Aa

BĐS 24h: Đại gia ngoài ngành lại đua nhau lao vào địa ốc

Thứ Tư, 24/05/2017 - 13:41

Thanh khoản cải thiện, tín dụng vẫn tăng mạnh; Đại gia ngoài ngành lại đua nhau lao vào địa ốc; Hà Nội "tuýt còi" 10 dự án cho dân vào ở khi chưa đủ điều kiện PCCC... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

Thanh khoản cải thiện, tín dụng vẫn tăng mạnh

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ phát hành 4.744 tỷ OMO và hút về 6.540 tỷ đáo hạn, tương đương hút ròng -1.796 tỷ, đưa khối lượng OMO lưu hành xuống chỉ còn 4.744 tỷ.

Cụ thể, lãi suất qua đêm giảm xuống 3,83%, lãi suất 1 tuần xuống 3,80%, lãi suất 1 tháng giảm xuống 4,29%, đưa mặt bằng lãi suất giảm từ mức đỉnh 2 tháng và chấm dứt đợt căng thanh khoản kể từ sau Tết âm lịch.

Kết quả giao dịch trên thị trường mở cũng cho những dấu hiệu tương tự. Trong cả tuần, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ phát hành 4.744 tỷ OMO và hút về 6.540 tỷ đáo hạn, tương đương hút ròng -1.796 tỷ, đưa khối lượng OMO lưu hành xuống chỉ còn 4.744 tỷ.

Điều đáng chú ý là sau hai tháng tỷ lệ trúng thầu luôn đạt mức 100% thì tới tuần này tỷ lệ trúng thầu giảm chỉ còn 79%, riêng ngày thứ 6 NHNN đã không phát hành thêm OMO. Lãi suất hạ nhiệt cùng với nhu cầu vay của thị trường giảm dần cho thấy thực tế thanh khoản hệ thống đã có nhiều cải thiện, trạng thái thiếu hụt tạm thời đã qua.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hà Nội "tuýt còi" 10 dự án cho dân vào ở khi chưa đủ điều kiện PCCC

Từ ngày 26/4/2017 đến ngày 09/5/2017, Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội đã phối hợp với C66 tổ chức kiểm tra nghiệm thu về PCCC 10 dự án, công trình cao tầng do C66 thẩm duyệt thiết kế trên địa bàn các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Tây Hồ, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Đoàn kiểm tra nhận thấy 10 dự án, công trình cao tầng được kiểm tra đã thi công xong nhưng còn nhiều các tồn tại về PCCC như lối thoát nạn, các giải pháp ngăn cháy, hệ thống PCCC, chống tụ khói nên chưa đủ điều kiện cấp văn bản nghiệm thu về PCCC để đưa vào hoạt động.

Tại buổi kiểm tra, Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại về PCCC, không đưa các hộ dân vào ở, công trình vào hoạt động khi chưa được C66 cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về PCCC.

Xem chi tiết 10 dự án chưa được nghiệm thu PCCC tại đây

 Đại gia ngoài ngành lại đua nhau lao vào địa ốc

Tại Hội nghị đối thoại của Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra ngày 17/5 vừa qua, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã cung cấp số liệu cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2017, lĩnh vực kinh doanh bất động sản xếp thứ 2 về số lượng doanh nghiệp thành lập mới khi có đến 1.391 doanh nghiệp đăng ký, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có không ít doanh nghiệp ngoài ngành tham gia vào sân chơi này.

Đánh giá về hiện tượng này nhiều chuyên gia cho rằng, BĐS vẫn luôn là lĩnh vực “hot” thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Thị trường đã đi qua giai đoạn trầm lắng, nhiều thương vụ M&A đã được các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính triển khai, và năm 2017 là thời điểm để doanh nghiệp hiện thực hóa các dự án.

Trong số đó, có thể liệt kê ra nhiều “lính mới” tham gia thị trường. Chẳng hạn, Tập đoàn Đồng Lực, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế lại đầu tư vào một Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp tại Thủ đô Hà Nội, thông qua việc sở hữu Công ty cổ phần Tháp nước Hà Nội - là chủ đầu tư Dự án Hanoi Aqua Central.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Quyết định “cắt ngọn” tầng 17, 18 dự án Tân Bình Apartment

Đó là kết quả tại cuộc họp báo cáo tình hình thực hiện dự án Tân Bình Aparment (tọa lạc số 32 Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM) với lãnh đạo Sở Xây dựng Thành phố và đại diện các sở ban ngành liên quan sáng 23/5.

Quyết định

Quyết định "cắt ngọn" phần xây sai phép tầng 17,18 dự án.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 29/4 diễn ra tại UBND phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM, khách hàng đã đưa ra năm điều kiện cho chủ đầu tư để dự án Tân Bình Apartment tồn tại theo hiện trạng xây sai phép. Tuy nhiên, chủ đầu tư khẳng định không thể thực hiện được.

Theo đó, tại cuộc họp, các khách hàng đề nghị chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện nội thất, điện, nước, tầng hầm... các căn hộ xây đúng giấy phép, để giao nhà cho khách hàng theo đúng cam kết vào tháng 10/2017 vì đã chậm giao nhà hơn một năm. Đồng thời, chủ đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ 5 triệu đồng /tháng/ hộ trong thời gian chờ nhận nhà như đã hứa.

Phía đại diện chủ đầu tư dự án Tân Bình Apartment cho rằng, theo hợp đồng, chủ đầu tư đã phải trả lãi phạt cho khách hàng nếu cộng thêm tiền hỗ trợ khách hàng như trên thì công ty sẽ phá sản. Mong muốn cơ quan Nhà nước và cư dân chấp thuận được xây thêm tầng 17,18.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc kiểm tra vụ “đất vàng giá bèo” ở Thanh Hoá

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quyết định 1143/QĐ-BTNMT thành lập đoàn kiểm tra việc “thâu tóm đất vàng” với giá bèo tại tỉnh Thanh Hoá, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quyết định của Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT), đoàn kiểm tra gồm ông Lê Văn Lịch - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai làm Trưởng đoàn. Phó trưởng đoàn là ông Đoàn Ngọc Phương - Quyền Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Tổng cục Quản lý đất đai).

Đoàn sẽ kiểm tra hai dự án như báo chí đã nêu (Khu thương mại dịch vụ và dân cư B-TM1 thuộc khu đô thị mới Đông Hương và khu biệt cự cao cấp Quảng Cư - thị xã Sầm Sơn) và một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê, dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT); dự án thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng… đã triển khai từ năm 2010 đến thời điểm kiểm tra tại khu vực đô thị, khu vực phát triển đô thị, du lịch từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Trong đó, tập trung kiểm tra việc giao đất, cho thuê đất, công tác xác định giá đất, phê duyệt giá đất và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của các dự án.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top