Aa

Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng kiểm soát chất lượng tín dụng

Thứ Sáu, 12/04/2019 - 07:02

Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ vừa được Thủ tướng ký ban hành...

Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2019; tập trung tháo gỡ sản xuất kinh doanh; quan tâm giải quyết toàn diện các vấn đề xã hội, đặc biệt là văn hóa ứng xử, đạo đức…

Yêu cầu trên được đề cập trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ vừa được Thủ tướng ký ban hành.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, đồng thời phải kiểm soát chất lượng tín dụng, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên.

Ngành ngân hàng được yêu cầu kiểm soát chất lượng tín dụng, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên.

Ngành ngân hàng được yêu cầu kiểm soát chất lượng tín dụng, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên.

Ngành ngân hàng cũng phải tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, góp phần hạn chế tín dụng đen; đẩy mạnh cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Hoàn thiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Đối với Bộ Tài chính, Chính phủ yêu cầu cơ quan này thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước, cơ cấu lại ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch, lộ trình đề ra.

Đồng thời đánh giá cụ thể các chính sách thuế, xem xét khả năng mở rộng cơ sở thuế phù hợp với yêu cầu thực tế; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách thuế, tạo đồng thuận; tích cực triển khai hóa đơn điện tử; quản lý, chống thất thu thuế, nhất là trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Đáng chú ý, tại nghị quyết Chính phủ cũng nêu ra 6 giải pháp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; Tăng cường tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm nhập siêu; Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh…, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công…

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương cập nhật kịch bản tăng trưởng quý 2, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2019 để các bộ, ngành, địa phương có giải pháp điều hành phù hợp; khẩn trương hoàn thiện Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030...

Các bộ, cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, công trình trọng điểm, có quy mô lớn, tạo sức lan tỏa để đóng góp cho tăng trưởng. Các bộ, cơ quan lập danh mục dự án đầu tư công thuộc lĩnh vực quản lý, phân công lãnh đạo bộ, cơ quan phụ trách đôn đốc triển khai dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực quản lý.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện cơ cấu tổ chức, triển khai tích cực các chức năng, nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, xử lý các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; tập trung cơ cấu lại toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Nghị quyết cũng đề cập và yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản, nhất là ở các thị trường lớn; tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp quy mô lớn, đóng vai trò động lực tăng trưởng; tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các dự án thua lỗ, yếu kém đi vào hoạt động;

Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại công việc, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai, thi công các dự án, công trình hạ tầng giao thông quan trọng để sớm đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc thu phí không dừng…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top