Reatimes.vn

Diễn đàn Bất động sản mùa thu lần thứ 1
TS. Lưu Bình Nhưỡng: “Cần tôn vinh xứng đáng với cống hiến của doanh nghiệp”

TS. Lưu Bình Nhưỡng: “Cần tôn vinh xứng đáng với cống hiến của doanh nghiệp”

"Nhà nước cần lấy doanh nghiệp là nền tảng, gây dựng chính sách để vun trồng cho doanh nghiệp phát triển và tôn vinh xứng đáng với những doanh nghiệp có công lao", ông Lưu Bình Nhưỡng nhận định.
06:12, 08/06/2023

Bước vào phòng làm việc của ông Lưu Bình Nhưỡng, ngoài bộ sofa đơn giản ở cuối phòng là “thoáng đãng”, còn lại trên bàn làm việc, các kệ tủ, đâu đâu cũng là những chồng tài liệu chất cao như núi. Đó là những đơn thư, kiến nghị từ người dân đến doanh nghiệp, từ mọi tầng lớp xã hội, từ mọi ngành nghề, từ mọi miền đất nước đổ về đây.

“Công việc hằng ngày của tôi là xử lý núi giấy tờ đó, truyền đạt tiếng nói của người dân tới các cấp cao hơn”, ông Nhưỡng chia sẻ.

Ông Lưu Bình Nhưỡng từng là một Đại biểu Quốc hội có nhiều phát ngôn, chất vấn thẳng thắn, gai góc trên nghị trường, đi sâu vào các vấn đề xã hội, dân sinh, pháp lý, được đông đảo người dân ủng hộ. Dù hiện tại, ông không còn đảm nhiệm vai trò Đại biểu Quốc hội, nhưng vị trí Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn cho ông cơ hội được tiếp xúc với những chuyển động trực tiếp, chân thực của đời sống kinh tế - xã hội và lắng nghe tiếng nói của người dân.

PV: Mỗi ngày ông tiếp nhận khối lượng đơn thư khổng lồ từ người dân, trong đó có không ít các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Ông nhìn nhận thế nào về tình hình doanh nghiệp hiện nay qua mỗi lá đơn gửi tới ông?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta đang có hơn 800.000 doanh nghiệp hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Trong số đó, có những doanh nghiệp quy mô siêu lớn, vượt khỏi “ao làng” để bước ra thế giới; song chủ yếu vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí có những doanh nghiệp siêu nhỏ, mới chỉ manh nha hình thành.

Điều này cho thấy bức tranh doanh nghiệp của ta khá phong phú, song lại nảy sinh hai vấn đề. Xét mặt tích cực thì mỗi doanh nghiệp với quy mô khác nhau, lĩnh vực khác nhau, ngành nghề khác nhau sẽ đóng góp những giá trị khác nhau. Nhưng ngược lại, ở mặt hạn chế, nếu chúng ta quản lý không tốt có thể sẽ nảy sinh tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, cạnh tranh không lành mạnh. Thực ra, việc mua bán sáp nhập là hiện tượng bình thường trong kinh tế nói chung và nền kinh tế thị trường nói riêng. Thậm chí nó còn được coi là tích cực. Tuy nhiên điều mà chúng ta cần đề phòng ở đây là ở việc cạnh tranh không lành mạnh. 

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Ngọc Quang) 

Doanh nghiệp tư nhân hiện nay cũng gặp rủi ro khá lớn về mặt thể chế. Đầu vào có vấn đề, quá trình vận hành hoạt động có vấn đề, ngay cả khi rút ra khỏi thị trường cũng có vấn đề. Công chức từ Trung ương đến địa phương có quyền lớn, tuỳ ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi được biết có những doanh nghiệp đang phát triển, làm ăn tốt đột nhiên có thể bị thanh tra, rồi “cái sảy nảy cái ung”, có thể từ một lỗi bình thường trở thành vấn đề nghiêm trọng.

Một điểm lo ngại nữa là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thiệt thòi. Dù chúng ta có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng cơ chế hỗ trợ chưa đến nơi đến chốn đã làm nảy sinh nhiều vấn đề. Chẳng hạn trong việc tiếp cận nguồn lực, ngay cả các gói hỗ trợ mang tính quyết định sự tồn vong của các doanh nghiệp đó, như nguồn vốn, họ cũng rất khó chạm tới được. Thống kê của VCCI cho thấy, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ gặp khó khăn hơn cả trong việc tiếp cận tín dụng vào năm 2022. Chẳng hạn, với nhóm các doanh nghiệp có quy mô vốn từ 3 tỷ đồng trở xuống, tỷ lệ doanh nghiệp đang tiếp cận tín dụng chỉ là 11,3%, thấp hơn đáng kể so với các nhóm còn lại.

Ngoài những vướng mắc về cơ chế, cộng đồng doanh nghiệp hiện nay còn đối diện với hàng loạt khó khăn khác như lạm phát từ bên ngoài, thiếu hụt đơn hàng, lãi suất tăng cao… Không chỉ những doanh nghiệp nhỏ, ngay cả những “ông lớn” thời gian qua cũng rơi vào cảnh “khô máu” tài chính, cơ thể kiệt quệ, cố gắng xoay xở để sinh tồn, chứ đừng nói là phát triển.

Bởi vậy, chúng ta phải chứng kiến số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao kỷ lục, khoảng 100 nghìn trong quý I, cao hơn số gia nhập thị trường. Đây là hiện tượng lần đầu tiên xảy ra ở nước ta (tính theo quý). Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, chúng ta sẽ rất khó hiện thực hóa mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025.

PV: Thực trạng mà ông nêu lên rất đáng quan ngại. Theo ông, căn nguyên của thực trạng đó là gì và làm sao để có thể giải quyết?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho rằng căn nguyên là ở cách chúng ta nhìn nhận về doanh nghiệp, là đối tượng quản lý thay vì phục vụ. Chúng ta phải thay đổi sâu sắc cách nhìn này, rằng doanh nghiệp đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Nếu trước đây, trong nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp, hợp tác xã là nền tảng thì hiện nay, với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, doanh nghiệp là nền tảng. Mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế. Doanh nghiệp mạnh thì nền kinh tế sẽ mạnh và ngược lại.

Mặt khác, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra, củng cố và phát triển mạng lưới an sinh xã hội, bởi doanh nghiệp tạo ra công ăn việc làm, tăng trưởng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam hội nhập quốc tế. Chúng ta không thể nào mang “cây gậy” và “chiếc bị” đi hội nhập được, mà phải hội nhập với một tác phong và giá trị tương đương các nước.

Nhận thức như vậy thì chúng ta phải hết lòng, hết sức cho doanh nghiệp, chứ không phải vô tình hay hữu ý tạo ra khó khăn từ chính sách đến hành động. Vậy nên, điều đầu tiên để doanh nghiệp phát triển là tạo ra cơ chế hành chính thông thoáng, giản đơn, giải quyết nhanh các thủ tục. Chính quyền các cấp không nên tồn tại tư duy theo kiểu “thuyết âm mưu” đối với doanh nghiệp, ví như cho rằng quy trình đơn giản thì doanh nghiệp sẽ lách luật, vi phạm, thao túng, trục lợi… để từ đó bó hẹp, cương tỏa doanh nghiệp. Trong đầu tư, kinh doanh, cơ hội là vàng, chớp được cơ hội hay không trong nhiều trường hợp đồng nghĩa với họa phúc, sinh tử, bởi vậy doanh nghiệp rất cần sự thông thoáng và phản ứng nhanh nhạy của chính quyền.

"Nếu trước đây, trong nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp, hợp tác xã là nền tảng thì hiện nay, với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, doanh nghiệp là nền tảng. Mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế. Doanh nghiệp mạnh thì nền kinh tế sẽ mạnh và ngược lại", TS. Lưu Bình Nhưỡng nhận định. 

Điều thứ hai là cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác chỉ đạo điều hành. Chính quyền cần có những cán bộ sẵn sàng đối thoại và giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thậm chí dám nghĩ, dám làm, chấp nhận những rủi ro để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo đúng tinh thần kiến tạo, phục vụ.

Điều thứ ba là lãnh đạo các địa phương cần công tâm, sáng suốt trong xử lý các vấn đề doanh nghiệp, bởi việc bênh vực doanh nghiệp này có thể gây ra tổn hại tới doanh nghiệp khác. Lãnh đạo, vì vậy, phải có cái nhìn toàn cục, đánh giá đúng vai trò của các doanh nghiệp với địa phương, với đất nước, không thiên vị.

Một vấn đề khác là lắng nghe doanh nghiệp. Việc lắng nghe phải rộng rãi, đa chiều, không bên trọng bên khinh, như vậy mới có thể hỗ trợ được doanh nghiệp. Việc quản lý cũng cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, để vừa đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt thời cơ, vừa đạt được hiệu quả lớn với chi phí tối ưu.

Điều cuối cùng, cũng rất quan trọng là cần biết tôn vinh các doanh nghiệp có công lao. Đó phải là sự tôn vinh thực sự và xứng đáng, tránh các biểu hiện hình thức hay nặng nề tính ban phát.

PV: Sự tôn vinh mà ông nói tới rất xác đáng. Song, xin ông minh định khái niệm “công lao”?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Doanh nghiệp có công lao, hay nói một cách gần gũi hơn là các doanh nghiệp cống hiến. Đó là các doanh nghiệp đầu tàu, tiên phong trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh quan trọng, giúp nâng cao vị thế kinh tế và thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế. Đó cũng là các doanh nghiệp có sản phẩm, phương pháp đặc định, mang ý nghĩa lớn đối với nền sản xuất quốc gia; có quy mô vốn và số lượng lao động ở tầm lớn; vừa giải quyết việc làm, vừa đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Đó cũng là các doanh nghiệp có hoạt động xã hội, thiện nguyện điển hình, tạo ra tác động tích cực, lan tỏa sâu rộng, làm thay đổi số phận của nhiều người, thậm chí cả một vùng miền.

Nhiều doanh nghiệp có các hoạt động xã hội, thiện nguyện điển hình đã tạo ra tac động tích cực, lan toả sâu rộng, làm thay đổi số phận của nhiều người. (Ảnh: VPBank) 

Với những doanh nghiệp cống hiến như vậy, sự vinh danh là vô cùng cần thiết. Đi kèm với đó, Nhà nước cũng cần hoàn thiện thêm các cơ chế, chính sách để họ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trở thành các trụ cột kinh tế của nước nhà.

PV: Các cơ chế, chính sách cần hoàn thiện thêm mà ông đề cập tới là gì?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Tôi cho rằng với cộng đồng doanh nghiệp, việc được nói lên tiếng nói, đề đạt nguyện vọng của mình với lãnh đạo Đảng, Nhà nước là niềm mong mỏi rất lớn. Chính vì thế, điều đầu tiên là chính quyền các cấp phải rà soát và cải tiến mạnh mẽ cơ chế ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp đối với mỗi chính sách về kinh tế của đất nước, bởi doanh nghiệp là đối tượng và cũng là mục tiêu hướng tới của các chính sách đó.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có đời sống xã hội, do vậy việc thiết lập, củng cố và phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp và phần còn lại của xã hội là rất quan trọng. Doanh nghiệp phải có sự liên kết hữu cơ với các bên liên quan thì tránh được tình cảnh dễ tổn thương, mới tạo lập được nền tảng vững chắc để bứt phá.

Mặt khác, chính quyền các cấp cần quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực để giảm thiểu, tiến tới loại bỏ chi phí không chính thức cho doanh nghiệp cũng như tránh tình trạng “doanh nghiệp sân sau” chèn ép các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

PV: Nhìn rộng hơn về sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, ông có lạc quan về vai trò ngày một to lớn hơn của kinh tế tư nhân đối với nước nhà?

TS. Lưu Bình Nhưỡng: Hiện nay, kinh tế tư nhân, hẹp hơn là đội ngũ doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân, đã trở thành lực lượng không thể thay thế trong xây dựng và phát triển đất nước. Kinh tế tư nhân đã đóng góp hơn 42% GDP (chưa tính phần đóng góp vào thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm), tạo ra hơn 80% số việc làm cho nền kinh tế; là lực lượng quan trọng nhất thực hiện sứ mệnh xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu của đất nước. Riêng về doanh nghiệp, khối tư nhân ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và quy mô.

Doanh nghiệp của tư nhân đã hoạt động trên hầu hết lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, cả những lĩnh vực trước đây chỉ có các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia mới có khả năng tham gia, ví dụ như công nghệ cao, công nghiệp luyện kim, công nghiệp ô tô...

Thực tế trên cho thấy, kinh tế tư nhân đã trở thành lực lượng kinh tế lớn nhất của đất nước. Tuy vậy, nó vẫn còn nhỏ so với các nền kinh tế khác mà ở đó kinh tế tư nhân chiếm tới 70 - 80% GDP, là lực lượng chủ yếu của nghiên cứu phát triển, đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ và cạnh tranh quốc tế. Như vậy, dư địa phát triển khu vực tư nhân ở nước ta còn rất lớn; có tiềm năng tăng trưởng cao hơn hẳn các khu vực khác, chắc chắn phải là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới./.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn

Bạn còn 500/500 ký tự


TOP