Aa

Chuyện Lê Bá Dương

Thứ Hai, 18/02/2019 - 06:00

Chiều ngày 27 tháng 7 năm 1987, sau khi thả hoa cho đồng đội, anh ngồi lặng trên bờ sông ngắm những chiếc thuyền nặng nề ngược dòng Thạch Hãn. Thanh bình quá thể, vô tư quá thể, nhưng ai biết, ai nhớ, dưới đáy sông kia còn bao nhiêu đồng đội của anh đang nằm lặng lẽ. Bất chợt những câu thơ vụt hiện ra...

Nói trống không cái tên thế có khi ít người biết, nhưng kể thêm thế này sẽ nhiều người à lên, ấy là người mà mới 15 tuổi đã nhập ngũ, và ngay trận đầu tiên đánh vào thôn Tây Trì, Đông Hà khi mới 15 tuổi “cộng” 49 ngày đã  trở thành dũng sĩ diệt Mỹ ở “chảo lửa”, “máy xay thịt” Quảng Trị. Anh đã được tặng nhiều danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, Dũng sỹ diệt cơ giới, Dũng sỹ diệt máy bay… và người chiến sỹ với hơn chục vết thương trên người ấy cũng đã hai lần được đề nghị tuyên dương anh hùng, nhưng rồi vết thương chồng vết thương, việc hoàn tất hồ sơ mấy lần dở dang không thành, chứ không thì bây giờ đã có một Anh hùng Lê Bá Dương.

Hồi ấy, trên mặt trận B5 (đường 9, Quảng Trị) từng đã dấy lên phong trào “Xung kích như Lê Bá Dương, chốt chặt như Lê Bá Dương”. Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tiền phong đã có nhiều bài viết và in ảnh Lê Bá Dương mặt trẻ măng, kẹp AK giữa chiến trường khói lửa mà mắt cứ trong văn vắt, môi mím chặt mà cứ thấy phảng phất một nụ cười.

Hồi ấy, chiến trường Quảng Trị, mỗi ngày hao hụt quân số hàng trăm, hồi ấy, máu và lửa, xác ta và xác địch lộn tùng phèo, đất đá không đủ để che quân...  May mắn sống sót qua chiến tranh, anh về Nha Trang làm báo và trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh. Hàng năm, vào ngày 27/7 anh đều nhảy tàu chợ Nha Trang - Đông Hà trở về chiến trường xưa, mua bằng hết hoa ở chợ, thả xuống sông Thạch Hãn viếng đồng đội, bằng tiền túi gom góp bởi nhuận bút và lương. Ban đầu thì cứ lủi thủi một mình, sau có con gái tham gia, cuối cùng bây giờ thì thành một phong trào rộng lớn, thành chủ trương chung, cứ 27/7 là có cái lễ thả hoa rất lớn ở sông Thạch Hãn, có lãnh đạo cấp cao tham gia, hàng vạn người hành hương về Quảng Trị tưởng nhớ những liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại đây...

Chiều ngày 27 tháng 7 năm 1987, sau khi thả hoa cho đồng đội, anh ngồi lặng trên bờ sông ngắm những chiếc thuyền nặng nề ngược dòng Thạch Hãn. Thanh bình quá thể, vô tư quá thể, nhưng ai biết, ai nhớ, dưới đáy sông kia còn bao nhiêu đồng đội của anh đang nằm lặng lẽ. Bất chợt những câu thơ vụt hiện ra: 

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...

Bốn câu thơ này lập tức nổi tiếng, rất nhiều người đã thuộc bài thơ “đầu tay” này, có rất nhiều cú điện thoại gọi tổng đài 108 hỏi về tác giả, hỏi về bài thơ, vân vân... Nó được phổ nhạc, khá hay. Và nó được lưu giữ ở Bảo tàng Thành cổ, được khắc trên hai bia đá đặt trang trọng ở hai bên bờ sông Thạch Hãn. Ai đã từng đến đây cũng đều rưng rưng đọc bốn câu thơ rất tuyệt vời này.

                  Bia khắc thơ Lê Bá Dương đầy đủ, bia bị đục tên tác giả và bia thơ "phục hồi" tên tác giả.

Vấn đề là, một ngày “đẹp trời” nào đấy của năm 2010, bỗng nhiên tên tác giả bị đục khỏi cả hai tấm bia đá, chính xác là, bị một bông hoa hoặc cái gì tương tự thế, đục đè lên ba chữ "Lê Bá Dương". Không ai hiểu việc làm rất là... hiên ngang này của những người có trách nhiệm. Tôi, bằng các mối quan hệ của mình, hỏi các đồng nghiệp cũng như đồng môn giờ đang là quan chức Quảng Trị, cũng... không ai biết. Một số báo chí lên tiếng, dư luận sục sôi đòi... trả lại tên cho thơ, cũng chả thấy ai ỏ ê. Điện hỏi Lê Bá Dương, xui anh kiện hoặc “đòi” bài thơ ấy về, anh cười hiền: "Thôi, nó là của các liệt sĩ đang lặng lẽ nằm dưới sông ấy, mấy chục năm rồi, họ vẫn nằm đấy, và họ có đòi hỏi gì đâu, mình được sống đến giờ là lãi to rồi, ai lại đi so đo những điều vụn vặt ấy. Mà tớ có phải nhà thơ đâu. Bốn câu ấy vụt ra được là cũng do đồng đội làm rồi... gán cho tớ thôi, họ bịt tên đi có khi cũng là... có lý".

Cách đây mấy hôm, trong inbox của tôi có tin nhắn của Lê Bá Dương, gửi bức ảnh chụp tấm bia khắc thơ anh đã trở lại tên Lê Bá Dương, cả hai tấm bia ở hai bờ đều đã được... trả lại tên cho thơ, dẫu tấm bia bờ Bắc chắp vá... bằng một tấm đá đen rất chỏi. Chả nói gì về nguyên nhân đục đi rồi giờ lặng lẽ trả lại, Lê Bá Dương chỉ phàn nàn: “Họ ốp viên đá đen vào, phản cảm quá. Nếu vì thiếu kinh phí, hô một tiếng thiên hạ sẵn sàng góp công của vô tư”.

Hỏi anh chụp ảnh này à, bảo không, tớ đã ra đấy đâu, tháng 7 mới ra chứ, còn phải gom tiền đã. Thế ai chụp ảnh? À, một bạn trẻ, tự nhiên đi qua thấy có lại tên tớ thì phấn khởi chụp gửi cho tớ.

Kể lại chuyện này, rồi định “rút ra” vài điều như thường làm thế. Nhưng đến đây thì lại nghĩ, bản thân câu chuyện này tự nó đã nói lên bao điều rồi, “tóm lại”, “rút ra”, “kết luận”... nó lại hỏng câu chuyện đi. Vấn đề cuối cùng là, thơ Lê Bá Dương giờ lại “được” mang tên Lê Bá Dương. Còn thì, thiếu gì điều khó hiểu hơn vẫn đang diễn ra hàng ngày, có lý giải được đâu? Và tôi cũng xin cố kể bằng giọng văn trần thuật chứ không mướt mát tỉ tê như mọi khi, chỉ để làm một việc, cố ghìm cảm xúc của mình để câu chuyện nó lên hết bản chất của nó...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top