Aa

Chủ quyền quốc gia và độc lập, tự chủ kinh tế

Thứ Tư, 01/05/2019 - 02:30

Nhân kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

Lễ ký kết Hiệp định CPTPP tại TP. Santiago, Chile, ngày 8/3/2018

Lễ ký kết Hiệp định CPTPP tại TP. Santiago, Chile, ngày 8/3/2018

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhất là trong thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta luôn khẳng định chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và ta kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá. Thắng lợi lịch sử ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối là thắng lợi vĩ đại nhất, đỉnh cao của ý chí độc lập tự do của dân tộc ta.

Ngay sau thắng lợi, chúng ta bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh khó khăn: cùng lúc phải chống lại hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc, bảo vệ chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, và phải đối phó với chính sách bao vây cấm vận hà khắc. Nhưng chúng ta đã vượt lên. Đặc biệt từ khi công cuộc đổi mới được khởi động, đất nước đã phát triển.

Để có những thành tựu, chúng ta đã luôn kiên định đường lối phát triển kinh tế độc lập tự chủ, luôn đề cao ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ không gian sinh tồn của đất nước. Hai chủ trương chính sách căn cốt đó luôn được quán triệt nhất quán và gắn bó mật thiết với nhau.

Trong hơn 30 năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới, trên cơ sở đường lối độc lập, tự chủ, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), thực thi chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chúng ta đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đó là một quá trình tiệm tiến, thận trọng về bước đi và độ mở trong từng lĩnh vực, từng bước hội nhập theo chiều rộng chuyển sang chiều sâu, toàn diện hơn trong môi trường chiến lược và tác động mới.

Trong lịch sử dân tộc, với vị thế địa chính trị của mình, đất nước ta khi nào giữ vững được đường lối độc lập tự chủ thì khi đó dù khó khăn đến chừng nào chúng ta cũng vượt qua, cũng giành thắng lợi.

Phát triển kinh tế bền vững theo đường lối độc lập, tự chủ là xây dựng nội lực để bảo vệ chủ quyền quốc gia, tạo môi trường hòa bình và an ninh để phát triển. Chính sự phát triển bền vững đã nâng cao đời sống nhân dân, đã đưa Việt Nam ra khỏi nhóm quốc gia nghèo, kém phát triển, trở thành nước thu nhập trung bình.

Giữ vững chủ quyền quốc gia không phải chỉ là giữ gìn độc lập, an ninh, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ mà còn là chủ quyền chính trị, chủ quyền kinh tế, là bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giá trị dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Để phát triển, phải hội nhập quốc tế sâu, rộng và toàn diện. Đó là xu thế. Tình hình mới hiện nay cho thấy các xu thế lớn của thế giới sẽ đứng trước nhiều thách thức và đan xen trái ngược: toàn cầu hóa và chống toàn cầu hóa, dân chủ hóa và chính trị cường quyền, chủ nghĩa đơn phương và thể chế đa phương... Điều chỉnh chiến lược và cạnh tranh nước lớn sẽ tác động mạnh đối với cục diện quốc tế; quan hệ quốc tế bước vào giai đoạn bất định và khó lường hơn. Thị trường thế giới cũng đang biến động, bất ổn.

Nước ta sẽ đứng trước cả tác động thuận và không thuận của tình hình thế giới. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế theo nguyên tắc độc lập, tự chủ và bền vững sẽ đan xen cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi phải tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức.

Khả năng tùy thuộc kinh tế lẫn nhau giữa nước ta với bên ngoài tăng lên khi các nước lớn ráo riết triển khai các sáng kiến/chiến lược tổng lực, vừa có sức ép, vừa có thời cơ. Tác động của cọ xát và cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn là khó tránh khỏi. Xu hướng dịch chuyển sản xuất về các nền kinh tế phát triển sẽ làm giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sức ép bảo hộ tăng lên từ các nền kinh tế lớn. Nguy cơ các nước đang phát triển như nước ta, đang rất cần vốn đầu tư nếu không cẩn trọng sẽ rơi vào "bẫy nợ", "bẫy công nghệ", "bãi rác công nghệ". Điều đó sẽ làm xói mòn chủ quyền quốc gia, mất độc lập, tự chủ kinh tế.

Việc ta tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... một mặt mở ra cơ hội tiếp cận thị trường, tăng kim ngạch thương mại nhưng đồng thời phải đối phó với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến chính trị, an ninh cũng như cả sức ép phải cải cách bên trong cho phù hợp. Làm thế nào để dung hòa được lợi ích trong quan hệ với các đối tác trước hết là những lợi ích của ta, vì càng hội nhập sâu, sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước/đối tác càng lớn.

Về văn hóa - thông tin cũng vậy. Phải tính làm sao giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giá trị Việt; hạn chế tác động tiêu cực từ tư tưởng, văn hóa, lối sống bên ngoài không phù hợp, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Vấn đề là phải biết và chủ động khai thác mặt thuận khi Việt Nam ở vào giao điểm giữa các sáng kiến/chiến lược lớn của các cường quốc và ở trung tâm của việc tập hợp lực lượng về địa - kinh tế, địa - chính trị.

Chúng ta đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Phải hiểu hội nhập không chỉ là một quá trình hợp tác và đấu tranh, mà còn là một quá trình có đi có lại. Hội nhập càng sâu đòi hỏi cải cách bên trong càng lớn. Hội nhập là công cụ thực hiện mục tiêu kinh tế, an ninh và phát triển. Hội nhập càng sâu rộng sẽ tạo điều kiện bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia; bảo vệ đất nước từ xa, từ sớm.

Chủ quyền quốc gia theo một nghĩa rộng là bao gồm cả chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền chính trị, chủ quyền kinh tế, văn hóa và giá trị. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của đất nước ta có một vấn đề hết sức cơ bản, đó là độc lập về chính trị phải đi đôi với độc lập về kinh tế. Để giữ vững chủ quyền quốc gia, điều không thể thiếu là phải xây dựng nền kinh tế độc lập, vững mạnh trên cơ sở đường lối kinh tế độc lập, tự chủ, tạo ra nội lực mạnh mẽ kết hợp tranh thủ ngoại lực một cách hiệu quả như Bác Hồ đã từng chỉ ra ngay từ những ngày đầu bảo vệ chính quyền cách mạng: "... đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", như vậy chỉ có thực lực của ta mới quyết định sự thắng lợi.

Nền kinh tế nước ta đã có những bước phát triển đáng kể song chưa thật vững chắc, nhất là còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, từ vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý đến thị trường tiêu thụ. Hiện FDI được xem là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế, trong tăng trưởng và nhất là trong xuất khẩu. Nhưng cần phải thấy FDI không phải là nhân tố "bám rễ" và tạo ra nội lực thật sự. Cũng vì vậy, tăng trưởng GDP lúc này chưa phải là thực chất sức mạnh kinh tế của chính Việt Nam. Đó là chưa kể tình huống FDI giảm hoặc rút đi khi tình hình có thay đổi.

Cần nhận thức rằng chính sách thu hút nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là FDI phải quán triệt tư tưởng độc lập, tự chủ kinh tế trong điều kiện mới, vừa theo kịp xu thế chung, vừa bảo đảm kinh tế nội địa phát triển vững chắc, phục vụ tốt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không thể vì phát triển mà thực hiện các dự án hợp tác đầu tư với nước ngoài với bất cứ giá nào làm ảnh hưởng tới an ninh và chủ quyền quốc gia.

Quán triệt đường lối độc lập, tự chủ về kinh tế trong hội nhập quốc tế, chúng ta cần khắc phục tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào bên ngoài, cách tiếp cận chỉ nhìn cục bộ, trước mắt, không thấy tổng thể và lâu dài. Đặc biệt, cần phải kiên quyết chống lợi ích nhóm làm tổn hại lợi ích quốc gia. Cũng cần phải đa dạng hóa nguồn lực, cân bằng chiến lược phát triển với các đối tác khác nhau trên cơ sở tin cậy, hiệu quả. Không để chỉ phụ thuộc vào một đối tác nào.

Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện, vấn đề đặt ra là phải chọn lọc các chương trình, dự án chất lượng cao, phục vụ đúng mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm của nền kinh tế nước ta, phù hợp với lợi ích, chiến lược, khả năng và điều kiện của Việt Nam.

Chúng ta đã thiết lập khuôn khổ quan hệ rộng lớn với 16 đối tác chiến lược, 14 đối tác toàn diện và ba đối tác đặc biệt. Các đối tác của ta đều muốn thấy một Việt Nam độc lập, mạnh và thịnh vượng. Chủ quyền quốc gia và thể chế chính trị của Việt Nam được các nước tôn trọng. Vị thế của Việt Nam được các nước đề cao. Chúng ta vừa phải tích cực, chủ động tham gia, vừa phải thực hiện các cam kết quốc tế, nâng cao vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích của ta và cả lợi ích chung.

Vai trò, vị thế, thực lực của Việt Nam được nâng lên cũng chính là bảo đảm quan trọng cho việc chúng ta giữ vững chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top