Aa

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia: Kết quả không mong muốn

Thứ Sáu, 03/01/2020 - 13:30

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã chạm mốc nhưng đến thời điểm hiện tại việc phát triển nhà ở xã hội mới đạt gần 40% so với mục tiêu đề ra.

Khoảng 70% người dân thành thị không thể mua nhà tại những dự án nhà ở thương mại có chất lượng vào hàng tối thiểu

Trong cuộc trò chuyện mới đây, Bộ trưởng Xây dựng thừa nhận, trong số 08 chỉ tiêu được giao của Bộ Xây dựng năm 2019, chỉ có 01 chỉ tiêu “Nhà ở xã hội” không đạt.

Kết quả không mong muốn

Cụ thể: Tổng diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 50 triệu m2 sàn, trong đó nhà xã hội có 4.110 căn với tổng diện tích 205.000m2 sàn (chỉ tiêu kế hoạch là 50.000 căn với tổng diện tích 2.500.000m2 sàn).

Nhà ở xã hội phát triển chậm, số lượng dự án đưa vào sử dụng năm 2019 rất ít. Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn (chưa có nguồn vốn bố trí cấp bù lãi suất cho vay cho 04 ngân hàng thương mại phụ trách cho vay nhà ở xã hội).

“Bộ Xây dựng vẫn đang tích cực tham mưu, báo cáo Chính phủ để tháo gỡ vấn đề này nhưng kết quả chưa như mong muốn” – Bộ trưởng thừa nhận.

Được biết, nhu cầu nhà ở xã hội của cả nước trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 là khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP.HCM cần khoảng 134.000 căn, Hà Nội cần khoảng 110.000 căn, Bình Dương cần 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn và Đà Nẵng 11.500 căn...

Sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc vào cuối năm 2016, Chính phủ đã ban hành một gói tín dụng mới giai đoạn 2018 - 2020 là 1.262 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ đáp ứng 13% nhu cầu.

Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu cho thấy, dù áp đảo về tổng nhu cầu thị trường nhưng năm 2019, nguồn cung của phân khúc nhà giá rẻ chỉ chiếm tỷ trọng dưới 30%. Loại căn hộ có diện tích 60m2 và giá bán tầm 700 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 5%. Và khoảng 70% người dân thành thị không thể mua nhà tại những dự án nhà ở thương mại có chất lượng vào hàng tối thiểu và có giá bán thấp nhất trên thị trường.

Ðáng lưu ý là chương trình phát triển nhà ở xã hội đã được nâng lên thành luật, không còn dừng ở các quyết định, nghị định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định rõ các cơ chế hỗ trợ, cũng như nguồn lực hỗ trợ hàng năm hoặc theo giai đoạn. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai lại không suôn sẻ.

Gỡ khó khăn, vướng mắc

Là một trong những doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành chỉ rõ, thủ tục xin đầu tư dự án nhà ở xã hội khó hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Đây là một nghịch lý đang tồn tại.

Cái khó thứ hai về dân số. Nhà ở xã hội có diện tích nhỏ hơn so với nhà thương mại, khi quy hoạch thì số lượng căn hộ nhiều hơn so với số lượng cư dân quy hoạch. Mặt khác, dự án nhà ở xã hội phải cùng Nhà nước làm hạ tầng, trong khi nhà thương mại không phải tham gia.

Ngoài những khó khăn trên, các doanh nghiệp đầu tư còn gặp khó về nguồn vốn vay. Cụ thể, các dự án vay tiền quỹ nhà ở xã hội từ năm 2016 - 2020 nhưng đến nay đã gần hết năm 2019 vẫn chưa được giải quyết. Mà đã không vay được tiền thì doanh nghiệp không thể đầu tư xây dựng.

Trước thực tế đó, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước nên giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp nhanh chóng nhất có thể, đồng thời cần có cơ chế riêng cho nhà ở xã hội để khuyến khích đầu tư. Bên cạnh đó, cần cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng về lâu dài cần có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo quy định của luật Nhà ở. Trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê, tương tự như Nghị quyết 02 của Chính phủ trước đây, để làm giảm giá thành nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Xây dựng khẳng định, năm 2020, Bộ Xây dựng tiếp tục đôn đốc, triển khai Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đồng thời triển khai có hiệu quả các Chương trình, chính sách về nhà ở.

Phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, cơ chế chính sách các chương trình hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách. “Đặc biệt, sẽ dành đủ đất, có quy hoạch, có chính sách khuyến khích để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội” – Bộ trưởng khẳng định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top