Aa

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát và kiên quyết cắt giảm những thủ tục không cần thiết

Thứ Ba, 18/12/2018 - 10:00

Nhiều giáo viên mong muốn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT “hãy có cách” để giáo viên không còn phải tốn nhiều thời gian cho sổ sách mà dành thời gian đó cho hoạt động chuyên môn.

Vẫn cần giảm bớt nhiều gánh nặng cho giáo viên

Trong chuyến công tác tại tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có nhiều cuộc trò chuyện với giáo viên, đồng thời Bộ trưởng Nhạ cũng có cuộc đối thoại với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh Yên Bái để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Bộ trưởng khẳng định, những việc có thể hỗ trợ được trong thẩm quyền, Bộ trưởng sẽ làm ngay để giúp các thầy cô giảm áp lực, yên tâm công tác.

Tại buổi đối thoại, các giáo viên đã chia sẻ với Bộ trưởng về gánh nặng sổ sách gây áp lực với giáo viên. Chia sẻ với Bộ trưởng, cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên dạy tiếng Anh Trường PTDTNT THCS huyện Văn Yên mong muốn, Bộ trưởng “hãy có cách” để giáo viên không còn phải tốn nhiều thời gian cho sổ sách mà dành thời gian đó cho hoạt động chuyên môn. Theo cô Nguyệt, thời gian qua, ngành Giáo dục đã có nhiều đổi mới nhằm giảm bớt áp lực cho giáo viên nhưng vẫn còn cần giảm bớt hơn nữa.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát và kiên quyết cắt giảm những thủ tục không cần thiết

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ cùng giáo viên.

Về việc đánh giá giáo viên giỏi, cô Nguyệt cho rằng, xét về mặt chuyên môn là cần thiết vì qua đó giáo viên được trau dồi, học hỏi. Tuy nhiên, nếu được việc đánh giá nên thay đổi theo hướng đánh giá cả quá trình hoặc thay đổi để thực chất hơn, ví dụ như có thể tổ chức dự giờ bất ngờ, không báo trước.

Trước những vấn đề đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã rà soát, cắt giảm nhiều nội dung mang tính chất hành chính nhằm giảm bớt áp lực số sách, giấy tờ cho giáo viên. Tuy nhiên, qua thực tế, vẫn còn nhiều thủ tục có thể giảm bớt được, vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát và kiên quyết cắt giảm những thủ tục không cần thiết.

Cũng trong buổi đối thoại này, cô giáo Nguyễn Tuấn Anh, Giáo viên Trường Mầm non Hương Sen, TP Yên Bái chia sẻ với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trăn trở về sáng kiến kinh nghiệm và giờ sinh hoạt chuyên môn của giáo viên mầm non. Theo cô Tuấn Anh, sáng kiến kinh nghiệm là một trong những điều kiện bắt buộc để giáo viên mầm non thi giáo viên giỏi các cấp.

Tuy nhiên, thi giáo viên giỏi đối với giáo viên mầm non luôn có phần làm đồ dùng đồ chơi nên hai nội dung này đã trùng lắp nhau. Vì vậy, cô mong Bộ và các cấp có thẩm quyền điều chỉnh.

Về giờ sinh hoạt chuyên môn, cô Tuấn Anh cho biết, quy định giờ làm việc hiện nay của giáo viên mầm non là 10 buổi/tuần, do thời gian làm việc đầy đủ các buổi trong tuần nên các giờ sinh hoạt chuyên môn phải tổ chức ngoài giờ hoặc ngày nghỉ, việc này vô tình tạo thêm áp lực về thời gian cho giáo viên mầm non. Cô Tuấn Anh mong Bộ trưởng xem xét điều chỉnh giờ làm việc của giáo viên mầm non để giáo viên có giờ sinh hoạt chuyên môn hiệu quả hơn.

Chia sẻ với những khó khăn, áp lực của giáo viên mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, định mức của giáo viên mầm non hiện đang được áp dụng theo Thông tư 06, tuy nhiên, lao động của giáo viên nói chung và giáo viên mầm non trong bối cảnh đổi mới cần phải thay đổi cho phù hợp. Như hiện nay, thời gian sinh hoạt chuyên môn và thời gian quản trẻ của giáo viên mầm non đang được tính chung, sau đây sẽ phải tính toán lại.

Sáng kiến kinh nghiệm, theo Bộ trưởng là một trong những nguyên nhân của bệnh thành tích, thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu. Cuộc thi mà không thiết thực, "diễn là chính" sẽ rất phản cảm.Từ năm ngoái, Bộ đã cắt giảm rất nhiều cuộc thi rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả

Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm tránh hụt hẫng cho giáo viên là một trong những nội dung được nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh Yên Bái đặt ra cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong cuộc đối thoại.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát và kiên quyết cắt giảm những thủ tục không cần thiết

Giáo viên trực tiếp đối thoại cùng Bộ trưởng chia sẻ những vướng mắc, khó khăn.

Về vấn đề này, người đứng đầu ngành Giáo dục cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới sẽ được ban hành, đồng thời với quá trình xây dựng chương trình, các điều kiện triển khai chương trình về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đã được ngành giáo tích cực chuẩn bị trong thời gian qua. Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, các trường sư phạm đã bắt tay xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo.

Ngay sau khi có chương trình sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, bắt đầu từ đội ngũ giáo viên cốt cán, sau đó làm đại trà. Năm 2019 sẽ tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên lớp 1. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng cũng sẽ đổi mới, giảm bớt bồi dưỡng theo cách truyển thồng, tăng cường đào tạo theo hình thức trực tuyến, hình thức này rất phù hợp cho giáo viên vùng miền núi như tỉnh Yên Bái.

Bộ trưởng cho hay, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên lần này ngoài trang bị kiến thức sẽ đặc biệt chú trọng tới bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, có như thế giáo viên mới đáp ứng được mục tiêu của đổi mới là chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực người học.

Các cơ sở giáo dục cần quan tâm xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử

tại cuộc đối thoại với giáo viên cán bộ, quản lý giáo dục tỉnh Yên Bái, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đổi mới thành công hay không bắt đầu từ đội ngũ giáo viên. Nhưng chỉ đội ngũ giáo viên bắt nhịp đổi mới thôi là chưa đủ, hiệu trưởng - những người có vai trò dẫn dắt các trường học, dẫn dắt giáo viên phải thay đổi để trở thành những nhà quản lý, quản trị trường học giỏi; cán bộ quản lý cấp phòng, cấp sở, cấp bộ phải thay đổi, kịp thời nắm bắt những vấn đề từ thực tiễn để có những chỉ đạo, điều hành sao cho phù hợp, sát với mong muốn của giáo viên, cơ sở giáo dục.

Trước tình trạng sa sút đạo đức của một số cán bộ giáo viên thời gian qua, Bộ trưởng đề nghị, các thầy cô giáo quán triệt sâu sắc Nghị định 80 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Trên thực tế có không ít giáo viên do hoàn cảnh khác nhau dễ bị áp lực, vì vậy, mỗi nhà trường cần nắm bắt tâm tư nguyện vọng của giáo viên, tháo gỡ tận gốc để tránh xảy ra những trường hợp đi ngược lại quy định.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát và kiên quyết cắt giảm những thủ tục không cần thiết

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng trao đổi một số vấn đề mà giáo viên và các cơ sở giáo dục tỉnh Yên Bái cần quan tâm.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cần quan tâm xây dựng bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học nhằm triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” của Thủ tướng Chính phú. Theo Bộ trưởng, từng bậc học thực hiện tốt đề án này văn hóa ứng xử trong trường học sẽ đi vào nề nếp.

Tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng trao đổi một số vấn đề mà giáo viên và các cơ sở giáo dục tỉnh Yên Bái cần quan tâm như những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cấp phòng, cấp sở; chuyển đổi trường bán trú; trường chất lượng cao; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…

Bộ trưởng khẳng định, chuyến làm việc, khảo sát lần này tại tỉnh Yên Bái sẽ là cơ sở thực tế quan trọng giúp ngành Giáo dục có những rà soát, điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách trong thời gian tới, đặc biệt là những chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhằm tạo ra động lực cho đội ngũ.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top