Aa

Chứng khoán tuần 1-5/6: Có dấu hiệu cảnh báo rủi ro cho quá trình phân phối

Thứ Hai, 01/06/2020 - 05:55

Đa phần các công ty chứng khoán đều đưa ra dự báo thận trọng về thị trường chứng khoán ở tuần giao dịch đầu tháng 6.

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của tháng 5 tiếp tục duy trì được đà tăng. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 11,73 điểm (tăng 1,38%) lên 864,47 điểm; HNX-Index tăng 2,77 điểm (tăng 2,59%) lên 109,81 điểm, đây cũng là tuần tăng thứ 4 liên tiếp của VN-Index. Thanh khoản tăng nhẹ so với tuần trước đó với gần 6.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 10,3% lên 29.271 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 7,8% lên 1.627 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX, tuy nhiên, giảm 4% xuống 3.072 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 11,8% xuống 277 triệu cổ phiếu.

Tuần này cũng là thời điểm mở đầu của tháng 6 được nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định khá thận trọng sau khi thị trường đã có khoảng thời gian đi lên mạnh trong tháng 4 và 5.

Theo nhận định của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index sẽ thử thách lại vùng kháng cự 880±5 trong tuần tới. Tuy nhiên, thị trường có thể xuất hiện các phiên điều chỉnh mạnh trước khi hướng đến vùng kháng cự trên. Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong tuần đầu tháng 6. Trong bối cảnh này, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể sẽ tạo được sức hút đối với dòng tiền. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhiều khả năng sẽ không có sự biến động lớn trước mỗi kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs trong nửa đầu tháng 6.

Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, VN-Index đã vượt trở lại 860 điểm nhưng đà tăng suy yếu và đang hình thành vùng tích lũy hẹp từ 857 - 870 điểm. Lực cầu vùng giá thấp vẫn là yếu tố tích cực ngắn hạn dù vậy thị trường vẫn đang hồi phục trong bối cảnh kém thuận lợi và sẽ đối mặt với thực trạng doanh nghiệp cuối quý II.

Trên góc nhìn kỹ thuật của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index đã thất bại trước ngưỡng kháng cự quanh 880 điểm (fibonacci retracement 61,8%) trong phiên 27/5 với thanh khoản cao, cho thấy có khả năng là nhịp hồi phục kỹ thuật từ ngưỡng 650 điểm vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 có thể đã kết thúc để bước vào một pha mới. 

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 6 duy trì mức basis âm lớn 21,23 điểm, cho thấy nhà đầu tư trên thị trường phái sinh vẫn nghiêng về khả năng điều chỉnh. Tuy nhiên, SHS nghiêng về kịch bản trung tính và ít tiêu cực hơn. Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo, VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi ngang và giằng co với biên độ trong khoảng 840-880 điểm (fibonacci retracement 50%-61,8%).

Cũng trên quan điểm phân tích kỹ thuật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết VN-Index tiếp tục tăng nhẹ và vẫn bị cản vào cuối phiên giao dịch hôm thứ Sáu. Chỉ báo kỹ thuật MACD tiếp tục chỉnh nhẹ và áp sát đường tín hiệu, RSI lưỡng lự theo hướng hồi nhẹ. 

Điều này cho thấy VN-Index vẫn thận trọng sau khi xuất hiện dấu hiệu cảnh báo rủi ro đầu tiên cho quá trình phân phối. Hiện tại, chỉ số vẫn đang trong trạng thái lưỡng lự và phục hồi để kiểm tra lại áp lực phân phối, dự kiến quá trình này sẽ tạm thời kéo dài trong nhiều phiên với áp lực kháng cự từ vùng 870-882 điểm. 

Chiến lược đầu từ trong thời gian tới được BVSC đưa ra cho nhà đầu tư là duy trì tỷ trọng danh mục mức 20-30% cổ phiếu. Nhà đầu tư sau khi thực hiện bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục tại vùng kháng cự 860-880 điểm, tạm thời đứng ngoài thị trường. Đối với các nhà đầu tư vẫn duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục thực hiện bán giảm tỷ trọng tại vùng 860-880 điểm.

SHS cho rằng nhà đầu tư đang đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục nên tiếp tục theo dõi thị trường trong tuần tiếp theo và có thể bán ra khi VN-Index tiến gần tới ngưỡng kháng cự mạnh quanh 880 điểm. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể canh mua vào nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 840 điểm.

Trong khi đó, VDSC khuyên nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và chờ dấu hiệu xác nhận phân phối của thị trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top