Aa

Chân dung người Việt Nam kín tiếng lọt top 5% “kinh tế gia hàng đầu thế giới”

Thứ Năm, 17/08/2017 - 06:30

Theo bảng xếp hạng mới đây (7/2017) của dự án Nghiên cứu kinh tế RePec, Việt Nam có hai nhà kinh tế lọt vào top 5% trong tổng số hơn 55,000 nhà kinh tế trên thế giới. Trong đó, TS Nguyễn Việt Cường đang sống và làm việc ở Việt Nam. “Kín tiếng” hơn so với người đồng nghiệp còn lại, nhưng TS. Cường nhiều năm nay là người được xếp số một tại Việt Nam về số lượng bài báo quốc tế trong lĩnh vực kinh tế phát triển.

TS. Nguyễn Việt Cường được xếp hạng 2.516 nhà kinh tế hàng đầu trên thế giới (top 5% bao gồm 2.528 người).

TS. Nguyễn Việt Cường được xếp hạng 2.516 nhà kinh tế hàng đầu trên thế giới (top 5% bao gồm 2.528 người).

TS. Nguyễn Việt Cường tốt nghiệp thạc sỹ và tiến sỹ chuyên ngành Kinh tế phát triển tại Khoa Kinh tế nông nghiệp và Quản lý, Đại học Wageningen, Hà Lan. Sau khi về nước, anh hoạt động giảng dạy ở Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Chính sách Công & Quản lý và phụ trách Chương trình Cao học Kinh tế Phát triển Việt Nam – Hà Lan (MDE). Đồng thời, Cường cũng là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, một tổ chức chuyên nghiên cứu các vấn đề kinh tế phát triển.

TS Cường có rất nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và tư vấn trong lĩnh vực đánh giá tác động của các chính sách và dự án, phân tích nghèo đói, dân tộc thiểu số, phân tích y tế và giáo dục. Anh tham gia nhiều dự án nghiên cứu và tư vấn với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu cho các Bộ, Viện nghiên cứu, các cơ quan quốc tế và NGO ở Việt Nam.

Nhiều nghiên cứu của anh đã được xuất bản ở các tạp chí quốc tế như American Political Science Review, World Bank Economic Review, Journal of Comparative Economics, Health Economics, World Development, Journal of Development Studies, Social Science and Medicine …Trong số đó có bài đạt giải Bài nghiên cứu xuất sắc nhất năm 2015 của The Journal of International Trade & Economic Development với nghiên cứu về “Tác động của thuận lợi hóa thương mại lên nghèo đói và bất bình đẳng: Bằng chứng từ các quốc gia thu nhập thấp và trung bình”.

Chia sẻ về thông tin được xếp trong 5% nhà kinh tế có số lượng nghiên cứu kinh tế nhiều nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, anh cho biết: “Bảng xếp hạng của RePec đã có từ lâu, một số nhà nghiên cứu giỏi của Việt Nam không đăng ký mạng lưới này nên xếp hạng cũng ở mức tương đối thôi. Với tôi thứ hạng ấy không phải là điều gì quá ghê gớm. Cũng xem như là một sự ghi nhận là mình cũng có một số nghiên cứu hữu ích và được quan tâm”.

"Tôi chưa thực sự hài lòng cái nào?"

Xuất bản quốc tế các công trình nghiên cứu là mong muốn của hầu hết các nhà nghiên cứu kinh tế, nhưng không phải ai cũng quyết tâm lựa chọn con đường này đến cùng. Với TS. Nguyễn Việt Cường thì cột mốc lớn nhất để theo nghiệp nghiên cứu đến từ lần được giải thưởng luận văn thạc sĩ tốt nhất của trường Đại học Wageningen, Hà Lan.

Trong quá trình học tiến sĩ, Cường mới chính thức đến với con đường xuất bản quốc tế. Anh chia sẻ: "Lúc học ở trường Wageningen tôi gặp những người bạn Việt Nam rất giỏi. Họ có một số nghiên cứu xuất bản quốc tế làm tôi thật sự khâm phục, nên sau đó cũng thử bắt tay vào viết xem có được không, rồi dần dần các bài báo khoa học ra đời".

Theo thống kê của RePec, TS. Nguyễn Việt Cường đã công bố 95 ấn phẩm nghiên cứu và 50 bài báo khoa học trong giai đoạn từ 2002 đến nay. Làm thế nào có thể xuất bản được nhiều công trình khoa học như thế?

Theo TS. Cường, mấu chốt nằm ở sự hợp tác. Làm nghiên cứu theo nhóm rồi tập trung viết bài cùng nhau, giúp anh học hỏi được rất nhiều từ bạn bè đồng nghiệp. Hơn nữa việc viết nhiều bài trong một lĩnh vực cũng đỡ tốn thời gian hơn, vì các nghiên cứu thường liên quan đến nhau. Ngoài việc giảng dạy, kinh nghiệm tư vấn cho các cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế cũng rất hữu ích, nên Cường có thể cố gắng để kết hợp hai việc lại với nhau.

Là thành viên của hội đồng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia – Nafosted, hoạt động nhiều năm trong môi trường học thuật của Việt Nam, từ trường đại học cho đến các viện nghiên cứu, TS. Cường quan sát thấy việc nghiên cứu khoa học trước đây chưa được chú trọng nhiều. Gần đây, hoạt động này được quan tâm nhiều hơn thì bản thân anh cũng như nhiều đồng nghiệp ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn so với các nhà kinh tế khác ở nước ngoài.

Khó khăn đầu tiên là các nhà nghiên cứu ở Việt Nam ít có điều kiện tập trung hoàn toàn vào nghiên cứu. Một số người chú trọng vào công việc giảng dạy, một số người lại thiên về mảng tư vấn khách hàng hơn.

Khó khăn thứ hai là cộng đồng nghiên cứu chưa phát triển mạnh. Ví dụ cách đây 10 năm khi làm nghiên cứu xong cũng chưa có nhiều người để trao đổi thảo luận.

Khó khăn thứ ba là tiếp cận tài liệu, cũng như dữ liệu. Có rất nhiều trường hợp kết quả không thể đáp ứng được câu hỏi nghiên cứu do hạn chế về số liệu. “Chính vì thế mà trong rất nhiều công trình đã làm thì tôi chưa thực sự hài lòng cái nào, cảm tưởng như nó chỉ đạt vừa đủ”, TS. Cường nói khi được hỏi về công trình tâm đắc nhất.

Anh cũng chia sẻ một nghiên cứu mới nhất của mình chuẩn bị được xuất bản về một chủ đề khá thú vị. Nghiên cứu này chỉ ra rằng những đứa trẻ sinh ra trước hôn nhân, so với anh chị em của nó sinh ra sau khi kết hôn thì kém hơn rất nhiều về cả học vấn, sức khỏe, và việc làm. Kết quả này đều cho thấy ở các nước phát triển như Mỹ, các nước châu Âu, hay đang phát triển như Việt Nam.

Dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics ─ Báo cáo Nghiên cứu về Kinh tế học) là nỗ lực hợp tác của hàng trăm tình nguyện viên tới từ hơn 80 quốc gia trên thế giới nhằm tăng cường phổ biến nghiên cứu về kinh tế học và các ngành khoa học liên quan.

RePec xếp hạng các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và các nhà nghiên cứu về kinh tế trên thế giới, có đăng ký vào cơ sở dữ liệu của RePeC. Việc xếp hạng được căn cứ vào rất nhiều chỉ tiêu khác nhau. Đối với các nhà nghiên cứu có khoảng 30 chỉ tiêu, như số lượng bài, số lần được các bài báo và tạp chí khoa học khác trích dẫn, mức độ ảnh hưởng….

Federico Fubini, nhà kinh tế học, Phó tổng biên tập của nhật báo Corriere della Sera (Ý) so sánh Bảng xếp hạng của RePec “gần giống cách xếp hạng của ATP đối với những vận động viên quần vợt chuyên nghiệp“. Nhật báo Corriere della Sera (Ý) ra đời từ năm 1876, có lượng xuất bản khoảng hơn 400.000 tờ mỗi ngày.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top