Aa

Cháy ở chung cư: Đơn vị quản lý cũng đau đầu

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 26/09/2017 - 06:10

Sau nhiều vụ cháy ở các tòa nhà cao tầng, không chỉ cư dân chung cư phải lo lắng mà ngay cả các đơn vị quản lý tòa nhà cũng thường rơi vào nhiều trường hợp khốn khổ đến dở khóc dở cười.

Câu chuyện cháy ở chung cư đã trở thành nỗi khiếp đảm của không chỉ cư dân các tòa nhà chung cư, mà còn trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xảy ra cháy, như chập cháy đường điện, ổ điện... nhưng trong đó còn có cả nguyên nhân bởi sự vô ý của cư dân sinh sống trong tòa nhà. Ngoài ra, việc hệ thống báo cháy không hoạt động, lỗi kỹ thuật, công tác phòng cháy chữa cháy chưa đảm bảo cũng khiến các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng hơn. Trước những bức xúc của cư dân, nhiều khi nỗi khổ của Ban quản lý tòa nhà cũng bị bỏ quên.

Mới đây, các thành viên CLB Quản lý tòa nhà Hà Nội đã tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên đề “Xử lý một số tình huống về phòng cháy chữa cháy trong vận hành tòa nhà”, trong đó đưa ra các tình huống thực tế mà họ đã gặp và xử lý tại các tòa nhà cao tầng.

Báo cháy giả, lỗi do... nhỡ tay

Hiện nay, hầu hết mỗi tầng của chung cư đều được lắp đặt hệ thống báo cháy, thậm chí ở những chung cư cao cấp trong từng căn hộ cũng có nút bấm chuông báo cháy. Tuy nhiên, những nút bấm chuông báo cháy được lắp đặt ở vị trí khá thấp, trẻ nhỏ nghịch ngợm rất dễ dàng đưa tay bấm. Đặc biệt, ở các tòa nhà có tầng đế là trung tâm thương mại, khách rất đông, trẻ nhỏ nghịch ngơm nhiều, các tình huống cháy giả cũng diễn ra khá thường xuyên làm đau đầu Ban quản lý (BQL).

Ngoài ra, đôi khi nhỡ tay thì người lớn cũng vô tình kích hoạt hệ thống báo cháy. Điều đó khiến cho hàng nghìn cư dân trong các căn hộ lo sợ hoảng loạn vì tiếng chuông.

Cư dân thì thấp thỏm lo lắng, còn đơn vị quản lý tòa nhà tâm niệm “giết nhầm hơn bỏ sót” nên cứ có chuông báo cháy là sẽ tiến hành kiểm tra. Từ đó lại xảy ra câu chuyện, nếu chuông báo cháy là giả được cảnh báo nhiều lần thì lâu dần cư dân chủ quan mà không có biện pháp phòng tránh kịp thời.

Một đơn vị quản lý tòa nhà chia sẻ, ở trong một tòa nhà chung cư thì đa số là báo cháy giả. Nếu có cháy nhỏ thì ban quản lý hoàn toàn có thể xử lý được vì đã trải qua tập huấn phòng cháy chữa cháy. Thực tế là có khi trong quá trình đun nấu, khói bốc lên cũng kích hoạt hệ thống báo cháy. Cách giải quyết là ban quản lý báo chủ nhà tắt bếp và mở cửa thông thoáng.

Chia sẻ về phương án tránh báo cháy giả cho tòa nhà để cư dân an tâm hơn mà vẫn hoàn thiện xây dựng thì đơn vị quản lý này cho hay họ không cho bảo vệ trực mà để kỹ thuật trực ở các phòng trung tâm. Bên cạnh đó chỉ thiết kế để báo cháy rung chuông tủ trung tâm quan sát chứ không rung chuông cả tòa nhà để không làm ảnh hưởng đến cư dân.

Cháy ở chung cư trở thành nỗi lo thường trực

Cháy ở chung cư là nỗi lo thường trực của cư dân cũng như BQL tòa nhà

Khi kỹ thuật phát hiện tín hiệu báo cháy thì cho bảo vệ kiểm tra ngay địa chỉ báo cháy đó đồng thời cũng kiểm tra camera tầng để xem có hiện tượng lạ không. Nếu đó là báo cháy thật thì lúc này hệ thống báo cháy cả tòa nhà được kích hoạt. Giải pháp này giảm thiếu rất nhiều phiền phức cho đơn vị quản lý tòa nhà cũng như để tránh cho việc cư dân lo lắng, đặt câu hỏi hỏi tại sao chuông báo cháy luôn kêu.

Đối với những tòa nhà hiện đại thì yêu cầu phòng cháy rất cao. Thế nên khi có một đầu báo cháy thì tất cả các điểm báo trong tòa nhà sẽ đồng loạt kêu. Bởi vậy, điều đầu tiên mà BQL tòa nhà nào cũng làm là chưa cần biết cháy thật hay cháy giả đều phải kịp thời đến kiểm tra, xử lý theo quy trình để nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng do cháy.

Cháy khi mất nước, trách nhiệm của BQL đến đâu?

Tại sinh hoạt chuyên đề này, ông Trần Khánh chủ nhiệm CLB đưa câu chuyện vừa qua trường hợp mất nước tại một số tòa nhà chung cư Linh Đàm kéo dài, BQL chung cư khắc phục bằng cách cấp nước... cứu hoả cho người dân dùng tạm. Trong trường hợp nếu chẳng may xảy ra tình huống cháy thì lấy nước xử lý ở đâu, hay dùng cách nào để phòng cháy?

Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Công ty Cleve chia sẻ: “Thứ nhất phải hiểu rõ là bất kì tòa nhà nào thì hai hệ thống bể chứa nước phòng cháy và bể chứa nước sinh hoạt là khác nhau và tách biệt. Theo luật và theo cơ chế vận hành thì không được lấy nước từ bể chứa nước phòng cháy sang phòng sinh hoạt. Thế nên khi xảy ra cháy mà không có nước thì lúc đó phải xem đến công tác quản lý. Bởi nước được cấp ngay từ đầu vào khi nghiệm thu tòa nhà, nếu không dùng hoặc một năm tập huấn phòng cháy chữa cháy thì sau đó phải bơm nước vào đầy đủ, về nguyên lý là bể không bao giờ mất nước.

Thực ra, chuyện để chung bể như thế thì ngay từ đầu chủ đầu tư đã sai. Lúc này lỗi không phải ở BQL tòa nhà mà BQL chỉ có thể kiến nghị lên ban quản trị, chủ đầu tư để làm tìm cách khắc phục như xây ngăn bể hoặc tách phần bể ra. Chắc chắn không thể nào để chung như thế được”.

CLB

CLB Quản lý tòa nhà Hà Nội thường xuyên tổ chức các chuyên đề hội thảo liên quan đến quản lý vận hành tòa nhà, chung cư cao tầng

Cùng ý kiến, đại diện Công ty quản lý BĐS Đất Việt cho rằng, bể chứa nước hiện nay là có hai bể riêng biệt, song phần lớn các chủ đầu tư tiết kiệm xây dựng chỉ xây một bể và sử dụng hai mức nước khác nhau. Ví dụ như mức nước trên 1m để cho sinh hoạt và dưới 1 m thì để cứu hỏa.

“Trong trường hợp hai bể riêng biệt thì chuyện mất nước khi cứu hỏa là khó xảy ra nhưng trong trường hợp mà dùng chung thì hàng năm vẫn có những giai đoạn thau bể. Chính trong giai đoạn này trách nhiệm của BQL tòa nhà là phải có cảnh báo đến cư dân cũng như truyền đạt thông tin đến cảnh sát phòng cháy chữa cháy là ngày tháng năm này chúng tôi thau bể, hết nước nên không đủ sức phòng cháy chữa cháy đề nghị các anh lưu ý hỗ trợ”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Đa số các đơn vị quản lý tòa nhà chia sẻ rằng khi bắt đầu làm việc với nhà thầu để lắp đặt hệ thống báo cháy, BQL cũng yêu cầu chủ đầu tư rằng họ sẽ kiểm tra từng đầu báo cháy, phải đúng các chỗ lắp đặt báo hệ thống báo cháy thì mới nghiệm thu. Có như vậy thì sau này vận hành mới thuận lợi. 

“Tuy nhiên, cái khó nhất ở trong một tòa nhà ở góc độ quản lý và vận hành là liên quan đến vấn đề chế tài xử lý. Chỉ nhắc nhở cư dân thôi là chưa được mà phải phạt. Theo đó, BQL cùng với Ban quản trị phải cùng thống nhất để đưa ra được mức phạt chứ nếu để ai đó “ngứa tay” bấm nút cháy là rất mệt vì phải xử lý vấn đề hệ thống rất tốn kém tiền bạc, công sức và thời gian”, ông Lê Quốc Huy, công ty Tây Hà nhận định.  

Câu lạc bộ Quản lý Tòa nhà Hà Nội được thành lập vào 18/02/2017. Đây là tổ chức phi lợi nhuận, tập hợp các tổ chức, cá nhân tại địa bàn Thành phố Hà Nội đang làm việc trong lĩnh vực quản lý vận hành tòa nhà.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top