Aa

Cổ phiếu bất động sản lại “nằm sàn” hàng loạt

Thứ Sáu, 20/03/2020 - 19:30

Thị trường tiếp tục giảm sâu trong phiên giao dịch cuối tuần trước áp lực đến từ nhiều cổ phiếu lớn. Nhiều cổ phiếu bất động sản bị kéo xuống mức giá sàn.

Thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày cuối tuần với sự hồi phục từ nhiều cổ phiếu lớn, các chỉ số vì vậy cũng đồng loạt tăng điểm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tâm lý nhà đầu tư vẫn đang ở trạng thái mong manh và chỉ cần một động thái không tích cực nào đó xuất hiện là có thể khiến sự tiêu cực quay trở lại.

Thị trường hồi phục không được lâu sau khi mở cửa, thay vào đó, áp lực bán dần tăng cao đã đẩy hàng loạt cổ phiếu trụ cột lao dốc và điều này cũng khiến các chỉ số đảo chiều giảm điểm. Trong đó, VN-Index chịu áp lực rất lớn và đến từ bộ 3 cổ phiếu VIC, VHM và VRE. Trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, cả 3 cổ phiếu này liên tục chịu áp lực bán rất mạnh. Chốt phiên, VIC, VHM và VRE đều bị kéo xuống mức giá sàn.

Lực bán của 3 cổ phiếu trên xuất hiện chủ yếu do khối ngoại bán ra. VIC khớp lệnh 1 triệu cổ phiếu, trong đó khối ngoại bán ra 760.000 cổ phiếu. VHM khớp lệnh 1,35 triệu cổ phiếu trong đó khối ngoại bán ra 1,2 triệu cổ phiếu. Tương tự, khối ngoại cũng bán ra 2 triệu cổ phiếu VRE trong khi tổng khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu này cũng chỉ là 2,7 triệu cổ phiếu. Khối ngoại bán mạnh 3 cổ phiếu này dường như không hẳn do ảnh hưởng của việc cơ cấu danh mục của 2 quỹ ETF là V.N.M Và FTSE. Ở kỳ cơ cấu này, theo dự tính trước đó của một số đơn vị, VIC và VHM bị giảm tỷ trọng không nhiều trong khi VRE lại được tăng tỷ trọng.

Bên cạnh đó, VCB và BVH cũng là 2 cái tên đáng chú ý khi gây áp lực rất lớn lên VN-Index. VCB giảm 6,8% xuống 61.500 đồng/cp. BVH giảm 6,5% xuống 34.700 đồng/cp.

Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí đóng vai trò quan trọng trong việc kìm hãm đà giảm của VN-Index, thậm chí còn duy trì được sắc xanh của HNX-Index. GAS phiên hôm nay tăng 4,7%, PVD tăng trần còn PVS tăng 7,7%. Nhóm cổ phiếu dầu khí đã có phản ứng tích cực với sự hồi phục mạnh của giá dầu thế giới. Cụ thể, chốt phiên 19/3, giá dầu WTI tương lai tăng 4,85 USD, tương đương 24%, lên 25,22 USD/thùng. Giá dầu Brent tương lai tăng 3,59 USD, tương đương 14,4%, lên 28,47 USD/thùng.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa đã diễn ra nhưng khác với phiên trước khi sắc đỏ chiếm ưu thế hơn. Bên cạnh 3 ông lớn VIC, VHM và VRE thì các cổ phiếu như FDC, HQC, QCG, DTA, TCH, VRC, DRH hay AMD cũng đều bị kéo xuống mức giá sàn. HQC tiếp tục giao dịch sôi động với 11,6 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu như FIT, CLG, KDH, TIG, HAR, FLC, SCR... vẫn đồng loạt giảm sâu.

Chiều ngược lại, PPI, PFL, NVT, ITC... là những cổ phiếu bất động sản giao dịch tích cực khi đều được kéo lên mức giá trần nhưng đa số thanh khoản ở mức thấp. Bên cạnh đó, IDJ tăng 5,8%, NTC tăng 4,6%, SJS tăng 3,3%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 16,21 điểm (-2,23%) xuống 709,73 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,8 điểm (0,79%) lên 101,79 điểm. UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,1%) xuống 49,35 điểm.

Top khối lượng khớp lệnh phiên 20/3. Nguồn: VDSC.

Thanh khoản thị trường chỉ ở mức tương đương phiên trước dù đây là ngày cơ cấu của 2 quỹ ETF. Tổng khối lượng giao dịch đạt 305 triệu cổ phiếu, trị giá 4.914 tỷ đồng. Những cổ phiếu bất động sản vẫn góp mặt trong danh sách khớp lệnh nhiều nhất thị trường là HQC, FLC, DLG và AMD.

Khối ngoại phiên hôm nay do ảnh hưởng từ việc 2 quỹ ETF cơ cấu nên đẩy mạnh bán ròng đến 978 tỷ đồng. Ở sàn HoSE, khối ngoại đã có 29 phiên bán ròng liên tiếp với tổng giá trị 8.108 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản như NVL, VHM, VIC hay VRE đều bị khối ngoại bán ròng mạnh. Trong đó, NVL bị bán ròng hơn 77 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, trong "top" mua ròng của khối ngoại có các mã bất động sản là TCH, SCR... nhưng giá trị đều không quá cao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top