Aa

Cây cỏ vui buồn

Thứ Năm, 14/02/2019 - 06:00

Trao tặng là một niềm hạnh phúc. Trao tặng đúng nơi đúng chỗ đúng người, càng là niềm hạnh phúc. Như là mẹ đã trao tặng tôi một tuổi thơ tuyệt diệu, để tôi lớn lên với những mơ mộng vẩn vơ, và chưa bao giờ dừng kiếm tìm những điều tốt đẹp trong đời.

Một trong những hình ảnh mà tôi luôn nghĩ đến đầu tiên mỗi lúc nhớ mẹ là khi tôi chạy bình bịch từ ngoài đường ô tô vào nhà, xuyên qua con ngõ nhỏ có những bụi rau đay mùa đông khô khốc màu nâu đỏ vươn ra, tim đập thình thịch, miệng khấp khởi gọi “Mẹ ơi, con về này!”, thì thấy mẹ đứng phía sau hàng rào. Tay mẹ cầm một cái rổ tre. Trong rổ có một loại rau gì đấy vừa hái. Gương mặt mẹ vừa mừng vui vừa ngạc nhiên. Mắt mẹ, miệng mẹ, khuôn mặt mẹ đều rực lên một nụ cười vô cùng dịu ngọt.

Cây cỏ vui buồn (ảnh minh họa)

Cây cỏ vui buồn (ảnh minh họa)

Tôi thường giấu mẹ ngày tôi về. Chỉ vì tôi thích được tận hưởng cái vẻ ngạc nhiên vui mừng ấy của mẹ. Nhưng có lần bố tôi kể, đêm qua mẹ con vừa nói: Tôi cảm thấy là ngày mai cái Thúy sẽ về ông ạ. Và vì cái “cảm” ấy, sáng mẹ đã giữ lại trong chuồng một con gà, chiều mẹ đã ra vườn sớm hơn mọi khi để hái rau. Mẹ là thế, luôn cảm thấy tôi.

Mẹ có một cái bờ ao để trồng rau.Trồng rau ở bờ ao rất tiện, vì đất luôn ẩm vừa phải. Trời nắng nóng đến mấy thì đất vẫn luôn ẩm. Chỉ cần tưới một lần vào buổi sáng. Mà tưới cũng tiện chứ. Cầm cái ô roa, cúi xuống múc nước ao lên mà tưới là xong. Cái bờ ao được rào bằng nan tre để chặn bọn gà nhảy vào bới. Mẹ luôn chăm chút cái vườn nhỏ ấy để bốn mùa lúc nào cũng xanh biếc rau.

Trong khu vườn lớn, có một số loại không bao giờ trồng mà vẫn có ăn. Ví dụ như các loại rau thơm. Loại thì mọc bờ ao, loại mọc dưới gốc cây hồng, loại mọc chìa ra ngay lối đi. Luống rau ngót thì gốc to như chuôi dao, quả to như viên bi, không biết bao nhiêu tuổi. Từ lúc tôi còn bé tí đến lúc lớn đùng, cả nhà vẫn ăn rau ngót ở cái luống rau ngót khổng lồ ấy. Mùa đông nó tàn lụi, mùa xuân nó lại mọc mầm ra, xanh mướt mát. Hay như rau đay. Không bao giờ phải trồng. Thường là hết một mùa đay, lúc làm vườn bố mẹ nhổ lên, quẳng ra đất. Quả đay chín, vỡ ra, hạt đay rơi xuống đất nằm chờ ở đấy. Năm sau tự mọc lên. Mà những cây đay nhà tôi thường cao cỡ mét rưỡi. Lúc tôi bé bé, buổi trưa nắng mẹ bảo đội nón ra hái rau đay, tôi phải kiễng chân mới hái được. Nếu mà bỏ nón, đứng nấp trong bụi đay, đảm bảo không ai tìm thấy...

Lại còn dứa nữa. Dứa không trồng để lấy quả như người ta, mà trồng để làm hàng rào. Buổi trưa mùa hè ngủ dậy, anh em tôi mỗi đứa một con dao quắm, đi một vòng. Thế nào cũng kiếm được vài quả dứa chín nấp trong những búi lá răng cưa...

Tôi đặc biệt thích những luống rau mẹ trồng bên bờ ao khi mùa đông đến. Ngày mùa đông buốt giá, sáng sớm thức dậy chạy thể dục vài vòng ra ngõ. Người chạy trước, chó chạy sau. Đôi khi chó phởn lên chạy trước, ra tận đầu ngõ ngồi chồm hổm chờ, thấy người quay đầu vào nhà lại chạy vọt lên trước. Chạy vài vòng, mồ hôi vã ra mới bước vào vườn. Cầm cái ô roa mà múc nước ao lên tưới rau. Một số bọn rau cần phải nhiều nước, ví như bắp cải. Bắp cải phải đủ nước, đủ lạnh mới cuộn. Trời càng lạnh bắp càng cuộn chặt. Dưới gốc bắp cải, sương đêm đọng thành một tấm màng mỏng, trong suốt, phủ trên mặt đất tơi xốp nâu sẫm. Nước ao ấm hơn sương, khi tưới lên luống rau sẽ làm lớp màng sương ấy biến mất lập tức. Mẹ thường trồng hai luống bắp cải, hai luống su hào, một luống xà lách, một luống mùi, một luống là các loại rau thơm… Tôi rất thích món bắp cải cuộn thịt. Thịt băm nhuyễn, trộn với mộc nhĩ, nấm hương, một chút miến ngâm nước, hành, mùi, trứng gà, tiêu xay, nước mắm, mì chính... Bắp cải tách lá thật khéo không để rách, chần qua nước sôi cho mềm. Cuộn nhân thịt nấm vào trong mảnh lá ấy, gói kín, dùng một sợi hành buộc bên ngoài cho khỏi bung ra, xếp từng lớp vào nồi. Bắc lên bếp, cho lửa nhỏ để nước từ lá bắp cải tự chắt ra, không cần phải cho nước cũng không bao giờ cháy. Đợi nước từ rau, từ thịt, từ gia vị chiết ra, lấp xấp đủ tự ngấm trở lại. Món chín thì cho lửa to hơn một chút. Có thể để miếng bắp cải cuộn thịt hơi xém vàng, thơm nức mùi rau mùi thịt mùi gia vị, ăn với cơm nóng.

Món bắp cải cuộn thịt

Món bắp cải cuộn thịt

Nhà tôi, hồi xưa, phương tiện đi lại chỉ có xe đạp. Cả tuần có khi bố mẹ mới lên chợ tỉnh một lần. Chủ yếu đồ ăn thức uống là tự cung tự cấp. Tôi luôn cảm thấy mỗi khi tôi tưới lên những cây rau trong vườn bằng chiếc ô roa nhỏ, thì những cái lá cây đều reo lên vui vẻ vì được uống nước. Tôi thích đi chân đất vào vườn cho dù trời lạnh buốt. Cảm thấy từng miếng đất mềm dưới chân mình đang rên lên vì lạnh. Nước tưới lên sẽ làm chúng ấm áp hơn. Những cây xà lách luôn gây một cảm hứng đặc biệt. Trời lạnh thì xà lách cũng cuộn. Chúng cuộn y như bắp cải. Nhưng chúng bé hơn, nhỉnh hơn cái bát ăn cơm một chút. Những cây xà lách tròn xoe, trắng xanh, vừa khiêm nhường vừa kiêu kì, như những cô tiểu thư con nhà trung lưu luôn biết mình là ai. Bên cạnh luống xà lách là luống mùi. Ôi những cây mùi thơm nức. Khi chúng lớn hết cỡ, chúng có thể cao ngang lưng tôi. Cái ngọn của những cây mập mạp có thể to bằng chiếc đũa chứ không phải bé tí ti như những mớ mùi mua ở chợ bây giờ. Và mẹ thì hay ngắt những ngọn mùi để ăn, rồi chúng lại đâm nhánh ra, lại ngắt nhánh. Những cây mùi vì thế có tuổi thọ rất dài, đến tận tết. Đấy là khi đã cuối mùa, và những nhánh còn lại bắt đầu ra hoa.

Cũng có khi mẹ bớt đất bắp cải trồng thêm cải canh hoặc cải thìa. Cải canh thì tỉa lá to ăn trước, lá bé lớn lên lại tỉa tiếp. Nhưng cải thìa thì phải nhổ cả cây. Cái giống cải thìa nó thế. Tỉa lá ngoài thì sẽ thối rữa luôn cả cây. Chết thì chết cả cây không chịu chết từng lá. Một kiểu trượng nghĩa rất kì lạ.

Và những cây su hào mới thật là đẹp. Chúng đẹp một cách hoàn hảo về mặt cấu trúc, thẩm mĩ. Khi trồng xuống, chúng chỉ là những cái cây bé tí xíu, cao vài cm. Chỉ một tháng, một tháng thôi, thì gốc đã phình ra. Chẳng phải nó ra củ. Củ thì đáng lẽ phải ở dưới mặt đất chứ. Nhưng củ của su hào lại ở ngay trên mặt đất, chỗ đoạn gốc phình ra. Nó phình ra mỗi ngày một to, giống như trẻ con thổi những luồng hơi thật nhẹ vào một quả bóng bay. Củ phình ra, nhưng những chiếc lá thì lớn lên rất chậm. Thế nên, khi củ su hào to gần bằng cái bát ăn cơm thì nó cân đối một cách hoàn mĩ với đám lá có những chiếc cuống dài mảnh khảnh bên trên. Và cái màu xanh phớt, với một lớp phấn trắng phủ bên trên, giống như một cô gái đã trang điểm một cách vừa vặn, đủ xinh, đủ quyến rũ, để tung tăng ra đường.

Mẹ tôi luôn để dành một luống su hào đẹp nhất để ăn tết. Cái cụm từ “để dành ăn tết” thật là thân thương biết mấy. Bởi vì với mẹ, “để dành ăn tết” tức là “để dành cho lũ con cháu về ăn tết”. Cái gì ngon nhất, kể từ củ su hào trở đi, mẹ cũng đều nhẫn nại để dành. Và cái buổi sáng ba mươi đầy những tiếng nở ra của mầm cây ấy, tôi với chị dâu sẽ mang rổ ra vườn. Chúng tôi sẽ nhổ những củ su hào căng bóng, xanh mướt khỏi mặt đất. Thêm vài củ cà rốt, vặt một ít ớt chỉ thiên, bẻ thêm vài quả chanh đã chín vàng trên cành… Chúng tôi sẽ làm món dưa để ăn vào ngày hôm sau. Su hào, cà rốt xắt miếng như ngón tay út, và phơi ngoài trời một ngày. Chiều tối sẽ ngâm với muối ớt dấm đường tỏi… Mùi thơm nức của dấm tỏi sẽ bay ngập cả gian bếp ấm cúng…

Sau này, tôi cũng vẫn nghĩ mọi cây cỏ đều biết vui và biết buồn. Khi bị bỏ quên chúng héo rũ không phải vì thiếu nước mà vì buồn. Cắt những cây rau ở vườn mang ra cầu ao để rửa, lúc nào cũng lẩm bẩm: Hôm nay mày tặng mày cho tao nhé rau. Và từ đấy, từ cái lúc cắt cây rau mà bảo nó trao tặng mình ấy, đứa bé con là tôi đã nghĩ: Trao tặng là một niềm hạnh phúc. Trao tặng đúng nơi đúng chỗ đúng người, càng là niềm hạnh phúc. Như là mẹ đã trao tặng tôi một tuổi thơ tuyệt diệu, để tôi lớn lên với những mơ mộng vẩn vơ, và chưa bao giờ dừng kiếm tìm những điều tốt đẹp trong đời.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top