Aa

Cổ phiếu ngân hàng giảm 20% trong quý I/2020

Thứ Năm, 02/04/2020 - 17:30

Ngoại trừ cổ phiếu SHB tăng 127%, các cổ phiếu ngân hàng trung bình giảm 20% trong quý I/2020.

Cổ phiếu ngân hàng giảm giá chậm hơn Vn-Index

Trong quý I/2020, dịch Covid-19 đã khiến Vn-Index mất khoảng 30% điểm. Hiện tại, thị trường bắt đầu có phiên tăng điểm nhưng đà giảm có lẽ chưa dừng cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát tại Việt Nam và toàn cầu. 

Trong đó, cổ phiếu nhóm ngân hàng cũng đã giảm từ 4-36%. Nhưng mã giảm trên 30% bao gồm MBB, TCB, VCB, BIDV và HDB. Giảm trên 20% gồm có ACB, STB, LPB, VIB. Các mã giảm trên 10% gồm KLB, EIB, CTG, TPB. Hai mã VBB và BAB giảm 4-8%.

Riêng SHB tăng 127% trong quý I/2020. Trong năm 2019, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 3.077 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2018 và vượt kế hoạch. Nhìn chung, SHB ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2019 nhưng so với mặt bằng chung của các ngân hàng thì các con số trên không quá nổi trội.

Giá cổ phiếu SHB tăng mạnh xung quanh thông tin đang thuộc một trong hai ngân hàng sẽ được phép nới room ngoại lên 49% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua. Theo đó, đối với lĩnh vực ngân hàng, trong vòng 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ cổ phần lên 49% vốn điều lệ tại 2 ngân hàng TMCP của Việt Nam.

Cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng TMCP mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank. Chính vì vậy, SHB là một trong những ngân hàng được kỳ vọng sẽ được nới room.

Trước đó, cổ phiếu SHB đã có thời gian tích lũy gần 2 năm nhưng gần đây giá tăng tốc, nhanh chóng tiến đến vùng đỉnh 10 năm qua là ngưỡng 11.000 đồng/cổ phiếu. Hiện SHB đang ở mức 12.900 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu ngân hàng giảm giá quý I/2020

Năm 2019, cổ phiếu ngân hàng là nhóm ngành dẫn dắt thị trường chứng khoán tăng điểm. Nhiều biến động với hệ thống tài chính Việt Nam mà chủ đạo là hệ thống ngân hàng thương mại trước các chính sách điều hành mới nhưng đây cũng là năm khả quan với ngành này khi chỉ số kinh doanh của nhiều nhà băng tăng trưởng khởi sắc.

Chẳng hạn như Vietcombank với mức tăng gần 70% về giá, đưa vốn hóa ngân hàng này vượt 14,5 tỷ USD năm 2019, đứng đầu ngành ngân hàng và đứng thứ hai trên thị trường chứng khoán. Đà tăng của VCB được lý giải bởi kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng mạnh qua các quý, chất lượng tài sản ngày càng cải thiện. Đặc biệt lợi nhuận năm 2019 của VCB chính thức cán mốc tỉ đô-la Mỹ (23.185 tỉ đồng), sớm hơn một năm so với kế hoạch.

Cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng là cổ phiếu của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tăng gần 40% trong năm 2019 với động lực chính là thương vụ bán 15% vốn cho KEB Hana Bank, đánh dấu thương vụ M&A với giá trị lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng, với hơn 875 triệu USD.

Trong báo cáo ngành ngân hàng cập nhật mới đây, Maybank KimEng Việt Nam nâng triển vọng từ trung lập lên tích cực dựa trên ba yếu tố chính. Trong đó, bao gồm nền kinh tế vĩ mô ổn định cùng các chính sách điều tiết của Ngân hàng Nhà nước đang hỗ trợ tốt cho tăng trưởng của ngành cũng như khả năng sinh lời. Bên cạnh đó định giá của hầu hết cổ phiếu ngân hàng đầu ngành đang ở mức thấp gắn với khả năng sinh lời 18%-20%.

Dịch covid-19 khiến ngân hàng khó khăn

Giá cổ phiếu dòng ngân hàng giảm mạnh chủ yếu do nằm trong xu thế chung của thị trường và tâm lý e ngại của nhà đầu tư. Ngoài ra, một phần nhà đầu tư cũng lo ngại kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ không được như mong đợi trước đó.

Nếu các doanh nghiệp ngành kinh doanh, dịch vụ hay sản xuất cân nhắc chuyện lãi suất và vốn vay, thì ngược lại các ngân hàng cũng lo không cho vay được, dẫn đến doanh thu sụt giảm. 

Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ 0,06% trong 2 tháng đầu năm, giảm mạnh so với mức 1% của cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp nhất cùng kỳ 6 năm trở lại đây cho thấy các ngân hàng và doanh nghiệp đang khó khăn. 

Tổng tín dụng toàn nền kinh tế cuối năm 2019 ở mức 8,19 triệu tỷ đồng. Như vậy, tín dụng 2 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng thêm chưa đầy 5.000 tỷ. 

Trong khi đó, tại ngân hàng có quy mô tín dụng lớn nhất Việt Nam - BIDV, tác động của dịch bệnh cũng thể hiện rõ khi tín dụng 2 tháng bị giảm tới 2%, huy động giảm 1,6%.

Tốc độ giải ngân tín dụng trong hai tháng đầu năm chậm lại, đồng nghĩa với viễn cảnh tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng có thể phải điều chỉnh lại cho cả năm.

Trong giai đoạn dịch Covid-19, các ngân hàng được giao thêm trách nhiệm quan trọng là hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, các ngân hàng có vai trò ổn định kinh tế xã hội, khơi thông dòng trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, nhu yếu phẩm kịp thời để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo một số ngân hàng chia sẻ, cho biết dù đã rất chủ động trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp ngay từ khi dịch bệnh phát triển, ngân hàng này nhận thấy việc rà soát các khách hàng bị ảnh hưởng không hề dễ dàng.

Với những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp thì việc xác định có những tiêu chí và căn cứ nhất định thông qua lịch sử kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng với những doanh nghiệp chịu tác động gián tiếp bởi dịch Covid-19, ảnh hưởng sẽ khó định lượng, đòi hỏi cả phía ngân hàng và doanh nghiệp nỗ lực tìm tiếng nói chung để tìm hướng hỗ trợ hiệu quả và thực tiễn nhất.

Ngân hàng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp chống dịch Covid-19

Về bản chất, các ngân hàng cũng là nhà kinh doanh nhưng hoạt động trong một lĩnh vực chứa đựng nhiều sự rủi ro và phải tuân thủ nhiều quy định về cho vay, nên không thể dễ dàng nới lỏng các quy định cho vay, nhằm tránh gây ra các hậu quả như nợ xấu tăng cao hay mất khả năng thanh khoản.

Khi các ngành kinh doanh khác đang thấm dần sự ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động kinh doanh phải tạm thời đóng cửa hoặc suy giảm nghiêm trọng thì các ngân hàng phải cân đo đong đếm vấn đề giảm lãi suất cho khách hàng và nỗi lo nợ quá hạn.

Chưa kể, trong mùa dịch Covid-19, hầu hết các ngân hàng đều chưa thể tổ chức Đại hội cổ đông thường niên để quyết các vấn đề quan trọng về kế hoạch, định hướng kinh doanh cũng như vấn đề nhân sự. Và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của các nhà băng.

Tuy nhiên, có thể dự đoán rằng, với tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh hiện nay, kinh tế trong và ngoài nước trầm lắng, các ngân hàng cũng bắt đầu rục rịch đánh giá, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình khó khăn chung. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top