Aa

Bộ trưởng TT&TT: Tháng 11 sẽ có hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh

Thứ Sáu, 08/11/2019 - 16:40

Trả lời lo ngại của Đại biểu Quốc hội về tình trạng thiết bị thông minh, đô thị thông minh phát triển nhanh gây ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tháng 11 sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Sáng 8/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhóm vấn đề thứ 4.

Nội dung chất vấn liên quan đến các vấn đề: công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Ngọc Thắng

Sẽ ra hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh trong tháng 11/2019

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng về mặt trái của các thiết bị thông minh trong thời đại công nghệ số, Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) nêu tình trạng: “Hiện nay ở nước ta, giới trẻ có xu hướng chạy theo điện thoại thông minh, các đô thị đua nhau xây dựng thành phố thông minh. Trong khi đó một số nơi trên thế giới đã nhận thấy mặt trái của điện thoại thông minh, ảnh hưởng đến phát triển nhân cách, sức khỏe nên đã cấm trẻ sử dụng tại trường học.

Thành phố Yokohama (Nhật Bản) năm 2010 xây dựng thành phố thông minh nhưng nay đã không theo đuổi nữa vì không dự đoán được vấn đề sức khỏe, đạo đức xã hội trong tương lai”.

Ngoài ra, theo vị Đại biểu, hiện nay nhiều thành phố trên thế giới sống chậm và xây dựng thành phố đáng sống bởi họ không dự đoán được trong tương lai nếu tất cả là internet vạn vật thì hình dáng con người sẽ như thế nào.

“Chúng ta sẽ lười suy nghĩ và ít vận động hơn khi 100, 200 năm nữa sẽ luôn sống trong môi trường mạng và xã hội ảo, dẫn đến việc cư xử giữa người với người cũng sẽ khác, có thể làm ảnh hưởng đến đạo đức xã hội”, Đại biểu Lê Công Nhường nhận định và đề nghị ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến như thế nào về vấn đề này.

Đại biểu Lê Công Nhường

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nhường, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây chúng ta sống trong thế giới thực, đến khi thế giới ảo xuất hiện và giải quyết được những vấn đề nhất định thì con người có xu hướng lấn nhiều sang thế giới ảo. Để giảm thiểu tình trạng này thì trào lưu “sống chậm” lại được nhiều người lựa chọn.

Vì thế, Tư lệnh ngành thông tin và truyền thông cho rằng cần tìm kiếm sự hài hòa trong việc sử dụng công nghệ và giao tiếp giữa con người với nhau: “Nếu ta coi đô thị thông minh xoay xung quanh con người và lấy con người là trọng tâm để người dân giao tiếp với chính quyền một cách thuận lợi, nhanh chóng hơn, để người dân có tiếng nói và tham gia vào các câu chuyện của chính quyền nhiều hơn thì đây là việc tốt. Vì thế, khi xây dựng chính quyền thông minh thì trách nhiệm của Nhà nước và các bộ ngành là giải quyết hài hòa mối quan hệ này, tránh việc con người sống trên không gian ảo nhiều quá”.

Theo đó, Bộ trưởng cho biết, trong tháng 11 Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ra hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh trong cấu phần công nghệ thông tin để giải quyết vấn đề Đại biểu đã nêu.

Năm 2019 ban hành Nghị định về kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai 

Cũng trong phiên chất vấn, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Theo bà Hoa, hiện nay chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và dân cư nhưng mỗi hệ thống lại do một ngành quản lý. 

"Dư luận cho rằng các hệ thống này chưa có sự liên thông, chưa được sử dụng khai thác hiệu quả và chưa được cập nhật thường xuyên. Thủ tướng Chính phủ cũng đã từng đánh giá rằng Chính phủ điện tử chưa được như mong đợi. Xây dựng dữ liệu quốc gia còn chậm, xây dựng hệ thống thông tin còn cục bộ", Đại biểu Phương Hoa đánh giá.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa. Ảnh: quochoi.vn

Lấy dẫn chứng cụ thể, bà cho biết báo chí từng phản ánh trường hợp một thanh niên đã lấy vợ 10 năm vẫn phải đi xác nhận từng độc thân để bán mảnh đất mình sở hữu từ khi còn chưa lấy vợ. Hay một cụ già góa chồng muốn bán mảnh đất chia cho con cháu thì vẫn phải lên phường xin xác nhận độc thân chưa tái giá.

"Việc này gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, gây ra tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt. Gần đây, Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ quản ban hành Nghị định về kết nối chia sẻ và quản lý dữ liệu. Vậy trách nhiệm của Bộ trong vấn đề này như thế nào và giải pháp khắc phục những bất cập nêu trên là gì?", Đại biểu tỉnh Nam Định chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, các quốc gia trên thế giới thường có 2 lựa chọn khi xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, hoặc tập trung tất cả cơ sở dữ liệu trên một hệ thống, hoặc phân tán ra. 

Bộ trưởng khẳng định: "Chúng ta chọn giải pháp phân tán dữ liệu. Mỗi lựa chọn có mặt mạnh mặt yếu, nhưng yêu cầu đã phân tán thì phải kết nối được. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông là phải ra tiêu chuẩn để các cơ sở dữ liệu kết nối được với nhau. Các tỉnh, các bộ ngành... đều có thể truy cập và lấy dữ liệu về được".

Về thực hiện nhiệm vụ xây dựng và ban hành Nghị định về kết nối chia sẻ, quản lý dữ liệu, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ Thông tin Truyền thông đã lấy ý kiến rộng rãi và có phiên bản cuối cùng, trình Chính phủ và cố gắng ban hành trong năm nay. 

"Trong đó có một nội dung quan trọng, đó là người dân khi đã đến một cơ quan công quyền khai báo một thông tin cá nhân bất kỳ thì cơ quan công quyền khác không được yêu cầu khai báo lại", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top