Aa

Bộ Xây dựng: Thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng

Thứ Tư, 08/05/2019 - 06:01

Bộ Xây dựng tích cực triển khai công tác phòng chống tham nhũng theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Với các giải pháp đa dạng và tăng cường thanh tra các lĩnh vực có nhiều dự luận tiêu cực, Bộ Xây dựng đã và đang tích cực triển khai công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Nâng cao trách nhiệm giải trình

Thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN, trong quý I/2019, Ban Cán sự đảng và lãnh đạo Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị số 09 - CT/BCSĐ ngày 30/01/2019 của Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng về việc thực hiện Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quyết định số 131/QĐ-BXD ngày 04/3/2019 về việc ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật, phòng chống tham nhũng năm 2018 của Bộ Xây dựng; Báo cáo số 129/BC-BCSĐ ngày 25/3/2019 về công tác PCTN của Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng; Quyết định số 199/QĐ-BXD 26/3/2019 về việc ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2019 của Bộ Xây dựng và Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 của Bộ Xây dựng; Quyết định số 133/QĐ-BCSĐ 16/4/2019 về việc ban hành Kế hoạch của Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong năm 2019, Bộ Xây dựng tiếp tục tập hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan đơn vị; Hoàn thiện xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn về chi tiêu tài chính trong nội bộ cơ quan; Minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; Chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; Cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý để PCTN; Thực hiện công tác cán bộ để PCTN và xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.

Tăng cường thanh tra các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực

Nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; năm 2019 Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra hành chính và PCTN đối với một số đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, có nội dung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chấp hành các quy định của ngành về thực hiện nhiệm vụ, công vụ đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trách nhiệm, thẩm quyền quản lý của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ.

Ngày 14/12/2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, đẩy mạnh phát hiện, xử lý tình trạng “tham nhũng vặt”, chọn một số vụ việc trong các khâu, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, dư luận xã hội quan tâm để xử lý nghiêm và công khai.

Trong năm 2018 và quý I/2019, thực hiện kế hoạch được Bộ trưởng phê duyệt, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai hoàn thành 114 đoàn thanh tra, đồng thời thực hiện giám sát theo quy định với các đoàn thanh tra nêu trên; Ban hành 84 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 155 tập thể và 235 cá nhân để xảy ra vi phạm, kiến nghị xử lý về kinh tế tổng số tiền 947,8 tỷ đồng (trong đó: Yêu cầu phê duyệt lại dự toán 706,9 tỷ đồng; Yêu cầu giảm trừ thanh quyết toán 136,3 tỷ đồng; Yêu cầu nộp về tài khoản của chủ đầu tư 15,4 tỷ đồng; Nộp ngân sách Nhà nước địa phương 6,3 tỷ đồng; Yêu cầu thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ 67,3 tỷ đồng); Xử phạt 178 đơn vị và yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bổ sung số tiền 28,6 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng đã chủ động xây dựng lịch tiếp công dân của Bộ trưởng, có các văn bản chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm xử lý triệt để, thực hiện tiếp công dân thường xuyên theo lịch định kỳ.

Tham gia trong các vụ việc thuộc giai đoạn II vụ án xảy ra tại PVN, PVC và một số tổ chức liên quan, Bộ Xây dựng đã hoàn thành kết luận giám định theo yêu cầu các vụ án xảy ra tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVTex), Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ).

Riêng vụ án xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất (Ethanol Dung Quất), đang tiến hành giám định theo quy định, đồng thời Cơ quan An ninh điều tra vẫn tiếp tục bổ sung tài liệu giám định.

Đối với các vụ việc yêu cầu giám định khác, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo hoàn thành tốt công tác giám định, định giá tài sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã công bố danh sách các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện tham gia công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng, các cơ quan có thẩm quyền có thể trưng cầu các tổ chức, cá nhân này tham gia công tác giám định để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top