Aa

Chính sách tài khóa: Vừa thủ vừa công

Thứ Bảy, 02/01/2021 - 15:00

“Khôi phục dư địa tài khóa” là một trong những cụm từ mà WB dùng để khuyến nghị chính sách, đặt trong dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ổn định ở mức 6,5% năm 2021.

Mũi nhọn công phá

Một trong những trụ đỡ để kinh tế Việt Nam giữ được tăng trưởng dương trong bối cảnh nhiều nền kinh tế trên toàn cầu suy thoái năm 2020, là cùng với kiểm soát COVID-19, Chính phủ đã sử dụng nhuần nhuyễn các chính sách hỗ trợ từ tài khóa đến tiền tệ.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright, nhận định với dư địa tài khóa tích cực nhờ đã được tích lũy suốt 3 năm qua, Chính phủ đã “xoay chiều” định hướng, chấp nhận bội chi, tăng tỷ lệ nợ công/GDP, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng… Đây là những chủ trương đúng đắn, phù hợp cả lý thuyết lẫn thực tiễn.

Dư địa tài khóa bị thu hẹp trong những quý gần đây do các biện pháp tài khóa nhằm ứng phó COVID-19. Nguồn: Bộ Tài chính

Các biện pháp nói trên đã thúc đẩy đầu tư công đạt giải ngân với ước thanh toán đạt trên 336.000 tỷ đồng trong 11 tháng 2020, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất trong suốt 1 thập niên “ì ạch” đã qua.

Chính phủ cũng đã tăng chi mạnh mẽ cho các gói hỗ trợ với quy mô ước tương đương 10% GDP. Như vậy, chi tiêu công, bao gồm đầu tư công, được coi là mũi nhọn công phá, mang lại “hiệu ứng số nhân” cho GDP của Việt Nam.

Theo WB, khi tăng trưởng kinh tế dần quay lại tốc độ cao hơn nhờ các hoạt động của khu vực tư nhân được đẩy mạnh và nhờ kinh tế đối ngoại tiếp tục phát triển, Chính phủ sẽ có khả năng quay lại lộ trình củng cố tình hình tài khóa trong những năm tới. Cùng với đó là giảm bội chi ngân sách, sử dụng nguồn thu hiệu quả để đáp ứng nhu cầu dự kiến tăng lên cho các công trình hạ tầng và các dịch vụ xã hội có chất lượng cao mà nền kinh tế cần có trong thập kỷ tới, áp dụng cơ chế hợp tác công tư để nâng cao thu hút vốn và chất lượng dự án đầu tư…
Đo đếm liều lượng phù hợp

Với nhiều biện pháp đưa ra đã thúc đẩy đầu tư công đạt giải ngân với ước thanh toán đạt trên 336.000 tỷ đồng trong 11 tháng 2020.

Khuyến nghị nói trên của WB hàm nghĩa rằng việc “thả lỏng” không thể là chính sách duy trì tới trung hạn. Một gói hỗ trợ hay “siêu nới lỏng định lượng” như kế hoạch đã được đề ra, có thể sẽ được cân nhắc kỹ càng và đo đếm “liều lượng” phù hợp hơn. Cũng như các dự án đầu tư công, như đã được khuyến nghị nhiều lần, vẫn cần được xem xét để ưu tiên trọng điểm cho những dự án có ICOR thấp, giá trị lan tỏa cao.

Trong nhóm các giải pháp khẩn cấp kiến nghị lên Chính phủ tại Diễn đàn VBF cuối năm 2020, VCCI đã đề xuất những nội dung về cơ sở hạ tầng rất đáng được chú ý bao gồm: Tập trung triển khai hiệu quả Luật PPP và Luật Đầu tư công với ưu tiên cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông và các dự án đang triển khai dở dang; Triển khai ngay một nghiên cứu nhận diện các đường giao thông cần thiết kết nối các khu vực sản xuất trọng điểm (nông nghiệp, công nghiệp) đến các cửa khẩu quốc tế.

Trên cơ sở đó, có Chương trình đầu tư, nâng cấp các hệ thống được nhận diện này. Ở các cửa khẩu quốc tế trọng điểm, đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống logistics cần thiết, đặc biệt đối với các cửa khẩu đầu mối cho các hàng hóa đặc thù...

Đây là những giải pháp vừa có tính tổng quát và “trùng khít” một phần khuyến nghị của WB trong thu hút đầu tư công tư theo Luật mới, với các dự án quan trọng. Mặt khác, điều đó góp sức thúc đẩy tái quy hoạch để hoàn bị “con đường tơ lụa” hạ tầng hỗ trợ thương mại nội địa và quốc tế, cũng như đón xu thế cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu trên bản đồ giao thương thời bình thường mới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top