Aa

BĐS Sa Pa “tỏa nhiệt” từ đòn bẩy du lịch và hạ tầng

Thứ Sáu, 03/03/2017 - 03:00

Chưa lúc nào BĐS Sa Pa lại “nóng bỏng” như hiện nay khi hàng loạt “ông lớn” địa ốc rót tiền tỷ cho thị trường. Hiện các chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục nhào vào tranh giành “miếng bánh ngon” này với mong muốn thu được lợi nhuận cao.

Cuộc dịch chuyển ngoạn mục

Khi BĐS đô thị và vùng biển đang chuyển dần sang giai đoạn bão hòa thì giới đầu tư bắt đầu chuyển hướng “lên núi”. Sa Pa nổi lên là địa điểm hút mạnh dòng tiền đầu tư vào thị trường BĐS, đặc biệt là các sản phẩm trong phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng.

Trong số những “ông lớn” BĐS tìm đến Sa Pa và làm cho nơi đây "thay da đổi thịt", phải kể đến Sun Group. Tháng 2/2016, Tập đoàn này đã khánh thành hệ thống cáp treo lên Fansipan. Đây là hệ thống cáp treo 3 dây hiện đại nhất thế giới lần đầu tiên có mặt tại châu Á. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của tổ hợp dự án là 4.400 tỷ đồng.

Cáp treo Fansipan Sapa đã trở thành điểm đến yêu thích hàng đầu ở khu vực Tây Bắc Tổ quốc.

Cáp treo Fansipan Sapa đã trở thành điểm đến yêu thích hàng đầu ở khu vực Tây Bắc Tổ quốc.

Quyết tâm đưa Sa Pa trở thành tâm điểm của BĐS nghỉ dưỡng vùng núi Tây Bắc của Sun Group càng lộ rõ khi mới đây, đơn vị này đã chính thức được UBND tỉnh Lào Cai trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án khách sạn 5 sao Accor với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Dù không tiết lộ chi tiết về dự án nhưng Sun Group từng khẳng định, đây sẽ là một khu tổ hợp nghỉ dưỡng, khách sạn với quy mô lớn nhất tại Sa Pa từ trước đến nay.

Chưa dừng lại ở đó, Sun Group còn sắp hoàn thành một tổ hợp khách sạn 5 sao quy mô lớn tại thung lũng Mường Hoa. Khách sạn 5 sao MGallery tại Sa Pa cũng vừa được Tập đoàn này khởi công xây dựng vào tháng 6/2016.

Sa Pa cũng không nằm ngoài kế hoạch của “ông lớn” Vingroup. Tập đoàn này đang lên kế hoạch cho dự án nông nghiệp công nghệ cao VinEco – Sa Pa, tại thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van với diện tích khảo sát quy hoạch lên tới 452ha.

Phối cảnh dự án Sapa Jade Hill.

Phối cảnh dự án Sapa Jade Hill.

“Cuộc chơi nghìn tỷ” còn chứng kiến sự góp mặt của Công ty Trường Giang Sa Pa với siêu dự án nghỉ dưỡng Sapa Jade Hill. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu lên tới gần 2.000 tỷ đồng, bao gồm 125 biệt thự nghỉ dưỡng và thương mại, 151 nhà phố liền kề thương mại, 32 bungalow, 14 khu dịch vụ, 6 khách sạn từ 3 đến 5 sao. Các căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Sapa Jade Hill được chào bán với mức giá từ 9 – 12 tỷ/căn, trong khi đó nhà phố thương mại có mức giá từ 3,1 tỷ/căn.

Ngoài những dự án "khủng" trên, hiện nay tại Sa Pa còn có trên 30 dự án liên quan đến xây dựng khu đô thị, du lịch sinh thái và nông nghiệp. Trong đó, một số dự án quy mô lớn, như khu du lịch sinh thái Tả Phìn rộng 27ha với vốn đầu tư gần 20 triệu USD; khách sạn Sapa Indochina International với mức đầu tư 170 tỷ đồng; Resort Sencoin có vốn đầu tư 178 tỷ đồng…

Bên cạnh những lô đất mà các “đại gia” BĐS đầu tư theo quy mô lớn để thực hiện các siêu dự án thì đất nền Sa Pa ở những vị trí đẹp, thuận tiện kinh doanh cũng biết “đẻ trứng vàng”.

Những ô đất có giá từ hơn trăm triệu đồng đến vài trăm triệu đồng mỗi mét vuông ở Sa Pa không hiếm. Nhiều khách du lịch Hà Nội đã phải giật mình khi biết giá bán nhà ở Thủ đô chưa chắc đã đủ tiền mua mảnh đất nhỏ ở phố núi. Nhất là khu vực Cầu Mây - nơi được mệnh danh là con “phố Tây”, thì giá bán không hề thua kém giá nhà đất mặt đường phố cổ Hà Nội. Nơi đây tập trung đông các dịch vụ ăn uống, khách sạn, vui chơi giải trí…

Xứng với danh phong là “thiên đường” nghỉ dưỡng, tính đến tháng 11 năm 2016, Lào Cai đã đón trên 1,34 triệu lượt khách du lịch, đạt 162,5% kế hoạch, tăng 21% so với cùng kỳ 2015. Đáng chú ý, Sa Pa vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất của Lào Cai, thu hút 70% lượt khách toàn tỉnh.

Điểm tựa để cất cánh

Theo nhận định của các chuyên gia, yếu tố hạ tầng và tiềm năng tăng trưởng du lịch đã tạo cú hích cho BĐS Sa Pa phát triển.

Trước đây, khách du lịch gặp khá nhiều khó khăn khi đến với Sa Pa. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2014, khi thông tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Sa Pa chỉ còn 4-5 tiếng. Ngoài ra, một tuyến đường cao tốc quan trọng khác cũng đang được đầu tư xây dựng là Lào Cai – Sa Pa, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Khi đó, trục giao thông Sa Pa - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ kết nối tuyến du lịch từ miền núi ra biển.

Mặt khác, Sa Pa hiện được hưởng lợi từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông rầm rộ của các tập đoàn lớn. Đó là cảng hàng không Lào Cai với mức đầu tư lên đến 5.800 tỷ đồng của Sun Group, dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Khi đó, một số đường bay cũng sẽ được mở, gồm Lào Cai đi Cát Bi, Vinh, Đà Nẵng, TP. HCM. Ngoài ra, có thể mở các chuyến bay đi và đến các nước thuộc khu vực Đông Bắc Á.

Không chỉ có vậy, cáp treo Fansipan - “thỏi nam châm” hút khách đến Sa Pa không chỉ hiện thực hóa giấc mơ chinh phục “nóc nhà Đông Dương” cho đông đảo người dân, mà còn mở ra bước ngoặt quan trọng, góp phần tạo động lực phát triển BĐS du lịch Sa Pa. Khi tuyến cáp treo đi vào hoạt động, lượng khách du lịch đến với Sa Pa có thể tăng từ 30 - 40%/năm.

Đặc biệt, sự thiếu hụt về nguồn cung nghỉ dưỡng cao cấp tại Sa Pa chính là thời điểm vàng cho đầu tư BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Một xu hướng mới được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới là biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng.

Ông Richard Leech, Giám đốc CBRE nhận định, Sa Pa đang mở ra cơ hội đầu tư rất lớn cho những dự án BĐS nghỉ dưỡng theo mô hình đa sở hữu như của Vingroup hoặc các dự án có cam kết sinh lời mà Sun Group đang áp dụng.

Trước đây, Sa Pa bị bó chặt trong một “manh áo chật”. Tuy nhiên, ngày 26/09/2016, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030 với mục tiêu phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng cao, thu hút mỗi năm khoảng 5,2 triệu lượt khách du lịch.

Theo quy hoạch, khu du lịch quốc gia Sa Pa thuộc địa bàn huyện Sa Pa. Kể từ khi quy hoạch được phê duyệt, toàn bộ những nét đẹp của "cô gái" vùng sơn cước đã được bộc lộ rõ và càng khiến nhiều “đại gia” BĐS để mắt tới...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top