Aa

Cặp bài trùng có để lại khoảng trống lớn tại LienVietPostBank?

Chủ Nhật, 01/04/2018 - 06:01

Một năm sau khi ông Dương Công Minh rời đi, ông Nguyễn Đức Hưởng cũng vừa quyết định từ nhiệm. Hai nhân vật có ảnh hưởng nhất không còn trong cơ cấu quản trị điều hành, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) bước vào giai đoạn mới.

Giai đoạn mới mở ra, đúng vào thời điểm LienVietPostBank tròn 10 năm hoạt động. Quãng thời gian trẻ nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, nhưng định hình nhiều dữ kiện thu hút sự chú ý trên thị trường, gắn với những nhân vật có tiếng.

Sức nặng ảnh hưởng

Với ngân hàng thương mại, yêu cầu cốt lõi là hoạt động thanh toán, tương tác giao dịch phải đảm bảo thông suốt, lan tỏa tới các ngõ ngách nhu cầu của khách hàng, về mặt địa lý.

Hơn một năm trước, LienVietPostBank từng gặp trục trặc về đối tác kết nối, tương tác lớn trong yêu cầu trên. Như máu lưu thông trong cơ thể, một sự ách tắc, ngừng trệ lan tỏa ở một nhánh rộng có thể khiến các hoạt động bị ảnh hưởng sâu sắc.

Ngay lập tức, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị khi đó, kết nối hợp tác toàn diện với một đối tác lớn khác, có sức lan tỏa trong thanh toán và tương tác giao dịch đủ mạnh để khắc phục.

Ông Dương Công Minh (bên trái) và ông Nguyễn Đức Hưởng (bên phải).

Ông Dương Công Minh (bên trái) và ông Nguyễn Đức Hưởng (bên phải).

Đồng thanh tương ứng. Hợp tác toàn diện với đối tác mới này, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị khi đó quyết luôn thiện chí sẵn sàng tài trợ mạnh tay về hạ tầng cơ sở, nếu họ có nhu cầu…

Xử lý nhanh và linh hoạt, có tầm và sức nặng các quyết định dễ thấy trong nhiều dữ kiện lớn như vậy trong hoạt động của LienVietPostBank 10 năm qua, mang thương hiệu "Minh Him Lam" - "Hưởng Liên Việt".

Tựu trung, không dễ với một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân trẻ, vừa mới gia nhập thị trường nhưng đã nhanh chóng tiếp cận nhiều dự án trọng điểm, thu hút được những khoản tiền gửi lớn, những nguồn lợi thế mà trước nay như một phân khúc khó xen vào của khối các ngân hàng thương mại nhà nước.

LienVietPostBank làm được điều đó, để đi nhanh hơn và không bị vấp ngã như nhiều ngân hàng thương mại khác những năm khủng hoảng 2008 - 2009 và bất ổn hệ thống kéo dài những năm sau.

Và vẫn phải dẫn lại một dữ kiện lớn khác tại ngân hàng này những năm đầu gia nhập thị trường: mua lại hệ thống tiết kiệm bưu điện, để về sau sở hữu hơn 10.000 điểm giao dịch. Tầm nhìn, tốc độ xử lý thương vụ và mức giá sẵn sàng trả (trong khi hầu hết các nhà đầu tư khác do dự và dè chừng) cũng trở nên điển hình trong quan điểm và cách làm của "Minh Him Lam" - "Hưởng Liên Việt".

Cũng với quan điểm của cặp bài trùng này, thương hiệu LienVietPostBank nhanh chóng mở rộng trên thị trường, trong công chúng trước hết ở cách làm chưa từng có ngân hàng thương mại nào mạnh bạo khi mới đi vào hoạt động, khi quá trình tích lũy lợi nhuận mới chỉ bước đầu. Đó là nhanh chóng dồn quỹ 1.000 tỷ đồng cho an sinh xã hội, hay việc cụ thể hóa mục tiêu xây tặng ít nhất mỗi tỉnh trên cả nước một ngôi trường.

Còn đường, cách đi, cách làm và sức nặng ảnh hưởng trong quá trình 10 năm hoạt động của LienVietPostBank gắn với cặp bài trùng "Minh Him Lam" - "Hưởng Liên Việt".

Nhưng, từ giữa 2017, ông Dương Công Minh rời sang Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Và tại đại hội đồng cổ đông ngày 28/3 vừa qua, đến lượt ông Nguyễn Đức Hưởng chia tay vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị để tập trung chữa bệnh. Khoảng trống họ để lại có lớn?

Tất nhiên, về mặt sở hữu và tư vấn, vẫn có sự đồng hành. Nhưng với thị trường, với cơ cấu quản trị điều hành trực tiếp và đặc biệt về mặt lâu dài, cũng như ở khía cạnh thương hiệu cá nhân lãnh đạo, LienVietPostBank bắt đầu bước vào giai đoạn khác.

Thử thách còn phía trước

Bên lề đại hội đồng cổ đông ngày 28/3 vừa qua, ông Hưởng nói rằng, người kế nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị - ông Nguyễn Đình Thắng - là chuyên gia công nghệ, một thế mạnh cần và phù hợp với xu hướng phát triển ngân hàng hiện đại tại Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

Ông Thắng cũng là người có mặt trong ban trù bị thành lập LienVietPostBank hơn 10 năm về trước; đã đồng hành cũng như đã có quá trình trực tiếp tham gia Hội đồng Quản trị, nắm rõ thể trạng, đường hướng hoạt động của ngân hàng.

Thể trạng đó như thế nào? Ông Hưởng từng ví von, LienVietPostBank như cậu bé 10 tuổi, nhưng có sức mạnh của anh thanh niên 17 tuổi và kinh nghiệm của một người tuổi 50 nửa đời phiêu bạt.

"Tôi chuyển giao chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị vào đúng thời điểm hưng thịnh nhất của LienVietPostBank, nên khoảng trống nếu có thì không nhiều", ông Hưởng nói.

Thời điểm hưng thịnh nhất. 2017 là năm LienVietPostBank đạt kỷ lục lợi nhuận. Quan trọng hơn, ngân hàng này đã hoàn thành thiết lập mạng lưới chi nhánh tại tất cả 63 tỉnh trên cả nước - điều mà chưa ngân hàng thương mại cổ phần nào làm được. Điều đó có nghĩa, một áp lực và gánh nặng chi phí lớn cho đầu tư mạng lưới đã được thực hiện, gieo trồng và kỳ hái quả có thể đến gần hơn.

Môi trường kinh doanh cũng đang thuận lợi. Hệ thống ngân hàng Việt Nam nhìn chung đã hồng hào lên qua năm 2017, đang đứng trước triển vọng có những kết quả tốt hơn nữa trong 2018, gắn với chuyển biến rõ nét của kinh tế vĩ mô.

Vậy nên, sự chuyển giao hay khoảng trống của cặp bài trùng "Minh Him Lam" - "Hưởng Liên Việt" hiện tại và trước mắt có phần được khỏa lấp.

Nhưng lâu dài và đường xa, những thử thách tiềm ẩn trong tương lai sẽ kiểm tra LienVietPostBank một lần nữa, sau quá trình 10 năm đầu tiên chủ yếu sống trong ảnh hưởng khủng hoảng tài chính toàn cầu và bất ổn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam nói chung.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top