Aa

Cách mạng Công nghiệp 4.0: Cánh cửa mới cho ngành bán lẻ

Thứ Bảy, 01/02/2020 - 07:10

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ năng động và hấp dẫn nhất trong khu vực châu Á và trên thế giới.

Xu hướng mở cửa thị trường theo các cam kết hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cùng sự hỗ trợ của công nghệ trong cuộc Cách mạng 4.0 đã giúp ngành bán lẻ Việt Nam ngày một phát triển và có những bước chuyển mình rõ nét…

Thúc đẩy nền kinh tế

Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cánh cửa của thị trường bán lẻ đã mở, những thay đổi tích cực của thị trường đã tác động lớn đến tiêu dùng của người dân cũng như phương thức phân phối sản phẩm của các nhà sản xuất, cung ứng.

Những năm gần đây, thị trường tăng trưởng mạnh với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại rộng lớn. Cả nước hiện có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại các loại và hơn 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình. Tỷ lệ đóng góp của bán buôn và bán lẻ vào GDP ngày càng tăng với gần 15% hằng năm và chiếm tỷ trọng lớn trong các ngành kinh tế.

Ngành bán lẻ Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức

Nhiều doanh nghiệp trong nước chiếm phần lớn thị trường bán lẻ hiện nay. Có thể kể đến một số cái tên như hệ thống kinh doanh tổng hợp Co.op Mart, Vinmart, SaigonCoop, Hapromart…

Việc các doanh nghiệp bán lẻ trong nước tăng trưởng, phát triển mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp sẽ có định hướng, chiến lược phát triển trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, khai thác, sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước, tạo sản phẩm đa dạng, theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, hình thành khả năng cạnh tranh cao để xây dựng nền kinh tế mạnh, hội nhập vững chắc trong khu vực và thế giới.

Trợ thủ đắc lực

Cụm từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 bắt nguồn tại Đức từ đầu thế kỷ 21, là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Cuộc Cách mạng này đã nhanh chóng lan tỏa và trở thành xu hướng phát triển trên thế giới.

Không đứng ngoài xu hướng này, Việt Nam đang cố gắng tận dụng các cơ hội mà cuộc Cách mạng mang lại để phát triển kinh tế cũng như đời sống xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ tại Hội thảo SMART INDUSTRY WORLD 2017: “Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội để thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc. Tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng này là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, ngành bán lẻ Việt Nam đang ngày một tăng trưởng mạnh mẽ với nhiều thay đổi đột phá từ những tiêu chuẩn dịch vụ đa dạng, hiệu quả và nhanh chóng, tạo nên bước chuyển mình rõ nét.

Nhờ nền tảng công nghệ, thương mại điện tử đã trở thành cánh tay nối dài cho ngành bán lẻ

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong kỷ nguyên 4.0 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Việc dễ dàng tìm kiếm thông tin ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào đã dẫn đến xu hướng dịch chuyển từ mua sắm truyền thống tại các cửa hàng (offline) sang mua sắm qua mạng Internet, trên các thiết bị: máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng (online). Đó chính là cơ hội của dịch vụ thương mại điện tử - một cánh tay đắc lực mới cho ngành bán lẻ.

Giải quyết được hầu hết những khó khăn của thị trường bán lẻ truyền thống, thương mại điện tử là “cơ hội vàng” để các doanh nghiệp tận dụng và phát triển. Với các doanh nghiệp bán lẻ, việc chuyển đổi sang nền tảng online khiến cho doanh nghiệp có thể kinh doanh "xuyên biên giới", mở rộng thị trường và khách hàng toàn cầu, đáp ứng và phản hồi nhanh chóng các nhu cầu của khách hàng. Tiết kiệm chi phí tiếp thị và quảng bá. Từ đó giúp giảm chi phí sản xuất và giá bán tới người tiêu dùng. Hơn nữa, việc lưu kho và tồn kho cũng được kiểm soát chặt chẽ, giảm nguy cơ hàng tồn kho và ứ đọng vốn. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ dễ điều hành và quản lý hoạt động kinh doanh của mình; đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm tiếp cận và mở rộng tệp khách hàng theo các chiến lược đã định.

Đối với người tiêu dùng, cách thức mua sắm truyền thống khiến họ mất thời gian đến các cửa hàng và phải tự vận chuyển hàng hóa về nhà (nếu không đạt được một mức giá trị chi tiêu nhất định). Nhưng hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ và năng động của các ngành dịch vụ bán lẻ hiện đại, thì các loại hình mua sắm trực tuyến hay chính các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống cũng sẽ giúp khách hàng được sử dụng dịch vụ giao hàng tận nơi, không bị giới hạn về thời gian và không gian mua sắm. Họ có thể mua sắm mọi nơi, mọi lúc từ mọi cửa hàng và nhà cung cấp khác nhau. Đồng thời, thương mại điện tử đang tạo ra một cộng đồng người tiêu dùng, cho phép họ có thể đánh giá, bình luận và chia sẻ kinh nghiệm, giúp việc mua hàng thuận tiện và nhanh chóng.

Chìa khóa mở ra hướng đi mới

Cuộc Cách mạng 4.0 đã tạo ra một hướng đi mới cho ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nhận được từ cuộc Cách mạng Công nghiệp này, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng cần nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực cạnh tranh để đưa ra chiến lược phát triển phù hợp.

Trên nền tảng công nghệ số, cần phát huy lợi thế kết hợp với thúc đẩy sản xuất trong nước để nâng cao năng lực, đồng thời cần tự đổi mới theo định hướng: Tăng cường áp dụng công nghệ vào kinh doanh và quản lý; đẩy mạnh tốc độ kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng; giữ chữ tín, làm ăn trung thực, có trách nhiệm và có văn hóa.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng tới việc mở rộng thị trường mục tiêu, bán hàng đa kênh, đa nền tảng và tăng độ phủ sóng cho thương hiệu để kết nối rộng rãi tới người tiêu dùng.

Song song đó, cần tối ưu cách vận hành mô hình hoạt động kinh doanh. Một mô hình quản lý hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, từ đó có thể giảm giá thàn, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, doanh nghiệp cần có một hệ thống quản lý tập trung, từ việc quản lý đơn hàng trên nhiều kênh bán khác nhau và nhiều địa điểm cửa hàng khác nhau; quản lý sản phẩm; quản lý kho bãi tới quản lý vận chuyển và các hệ thống quản lý khác. Các hệ thống này nên được kết nối với nhau để đồng bộ thông tin. Từ đó, thông tin về khách hàng, tồn kho, doanh thu và chi phí được quản lý tập trung, rõ ràng. Dù là doanh nghiệp mới thành lập hay các tập đoàn lớn, việc quản lý hiệu quả mô hình kinh doanh là một yêu cầu bắt buộc để có tiền đề phát triển hơn nữa. Đây là một bài toán mà các doanh nghiệp cần phải tìm ra lời giải cho riêng mình.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dẫn dắt bởi khoa học công nghệ mang tính trí tuệ toàn cầu, là yếu tố quan trọng tác động tới sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong tương lai, sẽ không chỉ có ngành bán lẻ mà tất cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác cũng cần có chiến lược, ứng dụng công nghệ trong hoạt động của mình để không bị gạt ra khỏi dòng chảy của nền kinh tế công nghệ hiện đại…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top