Bình Thuận hạ nhiệt cơn sốt đất nền

UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành công văn khẩn cấp đề nghị các sở ban ngành ngừng tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ tách thửa, san lấp mặt bằng, phân lô bán nền trên toàn tỉnh.

09:15 13/09/2018

Nhiều vườn điều và keo lá tràm được rào lại gắn bảng bán đất

Nhiều vườn điều và keo lá tràm được rào lại gắn bảng bán đất

Quá lo lắng trước tình trạng giá đất tại một số nơi của tỉnh Bình Thuận tăng một cách chóng mặt với hoạt động mua bán diễn ra rầm rộ, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị các sở ban ngành tạm thời ngừng tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ tách thửa, san lấp mặt bằng, phân lô bán nền trên toàn tỉnh.

Cơn sốt đất bùng lên bắt nguồn từ thông tin khởi công xây dựng sân bay Phan Thiết, khi đó lượng người từ các nơi đổ về các xã nhỏ trên địa bàn này để mua bán đất nông nghiệp, khiến giá tăng vùn vụt, vượt sức tưởng tượng của người dân. 

Trước đây, mỗi sào đất nông nghiệp tại xã Thiện Nghiệp, vùng ven TP Phan Thiết chỉ có giá vài chục triệu đồng thì trong đợt đỉnh điểm, giá mỗi ha lên tới hàng tỷ đồng. Đặc biệt, từ sau Tết âm lịch, giá đất tăng liên tục.

Đất nông nghiệp nằm trên đường nhựa gần đường nhánh rẽ vào dự án sân bay Phan Thiết đang được chủ đất chào giá 1,3 tỷ đồng/ha. Những mảnh đất rẫy nằm gần mặt đường hầu hết đã về tay các đại gia với giá mua vào từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Ngay cả đất rẫy nằm sâu phía trong cũng “sốt” theo khi được chủ đất chào giá “hai mẫu bán 1 tỷ”.

Dọc tuyến đường nối từ đường tỉnh ĐT 706B, nhiều vườn điều và keo lá tràm được rào lại, gắn bảng bán đất. Giá được rao bán hầu hết được tính theo sào (1.000 m2) với giá trên dưới 1 tỷ đồng. Một số bán trực tiếp, một số mua đi bán lại.

Khu dân cư Hàm Thắng, Phong Nẫm, Bến Lội… được chào bán liên tục với giá thay đổi hàng ngày. Những mảng đất nông nghiệp được nhiều người mua rồi lên thổ cư, phân lô, bán nền rất hút những người thu nhập thấp khi bán với giá khoảng 300 – 500 triệu đồng/lô.

Theo thông tin từ Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp Trần Ngọc Hận, chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, cả xã đã có tới 400 giao dịch mua bán đất. Thời điểm sau lễ 30/4 là lúc thị trường sốt nhất, xe cộ nườm nượp đưa người đến coi và mua đất. Có lẽ vì thế mà từ sau tết, nhiều công ty bất động sản mọc lên như nấm với số lượng môi giới gần cả trăm người.

Lãnh đạo tỉnh cũng thừa nhận, có nhiều trường hợp cá nhân, hộ gia đình tự ý tách thửa đất vườn ao, đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư, ven khu dân cư hoặc mua bán sang nhượng bằng giấy tay, xây dựng nhà ở không phép khi chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thậm chí nhiều trường hợp tự ý tách thửa, mua bán trái phép, xây dựng nhà ở trái phép không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng... 

Trước tình trạng trên, tỉnh Bình Thuận đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai phối hợp chặt chẽ với các địa phương kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo theo quy chuẩn xây dựng mới thực hiện giải quyết hồ sơ tách thửa.

Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường để có biện pháp kịp thời để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tránh để xảy ra tình trạng sốt nóng giá bất động sản và bong bóng bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Các chuyên gia cho rằng, cơn sốt giá ảo này về lâu dài sẽ gây tác hại cho thị trường bất động sản, làm lệch pha dòng tiền đầu tư nhất là có thể gây thiệt hại lớn cho những nhà đầu tư thứ cấp lướt sóng nhưng không bán được sản phẩm khi thị trường hạ nhiệt./.

Theo Linh Nhi / Diễn đàn Doanh nghiệp

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận hạ nhiệt cơn sốt đất nền tại chuyên mục Nam Trung Bộ của Địa ốc Phương Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư toasoan.reatimes@gmail.com
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận