Aa

Chỉ khoảng 60% học sinh Hà Nội “có suất” vào lớp 10 trường công

Thứ Năm, 11/10/2018 - 10:15

Năm học 2019-2020, cuộc đua vào lớp 10 trường THPT công lập được dự báo cũng hết sức căng thẳng, bởi ngoài nâng môn thi lên gấp đôi so với năm trước, sẽ có khoảng 4 vạn học sinh tốt nghiệp THCS sẽ phải học trường dân lập, hệ bổ túc hoặc trường nghề nếu thi trượt.

Khoảng 4 vạn học sinh học dân lập, trường nghề

Ngày 10/10, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5417/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020. Dự kiến năm học 2019-2020, Hà Nội có 101.460 học sinh xét tốt nghiệp THCS, giảm khoảng 4.000 em so với năm ngoái. Sẽ có khoảng 60-62% học sinh (khoảng hơn 60.000 em) xét tuyển vào trường THPT công lập. Còn lại (khoảng 40.000 học sinh), 20% tuyển vào trường THPT tư thục, 10% tuyển vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên và từ 8-10% tham gia học nghề.

Đối với tuyển sinh lớp 10 THPT không chuyên sẽ thực hiện thi tuyển 4 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4 là một trong các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lí. Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS. Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Đề thi Ngoại ngữ và môn thi thứ tư chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng cấp độ thấp.

 Kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020 tại Hà Nội chỉ có 60 - 62% chỉ tiêu vào trường THPT công lập. Ảnh minh họa: Q.A

Kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020 tại Hà Nội chỉ có 60 - 62% chỉ tiêu vào trường THPT công lập. Ảnh minh họa: Q.A

Trước thông tin ở kỳ tuyển sinh năm 2019, số môn thi được nâng lên 4 môn và sẽ chỉ có khoảng 62% trong số hơn 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS được trúng tuyển vào lớp 10 THPT trường công lập, còn lại khoảng 40.000 học sinh sẽ phải học trường dân lập, hệ GDTX và trường nghề khiến các bậc phụ huynh có con đang học lớp 9 tại Hà Nội hết sức lo lắng. Không lo sao được, bởi nếu không chịu khó ôn tập, hay đăng ký trường vừa sức vẫn có thể bị trượt khỏi trường công lập, ngậm ngùi học trường ngoài công lập giống như lứa “Dê vàng” trong kỳ thi vừa qua.

Lo lắng cho chuyện thi cử sắp tới của con, chị Mỹ Hạnh (chung cư Numberone) chia sẻ: “Cứ nghĩ con chỉ thi môn Toán và Ngữ văn như các năm trước nên gia đình có định hướng tập trung nhiều vào môn này. Giờ các môn thi tăng lên 4 môn, trong đó môn thi thứ 4 sẽ chỉ được công bố vào thời điểm cuối tháng 3/2019 cũng khiến phụ huynh, học sinh bị động. Ngoài bố trí học ôn tăng cường môn Ngoại ngữ còn phải học đều các môn còn lại. Chỉ tiêu trường công lập chỉ đáp ứng khoảng 62% số học sinh dự tuyển cũng là một sức ép không nhỏ đối với phụ huynh và học sinh”.

Cần có “chiến thuật” ôn tập hợp lý

Liên quan tới tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019-2020, phụ huynh và học sinh tại Hà Nội cần lưu ý tới những quy định mới. Cụ thể, bài thi môn Toán và Ngữ văn làm bài theo hình thức tự luận, thời gian 120 phút/bài thi. Bài thi môn Ngoại ngữ theo hình thức kết hợp trắc nghiệm và tự luận, thời gian làm bài 60 phút. Có nhiều mã đề thi trong một phòng thi, thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính. Điểm xét tuyển bao gồm: Điểm Toán, Ngữ văn (nhân hệ số 2) + Điểm thi môn Ngoại ngữ + Điểm thi môn thứ tư + Điểm cộng thêm. Trong đó, bài thi của các môn tính theo thang điểm 10.

Mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh, không kể nguyện vọng vào các lớp chuyên của các Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây. Ngoài ra, học sinh có thể dự tuyển tại các trường THPT ngoài công lập hoặc các Trung tâm GDTX bằng phương thức xét tuyển. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nghiêm cấm các trường không được vận động học sinh có học lực yếu không đăng ký dự thi vào lớp 10.

Nhận xét về kế hoạch tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội vào năm học 2019 - 2020, thầy Vũ Khắc Ngọc, Giáo viên THPT tại Hà Nội cho biết, kỳ thi áp dụng 4 môn thi, trong đó cuối tháng 3 công bố môn thứ tư là khá phù hợp, nhằm giảm tình trạng học tủ, học lệch như trước đây. Ngoài ra, các kỳ tuyển sinh trước đây có yếu tố cộng điểm học sinh giỏi, học sinh tiên tiến qua các năm khiến xảy ra tình trạng nâng điểm, sửa điểm để được cộng điểm vào kỳ thi lớp 10. Đối với thi thêm môn Ngoại ngữ, học sinh ở Hà Nội có điều kiện tiếp cận với Ngoại ngữ tốt hơn so với các địa phương khác, nên đưa Ngoại ngữ vào thi là điều cần thiết.

Đưa ra lời khuyên cho phụ huynh và học sinh, thầy Vũ Khắc Ngọc chia sẻ: “Học sinh cần phải tập trung ôn chắc Toán, Văn, Ngoại ngữ trước nhưng đồng thời vẫn phải duy trì các môn học còn lại ở mức độ đủ tốt để sau khi công bố môn thi thứ 4 thì có thể bắt nhịp được ngay mà không gặp khó khăn quá. Tuy nhiên, không nên lao vào ôn thi nhiều vì chưa biết môn thi thứ 4 là gì, nếu ôn thi nhiều môn cùng lúc áp lực càng tăng lên. Đối với việc lựa chọn trường, phụ huynh, học sinh nên ngồi lại với nhau, cùng với thầy cô, đánh giá đúng mức năng lực của học sinh nằm ở đâu, rồi lên kế hoạch để đạt được mục tiêu sao cho vừa sức chứ không phải gồng mình cầu may với lựa chọn quá sức”.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở sẽ công bố chọn bài thi môn thứ 4 vào tháng 3/2019. Đối với lớp 10 THPT hệ không chuyên, thời gian tổ chức thi dự kiến trong hai ngày 2 và 3/6/2019. Ngày 2/6, các thí sinh làm bài thi môn Ngữ văn (buổi sáng) và Toán (buổi chiều). Trong sáng 3/6, thí sinh làm bài thi môn Ngoại ngữ và môn thứ 4. Đối với thí sinh đăng ký hệ chuyên, ngoài thi các môn của kỳ thi vào lớp 10 hệ không chuyên sẽ làm thi thêm môn chuyên vào chiều 3/6 và sáng 4/6.

Quang Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top