Aa

“Các chính sách phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực”

An Vũ (ghi)
An Vũ (ghi) pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 16/04/2020 - 05:50

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được Chính phủ ban hành nhưng nếu vẫn chỉ "nằm trên giấy", không triển khai kịp thời, các doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt.

Sự xuất hiện của đại dịch chưa từng có trong lịch sử đã khiến chúng ta không thể đong đếm hết những thiệt hại cũng như thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua và đang tiếp tục phải đối mặt. Trong bối cảnh này, các chính sách hỗ trợ chính là những "chiếc máy thở", là "liều thuốc giảm đau" cho doanh nghiệp. 

Chính phủ, Nhà nước đã phát tín hiệu những gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt bão dịch Covid-19 nhưng việc triển khai có lẽ cần phải gấp gáp hơn bao giờ hết. Giới chuyên gia cho rằng, để thực thi các gói hỗ trợ nhanh, minh bạch, nhất quán và đồng bộ thì phương thức thực thi sẽ quyết định hiệu quả của chính sách.

Reatimes xin lược trích phần chia sẻ của PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) về góc nhìn của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như những kiến nghị của chuyên gia: 

PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Để khống chế dịch Covid-19, các quốc gia phải tiến hành biện pháp phong tỏa. Điều này dẫn đến ngưng trệ nền kinh tế, trong khi các chi phí như nhân công, chi phí tài chính, thuê nhà xưởng không hề giảm.

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế quý I/2020 của Việt Nam ghi nhận từ VEPR cho thấy tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 3,82%. Đây cũng là con số tương đối tích cực so với thế giới. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 3,27%; nông - lâm - ngư nghiệp tăng trưởng yếu, chỉ 0,08%; công nghiệp và xây dựng vẫn tăng 5,15%.

Tuy nhiên, con số 3,82% này chưa phản ánh hết được khó khăn của nền kinh tế trong thời điểm hiện tại vì tác động của dịch bệnh có độ trễ. Dự kiến, tác động của Covid-19, bất kể là khi nào nó được khống chế, sẽ biểu hiện mạnh nhất vào quý II năm nay.

Đồng thời, cuộc khủng hoảng do dịch bệnh này rất khác với những cuộc khủng hoảng trong lịch sử, bởi nó tác động mạnh hơn đến khu vực kinh tế phi chính thức của Việt Nam, vốn đóng góp khoảng 25 - 30% tăng trưởng và là bệ đỡ cả cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang gặp phải những ràng buộc chính sách về nguồn lực tài khóa hạn hẹp (vốn chưa bao giờ thặng dư ngân sách) hay mục tiêu lạm phát, tỷ giá. Do đó, Chính phủ cần thực hiện các gói hỗ trợ đi vào trọng tâm, đúng đối tượng, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực.

Trong mọi hoàn cảnh, phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động (có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh, tránh “ngăn sông cấm chợ” cực đoan ở một số địa phương vì sẽ kéo theo những hậu quả nặng nề. Tầm quan trọng của phát triển kinh tế cũng phải đặt ngang với phòng chống dịch bệnh”.

Ngoài những chính sách an sinh xã hội cần ưu tiên hàng đầu, cần chia doanh nghiệp thành các nhóm khác nhau để ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp.

Đầu tiên, đối với nhóm doanh nghiệp bị ngưng hoạt động thì không thể khuyến khích tăng trưởng tín dụng. Ví như các doanh nghiệp du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, bán lẻ dù đã ngưng hoạt động nhưng chi phí vẫn phát sinh vì phải trả lãi vay, tiền thuê nhà đất. Đối với nhóm doanh nghiệp không hoạt động, không phát sinh doanh thu, các chính sách thuế đối với họ là vô nghĩa.

Đối với nhóm doanh nghiệp không hoạt động, không phát sinh doanh thu, các chính sách thuế đối với họ là vô nghĩa.

Vì vậy, cần khoanh/ngưng các chi phí tài chính như khoanh nợ, lãi, tiền thuê đất cho đến dịch bệnh qua đi, doanh nghiệp hoạt động trở lại thì mới tính đến các biện pháp kích thích tín dụng, kích thích vay nợ đối với nhóm doanh nghiệp này. Nếu họ phát triển trở lại sau khi dịch bệnh qua đi mới khuyến khích phát triển vay nợ, tín dụng.

Đối với nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng còn hoạt động, cần có tiêu chí phân loại mức độ chịu tác động và được hưởng hỗ trợ. Có thể hoãn/miễn đóng BHXH, tiền thuê đất, lãi vay, giãn thu thuế VAT. Tuy nhiên không phải thuế thu nhập doanh nghiệp. Những doanh nghiệp còn hoạt động có lãi không nên là những đối tượng cần hưởng hỗ trợ này, tuy nhiên trong các dự thảo vẫn có đề xuất miễn, hoãn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là biện pháp chưa đúng trọng tâm và không cần thiết trong bối cảnh nguồn lực tài khóa hạn hẹp.

Cùng với đó, các ngân hàng thương mại phải tự quyết định việc cho ai vay, tránh việc cho các doanh nghiệp vay ồ ạt mà phương án kinh doanh không khả thi, dẫn đến nợ xấu và mất nhiều năm giải quyết như giai đoạn 2011 - 2014.

Đối với nhóm doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng hoặc đổi mô hình hiệu quả, cần hết sức tạo điều kiện, từ môi trường thể chế đến chính sách ngành. Họ chính là gánh đỡ cho nền kinh tế quốc gia trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có kế hoạch cắt giảm chi thường xuyên, tối thiểu 10%. Cả nền kinh tế bị sụt giảm, khu vực Chính phủ cũng nên làm gương, không chỉ là hội họp, công tác nước ngoài mà thậm chí có thể là giảm lương, để chia sẻ với các khu vực kinh tế khác.

Trong dài hạn, cần có những chính sách dài hơi hơn như giữ nền tảng vĩ vô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi sau dài hạn. Từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19. Mặt khác cũng cần tính đến việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào EU, Mỹ, Nhật hay Trung Quốc.

Theo thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã lên tới gần 35.000 chỉ trong 3 tháng đầu năm, một con số kỷ lục chưa từng có. Đồng thời đây cũng là lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn hơn số thành lập mới.

Do đó, lưu ý các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phải có trọng tâm, tránh dàn trải. Nhiều chính sách như giảm giá điện, tiền thuê đất, giãn thuế… cho các đối tượng mà chưa có phân loại rõ ràng sẽ tốn nguồn lực. Nếu xác định đúng đối tượng hỗ trợ thì chắc chắn hiệu quả hơn rất nhiều. Phòng chống dịch bệnh phải được đặt ngang hàng với phát triển kinh tế. Bởi không có phát triển kinh tế cũng gây hậu quả nặng nề, hậu quả xã hội rất lớn. Hai nhiệm vụ này phải song hành với nhau.

Việt Nam nên có biện pháp thích ứng trong mọi bối cảnh bệnh dịch, không nên cấm đoán cực đoan ở những ngành không có bệnh dịch. Những ngành nghề doanh nghiệp có biện pháp phòng bị an toàn thì cần đảm bảo cho họ sản xuất. Số lượng doanh nghiệp đang còn hoạt động hiện nay là rất quý, nếu có những biện pháp quá cứng nhắc thì nền kinh tế gặp khó khăn.

Kinh tế cho năm 2020 có thể xảy ra 3 kịch bản và đều phụ thuộc vào khả năng kiểm soát bệnh dịch trong nước và trên thế giới.

Kịch bản 1 là bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa. Các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, vẫn còn dè dặt và dần hồi phục bắt đầu vào cuối quý II/2020.

Kịch bản 2 là bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế hoàn toàn vào nửa sau quý III/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối quý III/2020.

Cuối cùng, ở kịch bản 3, bệnh dịch trong nước kéo dài và chỉ được khống chế toàn toàn vào nửa sau quý IV/2020. Trong thời gian này, thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu từ hai quý cuối năm 2021.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top