Aa

Cổ phiếu bất động sản đua nhau tăng trần

Thứ Ba, 17/03/2020 - 20:35

Một số cổ phiếu trụ cột nhận được lực cầu bắt đáy mạnh và hồi phục tốt như FPT, HPG, REE hay PLX, các chỉ số chính vì vậy cũng thu hẹp đáng kể đà giảm.

Trước khi bước vào phiên giao dịch mới, nhà đầu tư đón nhận một số thông tin không mấy tích cực. Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc, trong đó, Dow Jones giảm 2.997,1 điểm, tương đương 12,93%. S&P 500 giảm 324,89 điểm, tương đương 11,98% - đây là phiên giảm mạnh nhất của S&P 500 kể từ “thứ Hai đen” hồi tháng 10/1987. Cùng với đó, dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp khi xuất hiện tại 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, với số ca nhiễm là hơn 182.000 người và số ca tử vong là hơn 7.100 người.

Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục tỏ ra bi quan và khiến lực bán bị đẩy lên cao ngay từ đầu phiên giao dịch. Hàng loạt cổ phiếu trụ cột tiếp tục lao dốc và đẩy các chỉ số thị trường lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu. PNJ và VPB tiếp tục bị kéo xuống mức giá sàn. Có thời điểm VN-Index giảm đến hơn 26 điểm.

Tuy nhiên, sự tiêu cực của thị trường chung không duy trì được quá lâu khi một số cổ phiếu trụ cột nhận được lực cầu bắt đáy mạnh và hồi phục tốt như FPT, HPG, REE hay PLX, các chỉ số chính vì vậy cũng thu hẹp đáng kể đà giảm.

Tâm điểm của thị trường diễn ra trong phiên chiều khi xuất hiện thông tin sẽ giảm 4 loại giá dịch vụ chứng khoán phái sinh ngay trong tuần này. Nhóm cổ phiếu chứng khoán nhờ thông tin này đồng loạt hồi phục mạnh, trong đó, SSI và HCM được kéo lên mức giá trần. Đà hồi phục của nhóm chứng khoán cũng lan tỏa đến nhiều nhóm cổ phiếu trụ cột khác.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa vẫn diễn ra như phiên trước. Với sự khởi sắc từ thị trường chung, nhiều cổ phiếu nhóm ngành này đồng loạt bứt phá. Các mã như IDJ, FIT, NTl, VRC, HAR, HQC, TNT, CSC... đều được kéo lên mức giá trần. HQC tiếp tục giao dịch sôi động với 6 triệu cổ phiếu khớp lệnh. Bên cạnh đó, các mã tăng mạnh trong nhóm này còn có NDN (7,2%), PXL (6,6%), HDC (6,5%), SCR (6,5%), SJS (5,9%), FLC (4,2%), DXG (4,2%).

Chiều ngược lại, vẫn còn đó những cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản “miễn nhiễm” với đà hồi phục chung. Trong đó, DRH, CRE hay PVL vẫn bị kéo xuống mức giá sàn. Đáng kể nhất là trường hợp của 3 cổ phiếu họ “Vin” là VIC, VHM và VRE. Cả 3 cổ phiếu này đều giảm sâu và cùng với SAB là nguyên nhân chính khiến VN-Index không thể tăng trở lại trong phiên hôm nay. 

Các cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Nguồn: VDSC.

VN-Index kết thúc phiên giao dịch giảm 2,08 điểm (-0,28%) xuống 745,78 điểm. HNX-Index tăng 1,1 điểm (1,1%) lên 100,72 điểm. UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (0,32%) lên 50,31 điểm.

Các cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường. Nguồn: VDSC.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, tổng khối lượng giao dịch trên 3 sàn đạt 366 triệu cổ phiếu, trị giá 5.200 tỷ đồng. Trong top 10 khối lượng khớp lệnh toàn thị trường có 3 cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản là FLC (13,33 triệu cổ phiếu), DLG (12 triệu cổ phiếu) và HQC (6 triệu cổ phiếu).

Khối ngoại vẫn duy trì chuỗi bán ròng dài trên cả 2 sàn niêm yết HoSE và HNX. Ở sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 564 tỷ đồng, tăng 46% so với phiên trước. Khối ngoại sàn này đã bán ròng trong 26 phiên liên tiếp với tổng giá trị 6.100 tỷ đồng. Tương tự, khối ngoại tại HNX cũng bán ròng 22 phiên liên tiếp và đạt tổng cộng 802 tỷ đồng. Ở chiều bán ròng, trong top 10 có sự xuất hiện của một cổ phiếu bất động sản là ITA với 930 triệu đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top