cơ hội được “thưởng thức” nếu muốn và đáp ứng các điều kiện về vốn cũng như chất lượng dịch vụ nhờ có các chính sách ưu đãi từ Nhà nước.

“Miếng bánh” chỉ dành cho “đại gia”?

Được coi là mảnh đất màu mỡ để phát triển bất động sản giải trí so với các quốc gia trên thế giới, thị trường này tại Việt Nam hiện nay cũng đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ.

Trên thực tế, “miếng bánh” bất động sản giải trí là món ăn xa xỉ, chỉ dành cho các ông lớn trong ngành, bởi các nhà đầu tư nhỏ vẫn có nhiều điểm yếu, điểm thiếu chưa đủ sức tham gia và thị trường này.

Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư Việt Nam thường vốn ít, do đó không muốn đầu tư vào những dự án quá lớn. Chúng ta cũng cần chờ thời điểm có nhiều nhà đầu tư có tiềm năng tài chính cao, có kinh nghiệm quản lý dự án, có trình độ phát triển khoa học công nghệ mới đảm bảo triển khai những dự án lớn.

Theo GS Đặng Hùng Võ, các loại hàng hóa bất động sản mới phục vụ bất động sản nghỉ dưỡng là villa, shophouse, condotel, bất động sản du lịch giải trí đang có sức thu hút lớn các nhà đầu tư thứ cấp. Đây là những loại hàng hóa bất động sản rất mới, đảm bảo mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư thứ cấp ở mức cao hơn việc mua nhà ở để cho thuê. Đồng thời, các hàng hóa bất động sản này cũng đảm bảo được nhu cầu nghỉ ngơi của chủ sở hữu, trao đổi kỳ nghỉ ở những địa phương khác kể cả nước ngoài (thông qua chính sách của chủ đầu tư dự án). Hơn nữa, các bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch giải trí còn được coi là nhà ở với thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài, như một tài sản được thừa kế cho con, cháu, tạo nên sự yên tâm trong đầu tư.

Ở một số địa phương có lễ hội truyền thống, đây là một hình thức để phát triển bất động sản du lịch theo hướng truyền thống của Việt Nam. Điều mà các địa phương cần lưu ý để khắc phục những tồn tại như hiện tượng nhốn nháo, chặt chém, ô nhiễm môi trường ở các lễ hội là phải quan tâm tới hạ tầng để phục vụ lễ hội đó. Khi quyết định tổ chức lễ hội, nhất là lễ hội định kỳ, phải dự trù được số lượng khách đến để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở, giá cả và các dịch vụ thiết yếu.Thực tế chỉ mới một số địa phương làm được điều này, và trong giai đoạn tới, UBND các tỉnh có tổ chức lễ hội cần phải coi đó là sự kiện để thu hút du lịch và cần thiết phải đầu tư hạ tầng du lịch ở mức độ nhất định, tạo điều kiện nghỉ ngơi, tìm hiểu văn hóa, vui chơi, giải trí, kể cả khách nước ngoài... Lúc đó chúng ta sẽ làm hài lòng được khách du lịch nghỉ dưỡng, đồng thời tăng thêm nguồn thu từ hoạt động lễ hội cho địa phương.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, Việt Nam phù hợp để phát triển các thành phố du lịch. Thắng cảnh chùa Hương, chùa Bái Đính là những nơi khách du lịch đến quanh năm. Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ lễ hội và các hoạt đông vui chơi, tham quan thu hút khách du lịch quanh năm thì nhà đầu tư sẽ có nguồn thu thường xuyên, không gây lãng phí khi xây dựng cơ sở hạ tầng chỉ dành cho một mùa lễ hội, lại phát huy được các giá trị truyền thống vốn có.

Với các lễ hội giải trí kiểu mới như các lễ hội theo mùa, lễ hội âm nhạc hay lễ hội cowndown,… mà một số nhà đầu tư đang thực hiện theo mô hình của các thành phố du lịch nổi tiếng thế giới, các nhà đầu tư cũng cần phải lưu ý đến tính phù hợp với văn hóa ở Việt Nam cũng như các quy định và khả năng quản lý của mỗi đơn vị tổ chức. Được biết, các hình thức lễ hội như mô hình này đã phát triển song song và đồng bộ cùng với thị trường du lịch từ những năm 1990 của thế kỷ trước tại Singapore, Thái Lan, Malaysia... Singapore là ví dụ điển hình về sự thành công của mô hình này khi thu hút lượng khách du lịch rất lớn và tăng trưởng cao trong nhiều năm, mặc dù họ gần như không sở hữu những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và phong phú. Một đơn vị tiên phong sử dụng hình thức này ở Việt Nam là Cocobay khẳng định mô hình này không chỉ cung cấp thêm nguồn cung về dịch vụ lưu trú mà còn hỗ trợ trong việc gia tăng thời gian lưu trú của khách du lịch tại Việt Nam khi các dịch vụ giải trí và du lịch đa dạng kết hợp có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi và vui chơi của khách du lịch.

Về phương diện thu hút đầu tư nước ngoài, theo số liệu thống kế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 1998 - 2008, lĩnh vực du lịch Việt Nam đã thu hút được 431 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 18,6 tỷ USD. Tuy nhiên, các dự án đầu tư vào du lịch chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khách sạn, còn lĩnh vực vui chơi giải trí chưa được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tạo cơ hội cho các nhà đầu tư vừa và nhỏ

Về quy chuẩn cho chủ đầu tư và các nhà đầu tư tham gia thị trường bất động sản giái trí, Luật kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định 76/2015 nghị định Chính phủ quy định chi tiết luật kinh doanh bất động sản. Đối với kinh doanh bất động sản du lịch giải trí, chủ đầu tư ngoài việc chấp hành các quy định của luật kinh doanh bất động sản còn phải tuân thủ các quy định pháp luật đất đai, đầu tư, xây dựng.

Để thúc đẩy mạnh các nhà đầu tư tham gia vào thị phần này, theo Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh bất động sản. Nhà nước cũng có chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất của các dự nhà xã hội và dự án ưu đãi đầu tư; bình ổn thị trường bất động sản, đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng.

Theo GS Đặng Hùng Võ, khi lượng khách du lịch của Việt Nam ngày càng đông, cần phải tăng cường đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân là chính.

“Vấn đề thúc đẩy các nhà đầu tư tư nhân nhỏ tham gia vào thị trường bất động sản giải trí tại Việt Nam cũng là một bài toán khó cần giải quyết, bỏi nó phụ thuộc vào tiềm lực tài chính. Nếu đầu tư cho du lịch, Nhà nước cũng đã có một số ưu đãi nhất định, còn việc giải quyết vốn để đầu tư là việc của doanh nghiệp, còn chuyện nhà nước đứng ra cho vay vốn để đầu tư cho du lịch thì rất khó. Chỉ có cách tìm những giải pháp trợ giúp mang tính chính sách”.

“Ngoài ra, chúng ta phải thúc đẩy đầu tư, thực hiện các mô hình liên doanh, liên kết đầu tư giữa nhà đầu tư lớn với nhà đầu tư nhỏ, trong đó vai trò của các nhà đầu tư nhỏ là vô cùng quan trọng. Họ phải tự tư duy ra cách làm chứ đừng nhìn vào việc nhà nước giúp cái gì, nhà nước chỉ có thể có những ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quốc hội cũng đã thông qua các chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanhs nghiệp có thể vận dụng những điều đó để tực vạch ra con đường cho mình nếu muốn tham gia vào thị phần này. Đấy là bản chất của thị trường” – GS Đặng Hùng Võ cho hay.

Theo GS Vũ Minh Giang, hiện nay, các ý tưởng về các khu du lịch – giải trí rất nhiều, và cũng có một bộ phận lớn doanh nghiệp muốn tham gia theo hình thức xã hội hóa đối với các sản phẩm giải trí này. Những doanh nghiệp có tâm làm văn hóa, bởi họ có thể nhìn thấy được lợi ích của họ khi tham gia. Tuy nhiên, khi thực hiện xin phép, việc thuyết phục chính quyền mất nhiều thời gian, công sức nên nhiều doanh nghiệp cũng không còn mấy mặn mà với hình thức này.

“Nhà quản lý, nhà khoa học và nhà đầu tư phải ngồi với nhau, đưa ra tầm nhìn cùng về một hướng mới có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến kinh tế, văn hóa, chính trị đang đặt ra trong thị trường này. Phải có sự gặp nhau giữa ý tưởng của nhà khoa học, quyết tâm của chính quyền và lợi ích của nhà đầu tư thì các ý tưởng mới trở thành sự thật” - GS Vũ Minh Giang khẳng định.

Bên cạnh đó, các mô hình nhà đầu tư thứ cấp đầu tư thông qua một dự án lớn vào quần thể dự án du lịch, giải trí và thu lợi từ việc vận hành quần thể này như việc đầu tư vào bất động sản nhỏ lẻ nằm cạnh các quần thể đó và tự mình tham gia vào quá trình cho thuê, cũng có thể tham gia vào công ty gia đình khá phổ biến ở Thái Lan cũng như Malaysia, Indonesia... Các nhà đầu tư thứ câp tại Việt Nam cũng có thể áp dụng mô hình này tuy nhiên phải đặc biệt chú ý về chất lượng dịch vụ và sự chuyên nghiệp của dự án, bởi so với quần thể các dự án lớn của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trong thị trường này, các nhà đầu tư nhỏ cần phải khắc phục nhiều điểm yếu.

Ngoài các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, miền Trung Việt Nam mang nhiều lợi thế để phát triển bất động sản du lịch- nghỉ dưỡng kết hợp du lịch giải trí, tuy nhiên vẫn chưa khai thác triệt để tiềm năng. Ở miền Trung, địa phương nào cũng có lợi thế về thiên nhiên, bờ biển đẹp, nhu cầu vui chơi giải trí nhiều. Tuy nhiên, nơi đây cũng đang tồn tại một số hạn chế khiến bất động sản du lịch chưa có cơ hội phát triển mạnh, đó là hạ tầng, hiện miền Trung mới chỉ có 2 sân bay quốc tế là sân bay Đà Nẵng và sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thứ hai, du lịch là lĩnh vực đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao từ chất lượng quản lý đến kỹ năng giao tiếp, điều này liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực. Thứ ba, cần phải xây dựng được chính sách ổn định. Nếu khắc phục được những hạn chế này, bất động sản công nghiệp vui chơi giải trí sẽ thu hút được sự tham gia của nhiều nhà đầu tư. Nhà đầu tư có tầm nhìn sẽ thấy được cơ hội đầu tư rất lớn vào bất động sản giải trí ở khu vực này.

Nguồn cung bất động sản giải trí tuy không còn hạn hẹn như một vài năm trước đây nên vẫn còn nhiều “đất dụng võ” cho các nhà đầu tư, hứa hẹn sẽ tạo nên những cú nổ lớn, tận dụng nguồn lợi cũng như tạo điều kiện cho ngành công nghiệp không khói Việt Nam ngày càng phát triển.

Hoài Thu

 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top