Aa

Đầu năm đi chợ âm dương

Chủ Nhật, 21/02/2021 - 09:00

Các bạn sẽ thấy mình như trôi trong cái không khí đêm Kinh Bắc huyền diệu. Sẽ thấy văng vẳng trong không gian huyễn hoặc như gần như xa, tiếng người âm người dương đang thì thào bán mua, gặp gỡ bày tỏ nỗi lòng chín

Mùng 4 tết hàng năm, dân vùng Kinh Bắc xưa thường rủ nhau đi chợ âm dương. Để mua may bán rủi. Nghe nói thời xa xưa thì cả vùng có khá nhiều nơi họp phiên chợ này. Nhưng đến khi tôi lớn lên chỉ còn nghe các cụ nói về hai phiên chợ âm dương tối ngày mùng 4, rạng ngày mùng 5 tết là ở làng Xuân Ổ (tên nôm là làng Ó) trên Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Và ở làng Mão Điền (tên nôm là làng Chằm) dưới Thuận Thành. Cũng có người kể là trên chợ Mọc, Tân Yên có phiên chợ này. Nhưng hồi tôi đóng quân huấn luyện tân binh mới ở đó, nghe kể là chợ mới bắt đầu từ thời cụ Đề Thám nên có lẽ không tính là chợ âm dương: nơi gặp gỡ bán mua giữa người âm và người dương. Chợ Mọc có lẽ hình thành do điều kiện chiến tranh gì đó mà thôi.

Nhưng thực ra hai chợ âm dương nổi tiếng nhất ở vùng Kinh Bắc là chợ Ó và chợ Chằm cũng xuất phát từ điển tích chiến tranh: nơi họp chợ vốn là những bãi chiến trường khốc liệt xưa. Nơi có quá nhiều sinh linh đã bỏ mình thành những hồn ma oan uổng, không siêu thoát được, vật vờ lang thang trên đất này, hay hiện hình lên trêu chọc quấy quả người dương…

Chợ âm dương ở Bắc Ninh (Ảnh sưu tầm)

Để cho các hồn ma đó được chút gì an ủi, thỏa nguyện vấn vương trần thế mà để cho dương gian yên ả làm ăn, hàng năm người ta tổ chức ra một phiên chợ âm dương bắt đầu vào nhập nhoạng tối mùng 4 rạng ngày mùng 5 tháng giêng thì tan. Tại phiên chợ đó, người âm và người dương mua bán trao đổi với nhau, tiền âm tiền dương tiêu lẫn lộn. Người dương kẻ âm có dịp gặp nhau cho thỏa cả năm âm dương cách biệt nhớ nhung. Tất cả phiên chợ diễn ra trong âm thầm, thì thào bán mua, không mặc cả, không ánh đèn…

Món đặc sản nhất của chợ Ó phiên âm dương là gà đen. Có lẽ vì thế mà làng Xuân Ổ có tên là làng Ó (Ó, có nghĩa là đen!). Dân làng Ó đi chợ âm dương, mua con gà đen về để chuẩn bị cỗ làm lễ tế thành hoàng vào dịp hội làng sắp tới. Còn phiên chợ âm dương của làng Mão Điền thì nghe nói bán mua đủ thứ. Nhưng cũng giống như trên làng Ó, phiên chợ diễn ra trong bóng tối mờ ảo của trời đêm, bán mua thì thào không mặc cả. Mua gì cũng được. Giá cả bao nhiêu cũng ừ. Mua phải đồ đắt, bán nhận được tiền âm cũng không sao, càng mừng vì đấy là đã làm phúc cho người âm, tích đức cho mình.

Chợ âm dương thường bắt đầu họp lúc nhập nhoạng tối, mua bán đông vào lúc đêm. Và tan vào lúc bắt đầu sang ngày mới, khi các hồn ma sắp phải về âm phủ. Nhưng ở làng Ó khi xưa, lúc ấy các canh quan họ mới bắt đầu. Khách quan họ đi chợ âm dương xong, làm quen với các chàng trai cô gái làng Ó, được các liền anh liền chị trong làng mời về nhà thết đãi. Người quan họ vốn thực lòng hiếu khách, khách đến chơi nhà đầu năm càng đông, gia chủ càng nhiều lộc. Mâm cơm rượu quan họ dành thết đãi khách đến chơi nhà luôn sẵn sàng. Gọi là đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa dưa nhưng bao giờ cũng có đủ món cơm gà cá gỡ, bày đĩa bát đàn. Nhưng họ chủ yếu là hát. Hát thâu đêm suốt sáng tình tứ lả lơi đối đáp nhau. Hát trong nhà. Hát ngoài bãi sông Tiêu Tương. Dập dìu từng đôi, từng tốp dùng dằng tiễn nhau cả canh giờ không dứt nổi nón thúng quai thao, người ơi người ở đừng về…

Đấy là trên làng Ó, còn dưới Mão Điền không có tục hát quan họ, người ta chỉ mời khách về nhà nhắm rượu, ăn cỗ mừng xuân, mừng gia chủ năm mới làm ăn thuận lợi phát tài. Làng Mão Điền xưa có nghề nấu rượu nên rượu Mão Điền có tiếng ngon. Nhưng cỗ làng này mới nổi tiếng kia. Cỗ làng Mão Điền dứt khoát là phải ngồi bốn, “trà tam tửu tứ”, chỉ bốn cụ ngồi một mâm nó mới cân và đăng đối, rượu mới vào nhời hay ý đẹp mới ra. Đất văn học là nó phải vậy! Các món cỗ của làng Mão Điền kể ra không hết, kẻ này đã đi ăn cỗ Mão Điền từ bé nhưng cũng chẳng nhớ nổi có những món gì, bao nhiêu bát bao đĩa, xếp mấy tầng. Nhưng có hai món nhớ rất rõ là món nhắm rượu: tôm đồng kẹp thịt mỡ gáy lợn cuốn rau răm, hành củ, chấm mắm chanh ớt.

Chợ âm dương thường bắt đầu họp lúc nhập nhoạng tối, mua bán đông vào lúc đêm. (Ảnh sưu tầm)

Phải thật tao nhã mới thưởng thức được món này. Kẻ phàm phu tục tử ăn thùng uống vại sẽ không bao giờ biết được cái vị ngọt của tôm đồng, vị béo của mỡ lợn hòa quện với mùi thơm của hành răm nó nồng nàn trong khoang miệng thế nào đâu. Nhai kỹ, nuốt xong, nhấp một ngụm rượu quê nấu bằng gạo. Thấy như cả khí xuân trời đất lan tỏa trong từng đường gân thớ thịt. Món thứ hai tôi nhớ rõ vị của nó là món tráng miệng bằng chè hoa cau. Sau khi xơi đủ cao lương mĩ vị, gà lợn cá chim, rượu vừa tới tầm, mời quan bác xơi bát chè hoa cau nấu bằng xôi nếp đỗ xanh và bột sắn dây ướp thêm chút hương bưởi. Thơm mát đến tận lục phủ ngũ tạng. Tỉnh hẳn ra.

Ngày nay, làng Ó - Xuân Ổ đã thành phường thuộc thành phố Bắc Ninh, sông Tiêu Tương huyền thoại xưa đã mất dòng. Làng Mão Điền thì cũng gần như thành đô thị, chả còn mấy hình bóng của làng Kinh Bắc xưa trong câu thơ của nhà thơ Nguyễn Phan Hách, người làng này. Chợ Ó không còn phiên âm dương. Chợ Chằm cũng bỏ tục họp đêm mùng 4 tháng giêng từ lâu. Thế nhưng mùa xuân vừa tới, khi đất trời đang chuyển mình trong một vòng xoay bất tận, luân hồi của vũ trụ. Sao các bạn không dành chút thời gian về lại làng Ó rồi qua làng Chằm. Đi lan man trên triền đê sông Đuống, sông Cầu trong đêm tĩnh lặng. Để cảm nhận hơi mát của mưa mùa xuân đang bay bay. Các bạn sẽ thấy mình như trôi trong cái không khí đêm Kinh Bắc huyền diệu. Sẽ thấy văng vẳng trong không gian huyễn hoặc như gần như xa, tiếng người âm người dương đang thì thào bán mua, gặp gỡ bày tỏ nỗi lòng chín nhớ mười nhung…  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top