Aa

Thị trường chứng khoán rung lắc trong phiên 4/2, cổ phiếu BĐS phân hóa

Thứ Sáu, 05/02/2021 - 06:00

Diễn biến giao dịch trong phiên 4/2 khá nhàm chán với việc các chỉ số biến động hẹp quanh mốc tham chiếu trước sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột.

Sau 2 phiên giao dịch khá hưng phấn, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động theo chiều hướng rung lắc giằng co với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu lớn.

Thị trường khởi động phiên 4/2 với sắc đỏ áp đảo ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index vì vậy cũng bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu ngay sau đó đã dâng cao trở lại và giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu.

Tuy nhiên, khác với các phiên trước, dường như tâm lý nghỉ tết đã khiến lực cầu tỏ ra không còn dứt khoát và các chỉ số không thể bứt phá, thay vào đó, diễn biến giằng co rung lắc là chủ đạo.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn phân hóa rất mạnh, trong đó, các mã như PVD, FPT, VPB, GVR, SAB… giữ được sắc xanh và góp phần giúp các chỉ số kết phiên với mức tăng điểm nhẹ. PVD tăng 4,8%, FPT tăng 3,6%, VPB tăng 3,2%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Ở chiều ngược lại, sắc đỏ bao trùm lên hàng loạt cổ phiếu lớn khác, trong đó, STB giảm 2,2%, HDB giảm 1,9%, TPB giảm 1,1%...

Nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn sau 2 phiên bứt phá đã có sự điều chỉnh ở phiên 4/2, trong đó, VIC giảm 2,3%, NVL giảm 1,8%, VRE giảm 1,5%, BCM giảm 0,9%, IDC giảm 2,5%. Trong khi đó, VHM và THD vẫn còn giữ được đà tăng. THD tăng 0,3% còn VHM tăng 1,2%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, sự phân hóa cũng là rõ nét, các cổ phiếu tăng giá đáng chú ý có FIT, CIG và PVL khi được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, OGC tăng 6,8% lên 6.150 đồng/cp, NTC tăng 6,7% lên 224.900 đồng/cp, NRC tăng 5% lên 21.000 đồng/cp, KDH tăng 3,3% lên 32.700 đồng/cp, NDN tăng 2,9% lên 21.500 đồng/cp, KBC tăng 2,3% lên 40.150 đồng/cp. KBC mới đây cho biết chỉ tính trên các hợp đồng đã ký năm 2020 và đầu năm 2021, công ty ước tính kết quả doanh thu hợp nhất ước đạt 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu từ các KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu và Khu đô thị Phúc Ninh và Khu đô thị Tràng Duệ.

Ở chiều ngược lại, khá nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ có thanh khoản cao giảm giá, trong đó, HPX giảm 3,4% xuống 37.250 đồng/cp, BII giảm 8% xuống 6.900 đồng/cp, HAR giảm 2% xuống 4.900 đồng/cp, DIG giảm 1,7% xuống 28.500 đồng/cp.

Kết thúc phiên, VN-Index tăng 0,9 điểm (0,08%) lên 1.112,19 điểm. Toàn sàn có 209 mã tăng, 220 mã giảm và 61 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,06 điểm (0,03%) lên 223,68 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng, 89 mã giảm và 49 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (1,04%) lên 74,06 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn suy giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 13.952 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 617 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.874 tỷ đồng. FLC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 10,7 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại giảm đáng kể giá trị mua ròng trong phiên 4/2 với 164 tỷ đồng. VHM, PDR và KBC đều nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại, trong đó, VHM được mua ròng 129 tỷ đồng. PDR và KBC lần lượt là 26 tỷ đồng và 16 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VRE là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại.

Theo CTCP Chứng khoản Bảo Việt (BVSC), thị trường được dự báo sẽ tăng điểm nhẹ với diễn biến giằng co, tăng giảm đan xen trong phiên cuối tuần. Nếu Vn-Index đóng cửa cao hơn vùng 1.115 - 1.118 điểm, chỉ số sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 1.180 - 1.200 điểm trong thời gian tới. Dòng tiền vào thị trường có thể bị suy giảm đôi chút do các nhà đầu tư hạn chế giao dịch trước kỳ nghỉ lễ dài ngày đang đến gần. Điều này có thể khiến diễn biến thị trường có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong dịp cận tết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top