Aa

Chủ tịch CEO Group: ‘Năm nay chắc chắn hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm, tháng 10 sẽ tăng vốn’

Hải Thu
Hải Thu thutrinhk96lhp@gmail.com
Thứ Tư, 10/08/2022 - 14:00

Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Bình hé lộ tiến độ việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.

Chiều ngày 9/8, ban lãnh đạo Tập đoàn C.E.O (HoSE: CEO) gồm Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Bình, Tổng giám đốc Đoàn Văn Minh, Phó tổng giám đốc Vũ Thị Lan Anh đã có buổi gặp gỡ với hơn 400 cổ đông/nhà đầu tư để phúc đáp về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, chiến lược phát triển giai đoạn 2022 - 2026 và đặc biệt việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

“Năm nay chắc chắn có lãi 300 tỷ đồng”

Một trong những vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm tại buổi gặp gỡ là kết quả kinh doanh bán niên có phần khiêm tốn của CEO, mặc dù đây đã là mức cải thiện rất lớn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, đi qua nửa đầu năm 2022, doanh thu thuần của CEO đạt 718 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước; lãi trước thuế 6 tháng đạt 127 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 123 tỷ đồng. Lãi sau thuế 6 tháng của CEO đạt 70 tỷ đồng. 

Năm 2022, CEO đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 300 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc bán niên 2022, CEO mới hoàn thành 24% kế hoạch doanh thu và 23% kế hoạch lợi nhuận.

Phúc đáp các nhà đầu tư, Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Bình cho hay, doanh thu của tập đoàn sẽ được ghi nhận chủ yếu vào quý IV/2022. “Lãnh đạo tập đoàn cam kết sẽ hoàn thành kế hoạch năm, chắc chắn là như thế, vì ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng vấn đề này”, ông Bình nhấn mạnh.

Được biết, doanh thu năm nay của CEO phần lớn sẽ đến từ dự án Sonesea Vân Đồn Harbor City tại Quảng Ninh (chiếm 60%). 40% còn lại sẽ đến từ Sonasea Residences Phu Quoc tại Kiên Giang.

Chia sẻ về chiến lược 5 năm tới, ông Bình cho biết, tập đoàn đặt mục tiêu tổng doanh thu khoảng 30.000 tỷ đồng, tức mỗi năm bình quân 6.000 tỷ đồng; mục tiêu lợi nhuận khoảng 3.000 tỷ đồng, tức khoảng 600 tỷ đồng/năm.

Ông Bình cũng chia sẻ về kế hoạch tăng quỹ đất của tập đoàn: “CEO hiện có khoảng 1.000ha đất, trong đó mới chỉ phát triển dự án khoảng 200 - 300ha. Tập đoàn có kế hoạch mở rộng quỹ đất thêm 500 - 1.000ha nữa. Ngay trong năm 2022, chúng tôi sẽ hoàn thành việc phát triển quỹ đất mục tiêu. Từ đầu năm tới nay, chúng tôi đã làm việc, xúc tiến, tham gia đấu thầu, đấu giá với tổng quỹ đất đang hướng tới là hơn 1.000ha. Chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch này”, ông Bình khẳng định với các nhà đầu tư.

Đáng chú ý, bên cạnh những mảng kinh doanh cốt lõi, Chủ tịch Đoàn Văn Bình cho hay thời gian tới, CEO có định hướng phát triển bất động sản khu công nghiệp. Ông đánh giá đây là lĩnh vực có triển vọng lớn, do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn với 17 FTAs, bối cảnh quốc tế lại thuận lợi với sự dịch chuyển đầu tư. 

Theo ông Bình, CEO ưu tiên khu công nghiệp vì 2 lý do: Một là có thị trường, hai là phù hợp với năng lực của tập đoàn. “Phát triển hạ tầng khu công nghiệp cũng như hạ tầng khu đô thị, khu nghỉ dưỡng là thế mạnh của tập đoàn. CEO lại có công ty xây dựng nên sẽ làm rất hiệu quả. Chúng tôi hy vọng thời gian tới, CEO sẽ có sản phẩm khu công nghiệp”, ông nói.

Trước quan ngại của các cổ đông về việc tập đoàn đang đầu tư dàn trải, ông Đoàn Văn Bình phản biện: “Các lĩnh vực như xây dựng rất quan trọng với các nhà phát triển bất động sản như CEO, vì ta chủ động được tiến độ, chất lượng công việc, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Nếu không có công ty xây dựng, ta sẽ rất bị động, vì đền bù giải phóng rất khó, nhiều khi không giải phóng được toàn bộ mà lâm vào cảnh “da beo” (tức các phần đất đã giải phóng và chưa giải phóng xen kẽ nhau như da con beo, con báo - PV).

“Dịch vụ ta đang làm rồi, như giáo dục, đào tạo lao động xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra ta cũng có thể phát triển dịch vụ khác nữa, ví dụ phát triển thương hiệu Sonasea trở thành đơn vị quản lý khách sạn, rất có tiềm năng. Tôi khẳng định với cổ đông là ban lãnh đạo đã cân nhắc kĩ, không có gì dàn trải cả, tất cả là để hoàn thiện hệ sinh thái”.

Ông Bình cũng nhấn mạnh: “Hiện tại, bất động sản vẫn là lĩnh vực mang lại lợi nhuận lớn, nhưng về dài hạn, tập đoàn sẽ có bước chuyển dịch về cơ cấu doanh thu, lợi nhuận theo hướng lợi nhuận bất động sản giảm dần”.

Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Bình khẳng định sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay (Ảnh: CEO)

“CEO không bị ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát tín dụng” 

Trả lời băn khoăn của nhà đầu tư về việc CEO có bị ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát tín dụng vào bất động sản hay không, ông Đoàn Văn Bình khẳng định: “Tới giờ, mọi việc hợp tác, hỗ trợ, phát triển dự án và cho vay khách hàng không ảnh hưởng gì. Tháng 7 vừa qua, CEO đã ký hợp đồng tài trợ với BIDV cho khách sạn Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn và đang tiếp tục bàn bạc với các ngân hàng để tài trợ cho các dự án trọng điểm, tiềm năng trong 5 năm tới”.

Hiện, CEO có 3 dự án trọng điểm: CEOHomes Hana Garden City tại Hà Nội, Sonasea Residences tại Phú Quốc và Sonasea Vân Đồn Harbor City tại Quảng Ninh. Dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City rộng hơn 300ha, hiện có khoảng 100ha đất sạch, tổng sản phẩm 7.500 - 8.000 gồm biệt thự, liền kề, nhà phố, tổng doanh thu dự kiến khoảng 1 tỷ USD. Dự án CEOHomes Hana Garden City có khoảng 1.000 sản phẩm, dự kiến doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án Sonasea Residences dự kiến có tổng doanh thu khoảng 20.000 tỷ đồng.

“Nguồn thu từ 3 dự án này cộng với dòng tiền đến từ 2 ngân hàng (BIDV, VietinBank) đã được chúng tôi tính toán kỹ lưỡng để sử dụng hiệu quả, đủ để phát triển các dự án trọng điểm, các dự án trong danh mục quỹ đất 1.000ha sắp có thêm trong thời gian tới”, ông Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch CEO cũng đánh giá trước mắt có thể có khó khăn chung với dòng tiền giá rẻ đổ vào thị trường bất động sản bởi có sự kiểm soát giải ngân của ngân hàng cho vay lĩnh vực bất động sản. “Song trong tương lai, bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ phát triển trong trung và dài hạn”, ông Bình lạc quan. 

Giải thích rõ hơn về nhận định này, ông Bình cho biết, bất động sản nghỉ dưỡng là một cấu phần quan trọng làm nên “công nghiệp du lịch” - đã được Nhà nước coi là mũi nhọn của nền kinh tế. Hai năm qua, do dịch Covid-19, nhu cầu nghỉ dưỡng bị nén lại, giờ có cơ hội “bung” ra. Thực tế mấy tháng hè vừa qua, các nhà phát triển nghỉ cưỡng cũng bất ngờ vì nhu cầu du lịch tăng đột biến so với dự báo. 

Ngoài ra, lượng kiều hối liên tục đổ về Việt Nam với mức tăng trưởng 10%/năm. Tốc độ đô thị hoá Việt Nam khoảng 1%/năm, và dự kiến đạt 50% vào năm 2030, song vẫn ở mức thấp so với các nước phát triển khi các nước này có thể đạt 70 - 80%. Bên cạnh đó, cơ cấu dân số Việt Nam trẻ, nhu cầu bất động sản, nhà ở, dịch vụ sẽ ngày càng gia tăng. 

Về tổng quan, trên cơ sở nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tổng tài sản bất động sản trên GDP của Việt Nam chỉ khoảng 75% trong khi tỷ lệ này của toàn cầu ở mức 4 lần. 

“Dư địa lĩnh vực bất động sản còn rất lớn. Ta có căn cứ vũng chắc để thấy rằng bất động sản sẽ phát triển tốt trong trung - dài hạn”, ông Đoàn Văn Bình tái khẳng định.

CEO sẽ tăng vốn trong tháng 10

Một vấn đề thu hút sự quan tâm của các cổ đông tại cuộc gặp gỡ là việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Về chuyện này, Chủ tịch CEO cho biết cho tới hiện nay, phương án tăng vốn không có bất kỳ thay đổi nào so với phương án đã được đại hội đồng cổ đông 2022 phê duyệt. 

Cụ thể, đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của CEO đã thống nhất như sau: Số lượng dự kiến phát hành là 257,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 100% với số cổ phần hiện có), mệnh giá 10.000 dòng/cổ phần. Hình thức phát hành là chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu (252,19 triệu cổ phần) và phát hành ESOP (5,14 triệu cổ phần). Vốn điều lệ sau phát hành là 5.146,79 tỷ đồng.

“Sau khi được đại hội đồng cổ đông thông qua, chúng tôi đã nỗ lực làm việc, ký hợp đồng tư vấn với MBS. Hiện các thủ tục cũng đã cơ bản hoàn thành, tháng 9 sẽ xong, tháng 10 sẽ làm”, ông Bình cho biết.

Ông Bình tự tin rằng việc phát hành cổ phiếu tăng vốn sẽ diễn ra thành công và nhấn mạnh ông đang tích cực chuẩn bị tiền để mua vào cổ phiếu khi phát hành. 

Giải thích về việc các lãnh đạo khác của tập đoàn không sở hữu cổ phiếu CEO, ông Bình cho biết đó là vấn đề của lịch sử để lại. “Anh Đoàn Văn Minh, chị Vũ Thị Lan Anh là người về tập đoàn sau này, trong khi các lần phát hành cổ phiếu tăng vốn đều dành cho cổ đông hiện hữu cả. Nếu các cổ đông không mua thì mới có thừa quyền mua cho các lãnh đạo đương nhiệm của tập đoàn”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top