Aa

Bộ Xây dựng ký kết với GIZ nhằm đưa xe đạp trở lại đường phố Việt Nam

Chủ Nhật, 15/11/2020 - 11:30

Bộ Xây dựng và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức - GIZ, đã ký biên bản ghi nhớ về việc xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế đường dành cho xe đạp ở các thành phố của Việt Nam.

Đây là hướng dẫn kỹ thuật đầu tiên về thiết kế cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp cho các đô thị ở Việt Nam và Cục Hạ tầng kỹ thuật là đơn vị chủ trì hoạt động xây dựng hướng dẫn này với sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm cả Bộ Giao thông Vận tải nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân tại các đô thị của Việt Nam.

Đại diện GIZ và Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) ký biên bản ghi nhớ ngày 13/11

GIZ sẽ hợp tác với Viện Nghiên cứu tài nguyên Thế giới - WRI, để kết nối Việt Nam với các tổ chức quốc tế, tận dụng kinh nghiệm và kiến thức của chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này.

Theo thông cáo báo chí của GIZ, tốc độ đô thị hóa nhanh gây áp lực cho việc quản lý các dịch vụ công tại đô thị, trong đó có một số vấn đề liên quan đến giao thông và môi trường. Quy hoạch đô thị và mạng lưới đường bộ ở Việt Nam đang được thiết kế cho giao thông cơ giới và chưa chú trọng đến quyền và nhu cầu của người đi xe đạp.

Theo chương trình DeveloPPP về “Thúc đẩy và thí điểm hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng tại Việt Nam hướng đến phát triển giao thông đô thị bền vững và thành phố thông minh”, do Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, sẽ hỗ trợ Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) thông qua cung cấp gói hỗ trợ kỹ thuật cũng như các hội thảo tham vấn các bên liên quan…

Kinh nghiệm của các thành phố xe đạp trên thế giới cho thấy ngoài vấn đề tiện lợi, quyền ưu tiên khi lưu thông trên đường, cơ sở hạ tầng an toàn dành cho người đi xe đạp là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương tiện của người dân sống trong các thành phố.

Bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho rằng, để thúc đẩy người dân đô thị sử dụng xe đạp, loại hình giao thông này cần được quan tâm và tạo điều kiện bằng cách xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị để tạo sự thuận tiện và an toàn cho người sử dụng.

Xe đạp chia sẻ công cộng được GIZ triển khai tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Hữu Trà)

Đi xe đạp được xem là một cách thức di chuyển trong đô thị có hiệu quả về mặt kinh tế, bền vững về mặt môi trường và đem lại sức khỏe cho người sử dụng, giảm tiêu thụ năng lượng và góp phần giảm phát thải CO2, cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe của người dân sống ở thành phố.

Để đảm bảo những lợi ích này, một số thành phố ở Việt Nam đã khuyến khích người dân đạp xe thông qua thí điểm các tuyến đường dành cho xe đạp. Những thách thức mà hoạt động thí điểm này phải đối mặt cho thấy sự cần thiết của các hướng dẫn tiêu chuẩn cho việc phát triển và thiết kế đường dành cho người đi xe đạp.

Cố vấn trưởng của GIZ, ông Kia Fariborz, chia sẻ: “Hướng dẫn này sẽ tạo tiền đề để mở rộng các dự án thí điểm về đường dành cho xe đạp đang và đã được thực hiện ở Hội An và Thừa Thiên - Huế, các thành phố mà GIZ đang và sẽ hỗ trợ xây dựng Kế hoạch phát triển giao thông xe đạp và các hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng. Các hoạt động thí điểm này cũng như hướng dẫn kỹ thuật sẽ đặt nền tảng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng cho giao thông phi cơ giới ở các đô thị trên toàn quốc”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top