Aa

Chờ bộ chứng chỉ đánh giá công trình xanh “made in Vietnam”

Thứ Tư, 25/01/2017 - 23:00

Công trình xanh và Kiến trúc xanh là hai khái niệm khác nhau, không hoàn toàn đồng nhất. Hiện thế giới có nhiều bộ chứng chỉ đánh giá công trình xanh mà Việt Nam đang áp dụng theo. Chúng ta vẫn đang chờ những tiêu chí Công trình xanh “made in Vietnam”.

Công trình xanh trong kiến trúc xanh

Khái niệm Kiến trúc xanh, Công trình xanh đang ngày càng trở nên quen thuộc trong lĩnh vực bất động sản. Khác với sự nhầm lẫn của nhiều người, phát triển công trình xanh và kiến trúc xanh thực ra là 2 câu chuyện khác nhau. Công trình xanh là phạm trù nhỏ hơn kiến trúc xanh

Khái niệm Công trình Xanh do Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ – gọi tắt là USGBC đưa ra, nhằm nói đến những công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên.

Và theo Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC), một công trình xây dựng được gọi là xanh khi đạt những tiêu chí sau:

  • Sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một các một cách hiệu quả
  • Bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động
  • Giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường

Việt Nam hiện có 42 công trình được cấp chứng nhận xanh. Theo TS. Nguyễn Trung Hòa (nguyên Vụ trưởng Vụ KHCN&MT), trên thực tế, nhiều chủ đầu tư đã ý thức được lợi ích của công trình xanh. Qua tính toán từ các mô hình trình diễn về công trình tiết kiệm năng lượng cho thấy chi phí đầu tư chỉ tăng 2 – 4%, thời gian thu hồi vốn 5 năm, trong khi công trình tiết kiệm được ít nhất 20% năng lượng sử dụng thậm chí đến 40% trong suốt thời gian vận hành của công trình là 50 – 100 năm. Việc phát triển công trình xanh thực sự đem lại lợi ích cho chính chủ đầu tư và nhà thầu cũng như người sử dụng công trình.

 

Tòa nhà FPT ở Láng Hòa Lạc (Hà Nội) là một công trình xanh tiêu biểu.

Tòa nhà FPT ở Láng Hòa Lạc (Hà Nội) là một công trình xanh tiêu biểu.

Các chứng chỉ công trình xanh

Ở Việt Nam, nhằm triển khai việc sử dựng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà và phát triển công trình xanh, từ năm 2005, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn xây dựng Việt Nam 09/2005/BXD - Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đến năm 2013, quy chuẩn này được xem xét bổ sung và chỉnh sửa, thay thế bằng Quy chuẩn Việt Nam 09/2013/BXD – Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong đó các quy định kỹ thuật bắt buộc đã được đề cập chi tiết khi thiết kế và thi công xây dựng nhà ở bao gồm: lớp vỏ công trình, thông gió, điều hòa không khí , chiếu sáng, thang cuốn, thang máy, sử dụng điện năng và hệ thống đun nước nóng.

Tuy nhiên, 42 công trình xanh được công nhận tại Việt Nam tới thời điểm này đều dựa trên các tiêu chí của thế giới. Tại hội thảo "Những giải pháp xây dựng bền vững hướng đến một thành phố thông minh" được Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức cuối tháng 11/2016, ông Yannich Millet, chuyên gia tư vấn về xây dựng bền vững và sử dụng năng lượng hiệu quả cho biết: Hiện có nhiều chứng nhận xanh khác nhau mà doanh nghiệp có thể lựa chọn để đăng ký áp dụng cho công trình của mình như LEED, LOTUS,  GREEN MARK, HQE hay EDGE... Mỗi chứng nhận có một số yêu cầu riêng nhưng đều dựa trên những nguyên tắc chung sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng và thân thiên môi trường...

2 công cụ đánh giá công trình xanh đầu tiên là LEED, LOTUS được các nhà phát triển BĐS VN sử dụng nhiều nhất, gần đây thêm chứng chỉ EDGE.  LEED (Leadership in Energy & Environmental Design) là một giấy chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh được cấp bởi Hội đồng Xây dựng Xanh Mỹ ra đời năm 1995 tại Mỹ.  LEED đã được công nhận trên toàn thế giới như một công cụ đánh giá hàng đầu.

Biểu đồ tiêu chí công trình xanh LEED

Biểu đồ tiêu chí công trình xanh LEED

LOTUS lại được xây dựng dựa trên những nguyên tắc chung của những công cụ đánh giá công trình xanh khác, bao gồm cả LEED, nhưng lại được phát triển để phù hợp với điều kiện khí hậu, cơ sở hạ tầng, các quy định và mức độ phát triển kinh tế để tăng sự liên kết chặt chẽ với ngành xây dựng Việt Nam.

Còn hệ thống chứng chỉ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) xây dựng được thiết kế cho các thị trường mới nổi, giúp đưa ra các giải pháp thiết kế kỹ thuật hiệu quả cho công trình với những tính toán chi phí đầu tư và mức tiết kiệm tương ứng. EDGE được đánh giá chứng chỉ công trình xanh dễ tiếp cận của doanh nghiệp.

Tuy có nhiều bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh của thế giời nhưng theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, chúng ta cần phải cho ra đời bộ tiêu chí về công trình xanh ở Việt Nam để làm cơ sở cho việc phát triển xây dựng. Phát triển các công trình xanh là một xu hướng tất yếu trong việc phát triển BĐS.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top