Aa

Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc phá dỡ sai phạm nhà 8B Lê Trực

Chủ Nhật, 26/11/2017 - 05:30

Lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định, Hà Nội phải chủ trì, quyết định phương án phá dỡ, đảm bảo an toàn trong quá trình “cắt ngọn” toà nhà 8B Lê Trực.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng vừa ký công văn phúc đáp công văn số 4384/UBND-ĐT ngày 08/9/2017 của UBND TP Hà Nội về xử lý vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực.

Theo đó, Bộ Xây dựng giao Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội và UBND quận Ba Đình tham gia ý kiến trong quá trình đánh giá phương án phá dỡ. UBND TP. Hà Nội chủ trì, quyết định phương án phá dỡ đảm bảo an toàn kết cấu chịu lực, công năng sử dụng cho phần công trình còn lại sau khi phá dỡ và đảm bảo an toàn công trình lân cận.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ Xây dựng thông qua Thanh tra Bộ Xây dựng.

 

Công trình sai phạm 8B Lê Trực. Ảnh: Trần Kháng.

Trước đó, ngày 21/11, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Việt Trung cho biết, công việc xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực Chính phủ có giao cho Hà Nội và Hà Nội cũng có hứa với Chính phủ thực hiện xong trong tháng 10.

Nhưng ông Trung thừa nhận, về mặt kỹ thuật đang có những vấn đề khó khăn. Chính vì khó khăn như vậy, Hà Nội đã có văn bản chính thức gửi cho Bộ Xây dựng đề nghị Bộ hỗ trợ.

“Nếu chúng ta dùng phương án cắt dọc thì toàn bộ kết cấu sẽ bị ảnh hưởng mà toàn bộ kết cấu ảnh hưởng thì chúng ta phải triển khai vấn đề chống đỡ từ tầng hầm mà đi lên tất cả các tầng để chống đỡ. Như vậy sẽ ảnh hưởng luôn cả các tầng còn lại, khi đó làm phá vỡ kết cấu của tòa nhà.

Nếu chúng ta cắt ngang thì câu chuyện sẽ đơn giản hơn, nhưng nếu cắt ngang thì phải giải quyết được với chủ đầu tư vấn đề liên quan họ thống nhất để triển khai thực hiện, bởi vì hiện nay chúng ta còn phải xử lý không phải chỉ số tầng mà còn một số việc (diện tích, chiều cao vi phạm…). Chính vì lẽ đó mà Hà Nội đang phối hợp với Bộ Xây dựng để xem xét đánh giá phương án”, ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, tháng 11/2015, TP. Hà Nội bắt đầu phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, gần 1 năm sau thì hoàn thành giai đoạn 1, cắt xong tầng 19.

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (ngày 12/10), Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, các nhà khoa học đã nhận định việc xử lý phần giật cấp của tòa nhà 8B Lê Trực sẽ không đảm bảo an toàn cho toà nhà. Vì vậy, TP đang kiến nghị theo hướng vẫn đảm bảo quy định trong giấy phép xây dựng, đảm bảo mật độ xây dựng, yêu cầu cắt bớt tầng theo chiều cao để đảm bảo đúng chiều cao theo quy định. 

“Cắt trọn vẹn các tầng mới đảm bảo kỹ thuật, cắt giật cấp không đảm bảo. Sau khi có ý kiến các nhà khoa học đảm bảo an toàn cho toà nhà, TP sẽ chỉ đạo quận Ba Đình thực hiện tiếp việc xử lý công trình”, Chủ tịch Hà Nội nói.

Trước đó, tại phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội về quản lý xây dựng, đô thị (ngày 16/8), ông Nguyễn Đức Chung nhận trách nhiệm chậm xử lý sai phạm tại công trình này và lý giải nguyên nhân do cân nhắc an toàn cho toà nhà, cho người dân sinh sống sau này.

Liên quan đến phương án phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ với Reatimes rằng, việc một toà nhà được bỏ bớt số tầng và các hạng mục phía trên sẽ làm cho toà nhà nhẹ hơn, không hề ảnh hưởng gì đến kết cấu của kiến trúc toà nhà.

Ông Liêm cho hay: “Sai phạm tại dự án đó đã quá rõ ràng không phải băn khoăn gì chuyện phá dỡ. Đưa ra hai phương án thì đều có thể thực hiện được, quan trọng là việc phá dỡ phải được thực hiện đúng quy trình, đúng kỹ thuật. Phá dỡ có thể gây hư hỏng và cũng có thể không gây hư hỏng, tùy thuộc vào kỹ thuật của đơn vị thực thi”./.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top