Aa

Có được buôn bán, sử dụng bao lì xì in hình tiền Việt Nam không?

Thứ Hai, 04/02/2019 - 14:30

Mừng tuổi đầu năm vốn được coi là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam trong dịp tết Nguyên đán. Lì xì là biểu tượng cho mong muốn của sự may mắn và hạnh phúc cho một năm.

Chị Hoàng Hà (Hà Nam) đặt câu hỏi: Gần đến tết tôi thấy trên thị trường có rao bán các loại bao lì xì có in hình tiền Việt Nam với các mệnh giá từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng. Luật sư cho biết việc bán và sử dụng các bao lì xì trên có vi phạm pháp luật không? Nếu có, bị xử phạt như thế nào?

7x7a0307-0936

Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest (Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198) trả lời:

Khoản 3 Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong đó có hành vi “Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước”.

Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: "Hàng cấm” gồm hàng hóa cấm kinh doanh; hàng hóa cấm lưu hành, sử dụng; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam”.

Như vậy, việc sao chụp hình tờ tiền Việt Nam để in bao lì xì mà không có sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Do đó, những bao lì xì có in hình tiền Việt Nam thuộc vào danh mục hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam và bị coi là hàng cấm theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định mức về mức phạt đối với hành vi buôn bán hàng cấm thì mức phạt thấp nhất đối với hành vi buôn bán hàng cấm là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị dưới 1.000.000 đồng và mức phạt cao nhất là 100.000.000 đồng. Trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài hình phạt trên, người vi phạm còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ tang vật; Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 70.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà người buôn bán, sản xuất hàng cấm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, mức hình phạt thấp nhất đối với tội sản xuất, buôn bán hàng cấm là phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Đối với trường hợp người phạm tội là pháp nhân thương mại thì pháp nhân thương mại có thể bị phạt từ 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top