Aa

Chủ đầu tư dự án Panorama Nha Trang tuyên bố "phá sản" kế hoạch nâng thêm 4 tầng

Thứ Bảy, 09/12/2017 - 14:01

Chủ đầu tư dự án Panorama Nha Trang tuyên bố "phá sản" kế hoạch nâng thêm 4 tầng; Thị trường bất động sản 2018: "Cú hích" vĩ mô và rủi ro "lực căng" tín dụng; Sôi động giao dịch ngầm nhà ở xã hội; Doanh nghiệp khó tiếp cận bất động sản nông nghiệp; Nhiều chung cư mini đang ở “ngoài vòng pháp luật”; … là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Chủ đầu tư dự án Panorama Nha Trang tuyên bố "phá sản" kế hoạch nâng thêm 4 tầng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty CP Xây dựng Coteccons (Coteccons) được chọn làm nhà thầu chính thiết kế và thi công dự án Panorama Nha Trang, do Công ty CP Đầu tư xây dựng Vịnh Nha Trang (VNT) là chủ đầu tư.

Khoảng đầu tháng 10/2017, hai bên xảy ra mâu thuẫn và đỉnh điểm khi Coteccons bất ngờ gửi công văn (số 2990/2017/CV-TGĐ) tới Công ty VNT, Cục Giám định (Bộ Xây dựng); Sở Công an; Sở Xây dựng Khánh Hòa "tố" chủ đầu tư vi phạm các quy định hợp đồng như: Đơn phương thay đổi phạm vi công việc của nhà thầu, giao hạng mục hoàn thiện và cơ điện cho nhà thầu khác với lý do "chào giá rẻ hơn" mà không thỏa thuận với Coteccons.

Đặc biệt, nguyên nhân lớn nhất làm "bùng nổ" cuộc tranh chấp chưa có hồi kết này chính là việc CTD cho rằng chủ đầu tư đã có những văn bản đề xuất thay đổi thiết kế dự án, cụ thể là nâng thêm 4 tầng trong khi Giấy phép xây dựng được cấp chỉ là 39 tầng.

Dự án tọa lạc tại một vị trí khá đẹp trên tuyến đường ven biển TP. Nha Trang.

Dự án tọa lạc tại một vị trí khá đẹp trên tuyến đường ven biển TP. Nha Trang.

Xung quanh vấn đề này, chiều ngày 7/12 tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), công ty VNT đã tổ chức một cuộc gặp mặt nhiều cơ quan báo đài trong và ngoài địa bàn nhằm thông tin một cách chính thống về những nhùng nhằng đang diễn ra giữa 2 bên.

Tại đây, nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề có hay không việc chủ đầu tư, mà cụ thể là Tư vấn Artelia đã thay mặt mình gửi nhiều văn bản về việc đề xuất nhà thầu thay đổi thiết kế, nâng tầng dự án, chủ đầu tư muốn thay đổi chủng loại vật liệu xây dựng; nếu kế hoạch xây thêm tầng thành hiện thực thì việc xin phép, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh thiết kế có làm dự án chậm tiến độ hay không...?

Ông Lê Anh Đức, Chủ tịch VNT cho biết từ khi bắt tay "vạch" ra dự án, công ty không hề nghĩ gì đến việc thay đổi thiết kế, nhưng trong quá trình xây dựng, một quản lý đã "rỉ tai" ban lãnh đạo cho rằng xu thế phát triển mô hình condotel (căn hộ khách sạn) hiện nay cần có không gian dành cho nhà hàng, phòng khách sạn... Từ đó, công ty VNT mới có ý tưởng phác thảo thêm một số tầng để có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, ngay cả khi trả lời một số câu hỏi của phóng viên, chính đại diện Tư vấn Artelia cũng khẳng định rằng chưa hề có bất kỳ một văn bản nào thể hiện quyết định của chủ đầu tư trong việc triển khai nâng thêm 4 tầng tại dự án. Khi các phóng viên trưng ra một số văn bản và bản phác thảo thiết kế cho thấy đơn vị tư vấn đã nhiều lần gửi đến công ty CTD các văn bản đều có nội dung đề xuất kế hoạch xây thêm 4 tầng, trong đó chủ đầu tư đang tiến hành thử tải, sức chịu lực của công trình... thì đơn vị tư vấn cho rằng đó mới chỉ là ý định!

Theo lý giải của nhà thầu tư vấn, để thực hiện được kế hoạch nâng tầng thì buộc phải có sự hợp tác của tổng thầu CTD, từ đó mới tiến hành các bước nghiên cứu, báo cáo thay đổi thiết kế, lập hồ sơ xin phép các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ngay lập tức công ty CTD đã từ chối những đề xuất này và dẫn đến việc hai bên chấm dứt hợp đồng, làm bùng nổ các cuộc tranh chấp liên quan.

Xem chi tiết tại đây.

Nhiều chung cư mini đang ở “ngoài vòng pháp luật”

Có thể nói, hầu hết chung cư mini đang tồn tại “ngoài vòng pháp luật” về xây dựng, bất động sản cũng như cư trú. Tuy nhiên, chung cư mini có diện tích và giá cả rất phù hợp với nhu cầu và hầu bao của đa số người dân, nhất là người có thu nhập thấp. Một số ý kiến còn cho rằng, loại hình này chẳng khác gì căn hộ 25 - 30 m2 vừa được Bộ Xây dựng đồng ý thí điểm xây dựng. Do đó, chung cư mini cũng cần được thừa nhận để quản lý chất lượng xây dựng, cũng như quản lý cư dân sống tại các chung cư mini.

Không cần phải đi đâu xa, chỉ vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh hay máy tính, là đã có hàng loạt những số điện thoại giới thiệu, rao bán về chung cư mini trên địa bàn Hà Nội.

Rất nhiều chung cư mini hiện vừa xây xong, giới thiệu bán hàng, nhưng chủ đầu tư lại cấm quay phim chụp ảnh lại căn hộ khi đến xem.

Rất nhiều chung cư mini hiện vừa xây xong, giới thiệu bán hàng, nhưng chủ đầu tư lại cấm quay phim chụp ảnh lại căn hộ khi đến xem.

Chủ động liên hệ theo số máy: 0968966xxx, phóng viên Đầu tư Bất động sản được nhân viên tên Vân của một công ty phân phối loại sản phẩm này giới thiệu nhiệt tình, hẹn gặp và dẫn đến tận nơi xem hàng một cách chi tiết.

Có mặt ở chung cư mini 245 Lạc Long Quân và 135 Đội Cấn, chúng tôi được nhân viên này giới thiệu chi tiết các căn, một phòng ngủ, hai phòng ngủ với diện tích từ 35 đến 48m2. Giá giao động từ 600 triệu đồng đến hơn một tỷ đồng/căn, phù hợp  “hầu bao” của người thu nhập thấp.

Cùng mong muốn đi tìm mua chung cư mini, anh Thành (Ba Vì) cũng lân la cả tháng nay để tìm mua, từ khu vực Mỹ Đình, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân đến các quận nội đô như Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, nhưng vẫn chưa được căn ưng ý vì nhiều lý do.

Xem chi tiết tại đây.

“Sóng gió” tại 2 dự án bất động sản tâm huyết của Vinaenco

Được quảng cáo nằm ở cửa ngõ Đông Nam của Hà Nội, nơi giao thoa giữa khu phố cổ nghìn năm văn hiến và những đô thị mới sầm uất đang mọc lên, dự án New Horizon City được chủ đầu tư kỳ vọng mở ra một "chân trời mới", hình thành một phong cách sống đẳng cấp cho cư dân Thủ đô...

Những lời đường mật đó đã khiến hàng trăm khách hàng dốc hết hầu bao ra cho chủ đầu tư, với mong muốn sẽ trở thành cư dân của chung cư có phong cách sống đẳng cấp. Đã có những khách hàng phải đi vay mượn tiền, chịu lãi suất hàng tháng để đóng tiền đúng theo tiến độ của chủ đầu tư đề ra.

Đâu chỉ có tâm huyết của chủ đầu tư ở dự án mà đối với mỗi khách hàng đặt tiền mua tại dự án này, họ còn phải đánh đổi cả cuộc sống. Đã có khách hàng theo sát từ ngày đầu dự án khởi công, đếm từng ngày dự án hoàn thiện và mong chờ giây phút nhận bàn giao.

Ai cũng ngỡ rằng, dự án New Horizon City là công trình tâm huyết của chủ đầu tư và khách hàng. Nhưng mọi chuyện chẳng êm đềm, hàng loạt các mâu thuẫn giữa khách hàng và chủ đầu tư đã bùng nổ.

Xem chi tiết tại đây.

Doanh nghiệp khó tiếp cận bất động sản nông nghiệp

Việt Nam đã có rất nhiều văn bản pháp luật liên quan đến thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp như Hiến pháp, Luật Đất đai; 11 nghị định và 35 thông tư liên tịch…, song thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp vẫn chưa phát triển, không mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Điều này dẫn đến, đất nông nghiệp chưa được sử dụng hết công năng trong sản xuất và gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào nông nghiệp.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, TS. Nguyễn Hữu Thọ cho biết, nguyên nhân là do đất nông nghiệp tại Việt Nam thường có diện tích nhỏ, gây ra những khó khăn trong quá trình tích tụ ruộng đất.

Đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn manh mún. Ảnh: Dũng Minh.

Đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn manh mún. Ảnh: Dũng Minh.

Theo ông Thọ, có doanh nghiệp cho biết, để sử dụng được 30 ha đất nông nghiệp làm trang trại, họ đã phải đàm phán với 130 hộ dân. Tuy nhiên, có nhiều hộ dân, sau một thời gian đàm phán lại tăng giá bán hoặc không đồng ý chuyển đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Đáng chú ý, có nhiều hộ gia đình bỏ ruộng hoang, nhưng vì một lý do nào đó, cũng không muốn chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp”, ông Thọ cho biết thêm.

PGS. TS. Chu Tiến Quang, Hội đồng chính sách (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng, cần quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp theo hai hướng “cứng” và “mềm”. Theo đó, “cứng” là không được phép chuyển đổi và “mềm” là cho phép chuyển đổi. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng quy hoạch, cần tính đến sự ổn định.

Xem chi tiết tại đây.

Thị trường bất động sản 2018: "Cú hích" vĩ mô và rủi ro "lực căng" tín dụng

Đánh giá về thị trường bất động sản trong thời gian tới, PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng những tín hiệu vĩ mô đang trở thành một động lực quan trọng để thúc đẩy thị trường phát triển nhanh. 

Tăng trưởng GDP tốt và ổn định, vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh trong đó tỷ trọng đầu tư vào bất động sản rất lớn là những “bệ phóng” cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, các đặc khu kinh tế mới đang được xúc tiến thành lập sẽ tạo sức hút mới cho thị trường, nhất là kênh bất động sản nghỉ dưỡng tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. 

Ông Thiên đánh giá cao vai trò của kinh tế tư nhân trong lĩnh vực thiết lập mặt bằng các đô thị lớn hoặc những khu vực mới nổi. Chính phủ sẽ có nhiều chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp, lĩnh vực bất động sản được hưởng lợi.

“Trong sự phát triển chung, doanh nghiệp cũng phải đặt mình vào xu thế mới để tồn tại và vươn tầm”, ông Thiên nói. Khi quy hoạch khoa học và thông minh hơn, các đô thị được đặt vào bài toán chất lượng hơn. Doanh nghiệp nào nắm bắt xu thế quy hoạch thì có lợi thế cụ thể hóa trên thị trường. “Doanh nghiệp cần phải hiểu là qua thời mánh mun “kiếm chác rồi”. Phải thay đổi và tạo liên minh, tạo chuỗi liên kết để có thể bắt kịp xu hướng mới trong chính sách”, ông khuyến cáo.

Xem chi tiết tại đây.

Sôi động giao dịch ngầm nhà ở xã hội

Không khó để tìm kiếm các thông tin rao bán NOXH trên mạng. Để lại “dấu vết” thể hiện sự quan tâm về các dự án NOXH (like, đăng ký nhận tin), chỉ sau 1 ngày, phóng viên Báo Đầu tư 
Bất động sản đã nhận được nhiều cuộc điện thoại chào mời.

Khi phóng viên cho biết mình đang có nhu cầu tìm mua NOXH tại khu vực quanh quận Cầu Giấy, chị Hà, nhân viên kinh doanh của nhadepgiagoc.net giới thiệu: “Hiện tại, có dự án NOXH dành cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an là phù hợp hơn cả. Mức giá gốc bán cho các đối tượng thuộc diện mua nhà dao động từ 14,2 - 16,7 triệu đồng/m2, tùy căn và tùy hướng. Nếu anh mua sẽ phải trả thêm từ 160 - 180 triệu đồng/căn. Đây là tiền chênh mà người mua phải thanh toán cho người có suất nhờ chúng em bán”.

Vì thiếu hiểu biết nên nhiều người đã mua lại nhà ở xã hội. Ảnh: Dũng Minh.

Vì thiếu hiểu biết nên nhiều người đã mua lại nhà ở xã hội. Ảnh: Dũng Minh.

Chị Hà cho biết thêm, dự án này có trên 1.000 căn, khoảng 50% đối tượng được mua có nhu cầu bán lại. Công ty của chị từ tháng 7/2017 đến nay đã bán giúp các chủ hộ được gần 500 căn loại này.

Ngoài ra, chị Hà còn giới thiệu thêm dự án NOXH Hưng Thịnh (Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội). Dự án này có mức giá gốc 12,5 triệu đồng/m2 và do ở xa trung tâm nên tiền chênh phải thanh toán cho người bán suất cũng thấp hơn rất nhiều, chỉ 20 triệu đồng/căn.

Còn anh Công, nhân viên kinh doanh một công ty chuyên phân phối các sản phẩm NOXH trên đường Lê Văn Lương cho biết, hiện khu vực quanh quận Cầu Giấy có 2 dự án rất khả quan là dự án NOXH dành cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an (Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm) và dự án NOXH B32 Đại Mỗ (nhà ở chiến sĩ Tổng cục V). Trong đó, nếu mua dự án B32 Đại Mỗ sẽ được hỗ trợ vay ngân hàng lên đến 70% giá trị căn nhà.

Hiện tại, ở dự án B32 Đại Mỗ, mức giá cho căn vào tên khoảng 17,5 triệu đồng/m2, các căn cùng loại nhưng mua dưới dạng hợp đồng ủy quyền thì thấp hơn khoảng 1 triệu đồng/m2. Mua dự án này, khách hàng sẽ được hỗ trợ vay ngân hàng đến 70% giá trị căn hộ trong khoảng từ 10 - 15 năm. Theo nhân viên kinh doanh tư vấn, B32 Đại Mỗ nằm ngay cạnh một dự án lớn của FLC nên người mua sẽ được “hưởng ké” các tiện ích.

Xem chi tiết tại đây.

Bán đất Long Thành bất chấp lệnh cấm

Hai xã Lộc An và Bình Sơn, huyện Long Thành nằm giữa ranh giới của 21.000 ha vùng phụ cận dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Trong đó, vùng dự án 5.000 ha giải tỏa trắng để xây sân bay đã bị cấm hoàn toàn việc tách thửa, mua bán. Vùng phụ cận đang lập quy hoạch chi tiết cũng được siết chặt, cấm mua bán, tách thửa - trừ các trường hợp đặc biệt xác định nhu cầu cấp bách về nhà ở, đất nông nghiệp của người dân có hộ khẩu tại địa bàn, được xác định nhu cầu thực tế một cách chặt chẽ.

Vậy mà đến nay, 2 xã Lộc An và Bình Sơn là vùng "nóng" nhất xung quanh khu vực dự án sân bay Long Thành về tình trạng phân lô, bán nền. Đáng nói, đây là nơi được chọn xây dựng các khu tái định cư cho hơn 15.000 người của vùng giải tỏa để thực hiện dự án sân bay Long Thành.

Xem chi tiết tại đây.

"Bom nổ chậm" đe dọa người dân

Sau bão số 12, 2 cần cẩu của dự án Panorama Nha Trang bị gãy đôi giáp các tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai đông người qua lại. Đặc biệt, phía dưới 2 cẩu gãy treo lơ lửng là chợ đêm với hàng ngàn du khách trong và ngoài nước mỗi tối. Sở dĩ đến nay, 2 "quả bom" này vẫn chưa được tháo xuống vì 2 chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang (VNT) và tổng thầu Công ty CP Xây dựng Coteccons (Công ty Conteccons) có mâu thuẫn trong hợp tác. Cả 2 đã đơn phương cắt hợp đồng hợp tác nên không thống nhất trong cách xử lý.

Hai cần cẩu gãy đe dọa tính mạng người dân.

Hai cần cẩu gãy đe dọa tính mạng người dân.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Chỉ huy trưởng công trình Panorama Nha Trang (Công ty Conteccons), cho biết toàn bộ công nhân của công ty bị chủ đầu tư có lệnh trục xuất khỏi công trường từ ngày 25-10 nên không thể vào thu hồi tài sản. Theo ông Vinh, sau bão, đơn vị đã đưa ra 2 phương án xử lý cẩu gãy là dùng cẩu lớn từ dưới lên đưa thiết bị xuống hoặc dùng 2 cầu nhỏ đưa từ trên xuống. Đơn vị tư vấn giám sát và ban quản lý dự án của chủ đầu tư đã phê duyệt phương án 2. Tuy nhiên ngày 16-11, các phương tiện của Công ty Conteccons đã tập kết thiết bị để tháo nhưng bị lệnh cấm của chủ đầu tư nên không tiếp cận được.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top