Aa

Cienco5 khẳng định thông tin “mất vốn nhà nước” tại Cienco5 và Cienco 5-Land là không chính xác

Võ Duy Nghĩa
Võ Duy Nghĩa nhannghia.reatimes@gmail.com
Thứ Năm, 19/05/2016 - 23:03

Ninh Nhi | Ông Hà Hùng - Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP (Cienco 5) chính thức lên tiếng cho biết thông tin “mất vốn nhà nước” tại Cienco 5 và doanh nghiệp...

Cienco5 khẳng định thông tin “mất vốn nhà nước” tại Cienco5 và Cienco 5-Land là không chính xác

Ảnh minh họa.

Đây là lần đầu tiên có thông tin chính thức của Cienco 5 từ người đang nắm giữ vai trò Tổng Giám đốc điều hành, thành viên HĐQT và là người đại diện phần vốn nhà nước tại Cienco5. Sau khi xuất hiện một số thông tin cho rằng việc thay đổi vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 và doanh nghiệp dự án là “có dấu hiệu mất vốn nhà nước”.

Báo Xây dựng trích dẫn toàn bộ thông tin chính thức từ ông Hà Hùng về diễn biến chính của quá trình hình thành, tăng vốn điều lệ tại Cienco5-Land và quản lý vốn nhà nước tại Cienco 5….

Cụ thể, theo ông Hà Hùng, doanh nghiệp dự án Cienco5-Land được thành lập theo Quyết định số 2046 (4/12/2007) của HĐQT Cienco 5 với quy mô vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Trong đó Cienco 5 nắm giữ 49% vốn điều lệ, tương ứng 24,5 tỷ đồng. Việc thành lập Cienco 5-Land thuộc thẩm quyền của Cienco 5, được quy định trong điều lệ tổ chức và hoạt động của Cienco 5 đã được Bộ GTVT phê duyệt. Đến nay, trong 4 lần Cienco 5-Land tăng vốn điều lệ (năm 2009, 2010, 2013, 2014), phía Cienco 5, Cienco 5-Land đều thông báo quyền đầu tư theo đúng quy định và bình đẳng với các nhà đầu tư khác.

Trong đó, năm 2009, Cienco 5-Land tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ lên 100 tỷ đồng. Do tình tình tài chính của Tổng công ty đang gặp khó khăn và khó có thể thực hiện việc góp vốn, HĐQT Cienco 5 ra Nghị quyết số 1004 (ngày 9/9/2009), xác định không đầu tư tăng vốn góp Cienco 5 vào Cienco 5-Land, đồng thời bán bớt phần vốn (1.950.000 cổ phần) của Tổng công ty tại Cienco 5-Land; giảm số cổ phần của Cienco 5 nắm giữ tại Cienco 5-Land chiếm 5% vốn điều lệ (5 tỷ đồng/100 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Cienco 5 giao cho người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại Cienco 5-Land bán quyền mua 2.450.000 cổ phần phát hành thêm với giá tối thiểu là: 1.000 đồng/quyền mua 1 cổ phần (tương ứng 2,45 tỷ đồng).

Điều này, theo ông Hùng là hoàn toàn đúng thẩm quyền, không trái luật và phù hợp với quy định tại khoản 3, Điều 20 - Điều lệ Tổng công ty (được Bộ GTVT phê duyệt ngày 05/01/2009, nêu rõ: HĐQT Cienco 5 được quyết định hoặc phân cấp cho Tổng Giám đốc quyết định các dự án đầu tư, góp vốn, mua bán cổ phần, tài sản có giá trị đến 50% tổng giá trị tài sản trên báo cáo tài chính công bố tại quý gần nhất của Tổng công ty. Tổng giá trị tài sản theo Báo cáo tài chính năm 2008 của Cienco 5 là 3.706,78 tỷ đồng; năm 2009 là 4.045,87 tỷ đồng-PV), phù hợp tình hình tài chính của Tổng công ty. Đồng thời, chủ trương này đúng tinh thần tại các Nghị định 78/2007, Nghị định 108/2009 về việc không khuyến khích sử dụng vốn Nhà nước tại các dự án BT.

Đến năm 2010, khi Cienco 5-Land tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ lên 200 tỷ theo tỷ lệ 1:1, để đảm bảo vốn góp của Tổng công ty tại Cienco 5-Land là 5% vốn điều lệ, HĐQT Cienco 5 ra Nghị quyết số 827/NQ-HĐQT (17/8/2010) thống nhất mua thêm 500.000 cổ phần để tăng vốn góp từ 5 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng.

Năm 2013, Cienco 5-Land tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng. Ngày 11/9/2013 Cienco 5 đã có tờ trình số 1300/TCT-TCKT trình Bộ GTVT xin phép đầu tư thêm vốn vào Cienco 5-Land để đạt đến tỷ lệ 36% vốn điều lệ, nhằm tăng cường việc thực hiện trách nhiệm nhà đầu tư của Tổng công ty đối với Dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ).

Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT lúc này không cho các đơn vị như Cienco 5 tăng vốn ra ngoài ngành. Bộ GTVT có văn bản số 9918 (ngày 19/9/2013) không đồng ý cho phép Cienco 5 tiếp tục đầu tư vào Cienco 5-Land, mà tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành công tác cổ phần hoá Cienco 5 theo đúng thời gian quy định. Vì vậy, đến nay Cienco 5 vẫn đang nắm giữ 5% vốn điều lệ tại Cienco 5-Land.

Trên tinh thần chỉ đạo này, năm 2014 khi Cienco 5-Land tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ lên 400 tỷ đồng, Cienco 5 chỉ tăng tăng vốn góp từ hơn 10 tỷ đồng lên hơn 20 tỷ đồng, giữ tỷ lệ vốn góp là 5% vốn điều lệ.

Ông Hùng khẳng định: Cienco 5 không hề mất vốn khi đầu tư vào Cienco 5-Land mà ngược lại còn thu lãi gấp gần 6 lần số vốn đăng ký góp ban đầu vào Cienco 5-Land.

Việc thực hiện các dự án tại Cienco 5-Land, ông Hà Hùng thông tin chính thức: Ngày 18/4/2008, Cienco 5 (chủ đầu tư) cùng với Cienco 5-Land đã ký hợp đồng Xây dựng - chuyển giao Dự án đường trục phía Nam Tỉnh Hà Tây (cũ) số 02/HĐBT với Sở GTVT tỉnh Hà Tây (cơ quan nhà nước được UBND Tỉnh Hà Tây cũ ủy quyền làm đại diện). Ngày 6/5/2010, nhằm tạo ra khoản lợi nhuận góp phần lành mạnh hóa nền tài chính Tổng công ty trước khi tiến hành cổ phần hóa, Chủ tịch HĐQT Cienco 5 đã họp và ra Nghị quyết số 489/HĐQT (ngày 7/5/2010) về việc thống nhất chủ trương giao các dự án tại địa bàn Hà Tây-Hà Nội cho Cienco 5-Land thực hiện, với mức khoán lợi nhuận 2% giá trị chi phí sử dụng đất phải nộp cho TP Hà Nội với tổng số tiền thu từ các dự án do Cienco 5-Land thực hiện là 137,73 tỷ đồng.

Trước khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa công ty mẹ (30/6/2013), Cienco 5-Land đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Tổng công ty. Như vậy, ngoài 5% cổ phần hiện vẫn đang nắm giữ tại Cienco 5-Land, Cienco 5 đã thu lợi nhuận 2,450 tỷ đồng từ việc bán quyền mua cổ phần năm 2009 (như đã trình bày ở trên) và 137,73 tỷ đồng từ việc khoán lợi nhuận để giao Cienco 5-Land thực hiện dự án nêu trên. Cienco 5 không hề mất vốn khi đầu tư vào Cienco 5-Land, mà ngược lại còn thu lãi gấp gần 6 lần số vốn đăng ký góp ban đầu vào Cienco 5-Land.

Về quản lý vốn nhà nước tại Cienco 5, ông Hà Hùng chỉ rõ, theo kết quả kiểm toán nhà nước qua các năm 2007, 2009, 2012 cho thấy việc tăng trưởng vốn nhà nước tại Cienco 5 liên tục tăng từ 50,5 tỷ đồng (năm 2007) lên 388 tỷ đồng (năm 2012). Theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá Cienco 5 đã được phê duyệt tại thời điểm 30/6/2013 thì vốn nhà nước tại Cienco 5 là 438 tỷ đồng. Sau khi cổ phần hoá, vốn điều lệ của Cienco 5 là 439 tỷ đồng. Với những số liệu nêu trên, cho thấy vốn nhà nước đã tăng trưởng đáng kể qua các năm trước khi cổ phần hoá. Cụ thể trong 6 năm từ 2007-2013, vốn nhà nước đã tăng 8,67 lần chưa bao gồm khoản thặng dư vốn 101 tỷ đồng từ việc thoái vốn nhà nước ngày 31/12/2015. Do đó, thông tin về việc mất vốn nhà nước tại Cienco 5 là hoàn toàn không có cơ sở.

Trước đó, một số cơ quan thông tin dẫn nội dung văn bản của ông Lê Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Cienco 5 (đại diện phần vốn của nhà đầu tư chiến lược Công ty Hải Phát) gửi cơ quan nhà nước, báo chí, cho rằng việc thay đổi vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn điều lệ tại doanh nghiệp dự án của Cienco 5 không phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng ban đầu khi thành lập. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của Cienco 5 tại Cienco 5-Land chỉ còn 5% vốn điều lệ (thay vì 49% vốn điều lệ ở giai đoạn đầu thành lập), có dấu hiệu mất vốn nhà nước và có dấu hiệu của việc chuyển nhượng dự án sai quy định khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục thoái vốn nhà nước.

Ông Hà Hùng khẳng định: Với các phân tích ở trên một lần nữa tôi xin khẳng định các ý kiến trên của ông Vinh là không có cơ sở, không chính xác. Tất cả các nghị quyết của Hội đồng quản trị Tổng công ty đều đúng với các qui định của pháp luật và điều lệ của Tổng công ty, đặc biệt đều được thực hiện công khai minh bạch với sự đồng thuận rất cao của tập thể lãnh đạo Tổng công ty. Mặt khác, ông Vinh đã ký các văn bản và phát ngôn khi không có chỉ đạo của Tổng Giám đốc là trái với thẩm quyền và không có giá trị.


Theo Báo Xây Dựng

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top