Aa

Chứng khoán giảm điểm trong phiên 23/6, nhóm chứng khoán bứt phá

Thứ Ba, 23/06/2020 - 17:35

Nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt tăng mạnh bất chấp diễn biến rung lắc của thị trường chung.

Tiếp nối những diễn biến giằng co phân hóa ở phiên trước, thị trường chứng khoán bước vào phiên giao dịch ngày 23/6 với sự thận trọng. Các cổ phiếu trụ cột tiếp tục phân hóa rõ nét và khiến các chỉ số thị trường chỉ biến động trong biên độ hẹp.

Do bên bán có phần chiếm ưu thế hơn đã khiến các chỉ số đều kết thúc phiên giao dịch trong sắc đỏ. Trong đó, VN-Index giảm 3,08 điểm (-0,35%) xuống 868,2 điểm. Toàn sàn có 190 mã tăng, 198 mã giảm và 42 mã đứng giá, HNX-Index giảm 0,09 điểm (-0,08%) xuống 114,63 điểm. UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,07%) xuống 56,64 điểm.

Nhóm cổ phiếu tâm điểm trong phiên 23/6 thuộc về chứng khoán, trong đó, SSI tăng 5,9% lên 16.100 đồng/cp, HCM tăng 5,2% lên 20.400 đồng/cp, VND tăng 4,5% lên 13.800 đồng/cp, VCI tăng 4,1% lên 23.850 đồng/cp. Nhóm cổ phiếu chứng khoán đang được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng do nhóm ngành này được cho là sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong quý II sau khi có quý I bết bát. Thị trường chứng khoán tăng mạnh sẽ giúp danh mục tự doanh của các CTCK tăng trưởng tốt, cùng với đó, thanh khoản thị trường luôn duy trì ở mức cao thời gian qua cũng được cho là sẽ giúp mảng môi giới cải thiện đáng kể.

Trong khi đó, các cổ phiếu như FPT, GAS, VCB, VNM… đều kết thúc phiên trong sắc xanh và đóng vai trò làm lực đỡ tốt cho VN-Index giúp chỉ số này không giảm quá sâu. Chốt phiên, FPT tăng 1,2%, GAS tăng 1,1%, VCB tăng 0,6%, VNM tăng 0,5%.

Chiều ngược lại, áp lực rất lớn đến từ các cổ phiếu gồm VIC, SHB, BID, VRE, SAB, HPG… Trong đó, cả 3 cổ phiếu họ “Vin” đều giảm giá ở phiên 23/6. VIC giảm đến 2,8% xuống 94.200 đồng/cp và lấy đi của VN-Index 2,66 điểm (-0,3%). VRE giảm 1,4% xuống 27.200 đồng/cp. Thậm chí, VN-Index còn có thể giảm sâu hơn nữa nếu như VHM không nhận được lực đỡ tốt vào cuối phiên. Sau khi bị bán rất mạnh vào thời điểm gần cuối giờ giao dịch thì lực cầu đỡ giá xuất hiện và giúp VHM chỉ còn giảm nhẹ 0,8% xuống 77.700 đồng/cp.

Trong khi đó, cả SHB và ACB đều giảm giá và là nhân tố chính đẩy HNX-Index giảm điểm. Trong đó, SHB giảm 2,1% xuống 14.200 đồng/cp và khớp lệnh 3 triệu cổ phiếu. ACB giảm 0,4% xuống 24.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 23/6. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh bộ ba cổ phiếu họ “Vin” thì một “ông lớn” khác trong ngành này là NVL cũng giảm 1,2% xuống 58.300 đồng/cp. Tương tự như ở phiên trước, các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ vẫn phân hóa rất mạnh. Các mã như BII, OCH, FIR, TIX, FLC hay HAR vẫn được kéo lên mức giá trần bất chấp sự rung lắc của thị trường chung. FLC đang được hỗ trợ bởi thông tin ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT đăng ký mua vào 15 triệu cổ phiếu. TDH tăng 2% lên 9.750 đồng/cp. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, HĐQT TDH sẽ trình ĐHĐCĐ việc thưởng cổ phiếu tỷ lệ 20%.

Chiều ngược lại, các mã bất động sản khác là ITA, CIG, HQC, LHG, SJS… đều chìm trong sắc đỏ. ITA giảm sâu 6,7% xuống 5.290 đồng/cp, HQC giảm 6,4% xuống 1.910 đồng/cp.

Nhóm cổ phiếu phân bón sau khi bứt phá mạnh ở phiên trước hầu hết đã điều chỉnh trở lại. DPM giảm 0,3%, SFG giảm 0,7%, BFC giảm 2,6%.

Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 7.487 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch là 525 triệu cổ phiếu; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.071 tỷ đồng. Vẫn có 4 cổ phiếu bất động sản lọt vào top khối lượng giao dịch toàn thị trường là HQC, FLC, ITA và DLG. Trong đó, HQC khớp lệnh đến hơn 32 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 23/6. Nguồn: Fialda

Giao dịch khối ngoại vẫn là điểm đáng quan tâm khi họ tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 140 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã VNM trong phiên 23/6 với 37 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản là VIC, VHM và LHG cũng nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 14 tỷ đồng, 11,5 tỷ đồng và 9,6 tỷ đồng. Chiều ngược lại, các cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh có NVL, DXG và KDH. Trong đó, NVL được mua ròng 11 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index sẽ mở ra một nhịp tăng mới của sóng 5 nếu như bứt phá qua được ngưỡng 870 điểm (MA20) với thanh khoản tốt. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 7 tiếp tục duy trì mức basis âm so với chỉ số cơ sở VN30 là 11,61 điểm, cho thấy nhà đầu tư phái sinh vẫn nghiêng về khả năng thị trường sẽ giảm trong thời gian tới. SHS cho rằng thị trường có thể diễn biến tích cực hơn trong thời gian tới nhưng có thể sẽ cần thêm thời gian để tích lũy trong tuần này.

SHS dự báo trong phiên giao dịch 24/6, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy quanh ngưỡng 870 điểm (MA50) để tạo nền tảng cho nhịp tăng của sóng 5 sắp tới. Nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát diễn biến thị trường trong giai đoạn này và có thể căn nhắc tăng tỷ trọng cổ phiếu khi vượt ngưỡng kháng cự quanh 870 điểm (MA20) cũng như giảm tỷ trọng cổ phiếu nếu thị trường xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%).

Ở thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt tăng 0,5% và 0,21%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,18% và 0,78%. Hang Seng của Hong Kong tăng gần 1,6%. ASX 200 của Australia tăng 0,17% trong khi NZX 50 của New Zealand ghi nhận mức giảm 0,23%. Tại Đông Nam Á, Jakarta Composite của Indonesia giảm 0,8%, KLCI của Malaysia giảm 0,28% trong khi Straits Times của Singapore tăng 0,2%, SET 50 của Thái Lan tăng 0,3%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top