Aa

Cần mở rộng hơn nữa thị trường tài chính tiêu dùng

Thứ Tư, 28/06/2017 - 22:26

Phần lớn thị phần tín dụng tiêu dùng vẫn đang nằm trong tay các ngân hàng thương mại (chiếm 88,6%), còn nhóm công ty tài chính chỉ chiếm 11,4%.

Những năm gần đây, hoạt động cho vay tiêu dùng đã thực sự làm “nóng” thị trường tiêu dùng với sự tham gia và hiện diện khắp nơi của nhiều công ty tài chính. Muốn tiếp cận dịch vụ vay tiêu dùng, khách hàng chẳng cần phải đến gặp nhà cung cấp như đến phòng giao dịch của ngân hàng truyền thống mà có thể tới các điểm bán hàng điện máy, chuỗi hệ thống cửa hàng điện thoại có tên tuổi và thậm chí là ngồi tại nhà nhấc điện thoại lên gọi hoặc truy cập qua internet là có ngay nhân viên công ty tài chính sẵn sàng phục vụ.

Tăng trưởng nhảy vọt

Nhóm khách hàng chính của các công ty tài chính tiêu dùng là những người có thu nhập thấp và trung bình, không có tài sản thế chấp và không chứng minh được thu nhập để đáp ứng nhu cầu vay vốn hoặc vay tiêu dùng từ ngân hàng thương mại. Họ dường như bị “bỏ quên” trên thị trường tín dụng tiêu dùng trong khi nhu cầu vay vốn phục vụ chi tiêu hàng ngày là rất lớn. Chính vì vậy, sự ra đời của các công ty tài chính tiêu dùng được coi là một “cứu cánh” cho nhóm khách hàng này.

Theo số liệu của Ủy Ban Giám sát tài chính quốc gia, cho vay tiêu dùng tại thời điểm cuối năm 2016 đạt 646.000 tỷ đồng, tăng 48% so với cuối năm 2015 và chiếm 13,1% tổng cho vay của toàn bộ nền kinh tế.

Còn theo báo cáo hàng năm về ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam của StoxPlus, thị trường đang chứng kiến những cú nhảy vọt của hoạt động tài chính tiêu dùng khi dư nợ cho vay đã đạt đến 27 tỷ USD vào cuối năm vừa rồi, từ mức 10 tỷ USD hồi cuối năm 2014.

Các chuyên gia đều có chung nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển mạnh là xu hướng tất yếu. Bởi lẽ các dịch vụ mà các tổ chức cung cấp như cho vay mua xe, mua điện thoại, mua sắm thiết bị điện máy – điện tử, cho vay tiền mặt, thẻ tín dụng …đã đánh trúng vào nhu cầu của một bộ phận lớn những người trẻ và nó ngày càng gia tăng cùng theo sự phát triển của xã hội.

Ngoài việc hỗ trợ về vốn giúp người dùng có thể chi tiêu trước trả tiền sau dưới nhiều hình thức, cho vay tiêu dùng còn mang lại những tác động tích cực cho xã hội và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.

Những tác động có thể thấy rõ nhất là tài chính tiêu dùng giúp cơ hội của người dân – những người hầu như không thể tiếp cận với dịch vụ ngân hàng do thu nhập thấp và không có tài sản đảm bảo –góp phần cải thiện cuộc sống. Cũng nhờ có thị trường này mà hoạt động cho vay nặng lãi hay còn gọi là tín dụng đen – vốn là nỗi ám ảnh của rất nhiều gia đình và cả xã hội do những hệ lụy của nó đem lại – từng bước được đẩy lùi.

Một tác động không thể phủ nhận đó là cho vay tiêu dùng làm cho nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng lên, qua đó thúc đẩy sản xuất và tạo thêm việc làm cho người lao động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Thị trường còn rất nhiều tiềm năng

Theo ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc (CEO) công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (thương hiệu Fe Credit) thì với những điều kiện lý tưởng của Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển cùng quy mô dân số đạt trên ngưỡng 90 triệu dân cùng với tỷ lệ dân số trong tuổi lao động chiếm 52%, sẽ là những tiềm năng cho sự bùng nổ của ngành tài chính tiêu dùng.

Cho vay tiêu dùng là xu hướng tất yếu trên thế giới, không loại trừ bất kỳ nền kinh tế nào. Ở các nước phát triển, cho vay tiêu dùng chiếm 40 - 50% tổng dư nợ tín dụng trong khi tại Việt Nam, tỷ lệ này mới chỉ dừng ở dưới mức hơn 13% chứng tỏ tiềm năng của thị trường còn rất lớn.

Nắm bắt được xu hướng nhu cầu cao như vậy nên hệ thống cho vay tiêu dùng tại Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ. Thống kê cho thấy, hiện có 16 công ty tài chính và 11 công ty cho thuê tài chính. Bên cạnh đó là hàng loạt kế hoạch thành lập các công ty tài chính của nhiều ngân hàng từ nay đến năm 2020.

Dẫu có sự góp mặt của nhiều công ty trong mảng tài chính tiêu dùng, song xét cả về tài sản và dư nợ tín dụng trong toàn hệ thống tín dụng thì giá trị của phân khúc này đều rất thấp, mới chỉ chiếm lần lượt là 1,3% và 0,3% của hệ thống. Phần lớn thị phần tín dụng tiêu dùng vẫn đang nằm trong tay các ngân hàng thương mại (chiếm 88,6%), còn nhóm công ty tài chính chỉ chiếm 11,4% do danh mục cho vay hướng đến các khoản vay có giá trị thấp dưới 100 triệu đồng trong khi các ngân hàng lại tập trung vào các gói tín dụng lớn.

CEO của Fe Credit cho biết thêm, thực tế cũng cho thấy không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia trên thế giới, không thị trường tài chính nào có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu về tài chính nếu chỉ có hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là nhu cầu vay tiêu dùng nhỏ lẻ trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của thị trường Việt Nam một cách lành mạnh và hợp pháp thì việc phát triển hệ thống các công ty tài chính là điều cần thiết.

Cùng chung quan điểm này, TS. Phan Minh Ngọc cho rằng, tín dụng tiêu dùng là một kênh còn rất nhiều dư địa phát triển để tăng mạnh doanh thu và lợi nhuận cho các tổ chức tài chính, ngân hàng, bên cạnh kênh tín dụng truyền thống vốn có thể bị hạn chế bởi sự cạnh tranh ngày càng mạnh giữa các tổ chức tín dụng và tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nhưng áp lực cạnh tranh sẽ lớn

TS. Phan Minh Ngọc nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển được là rất tốt và đó cũng là xu hướng của thế giới. Ông cũng có quan điểm rằng thị trường này còn nhiều tiềm năng, nhưng song hành với đó sẽ là áp lực cạnh tranh vô cùng mạnh mẽ: cạnh tranh giữa các công ty tài chính hiện tại và các công ty sẽ thành lập sau này.

Vị chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực tài chính, kinh tế vĩ mô nói trên tuy nhiên lưu ý, với sự góp mặt của càng nhiều công ty tài chính tiêu dùng thì người vay sẽ càng có lợi vì dịch vụ và chất lượng sẽ tốt hơn, chi phí cũng có cơ hội giảm bớt. Còn phía các công ty tiêu dùng, đặc biệt là những “ông lớn” đang nắm trong tay thị phần cao, không phải họ sẽ phải chia bớt thị trường 27 tỷ USD cho các đối thủ mà thị trường sẽ phát triển hơn nữa, không dừng ở con số 27 mà là lớn hơn nhiều theo thời gian và các doanh nghiệp sẽ cùng cạnh tranh lành mạnh để phát triển thị trường đó.

Thị trường tài chính tiêu dùng sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia hơn nữa trong thời gian tới, cuộc chơi sẽ có nhiều thay đổi và hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top