Aa

Có vay, có trả: Nguyên tắc số 1 để gia tăng cơ hội vay vốn

Thứ Tư, 18/03/2020 - 13:20

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, người đi vay nên tính toán để khoản trả nợ chiếm khoảng 30-50% thu nhập hàng tháng, đảm bảo mình luôn trả nợ đúng hạn.

Bởi nếu như không trả nợ đúng hạn sẽ bị nhảy nợ xấu, ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của người vay sau này.

Vì sao vay thì dễ, trả thì khó?

Trong những năm qua, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính có những bước phát triển vượt bậc, tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận vốn. Nhưng mở rộng tín dụng tiêu dùng cũng kéo theo tỷ lệ nợ quá hạn tăng mạnh. Điều đó đồng nghĩa với việc đôn đốc, thu hồi nợ trở thành một công việc chịu không ít áp lực, đôi khi nhận phải những phản ứng của dư luận của những công ty tài chính dù họ đang làm đúng luật.

Mặc dù “có vay, có trả” nhưng không ít khách hàng “dễ vay, khó trả”. Một số không nhỏ người đi vay thiếu ý thức trả nợ, chây ỳ, chuyển khỏi cư trú để trốn nợ. Mặc dù biện pháp thu hồi nợ của công ty tài chính và các công ty dịch vụ đòi nợ được phép chủ yếu là nhắc nợ và đôn đốc nhưng với những khách hàng kém ý thức thì khó chịu, phản ứng, thậm chí hành hung nhân viên thu hồi nợ tới mức chấn thương nghiêm trọng phải nhập viện cấp cứu.

Những sự việc nghiêm trọng này ít được biết đến, trong khi những bức xúc, nhiều khi do hiểu lầm (do không ý thức hết nghĩa vụ thanh toán nợ của khách hàng) được đăng tải với tần suất cao khiến dư luận hiểu chưa đầy đủ vấn đề của hai bên, bất lợi với đơn vị cho vay là công ty tài chính.

Trả nợ cũng là tự trọng

Thời nay, việc vay tiền từ người quen, họ hàng… đã trở nên bất đắc dĩ. Khi cần tiền tiêu dùng, kinh doanh, người dân thường đến các tổ chức cho vay chuyên nghiệp như công ty tài chính. Khi quyết định giải ngân, các công ty tài chính tin tưởng vào lòng tự trọng, khả năng trả nợ của khách hàng.

Trao đổi với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết: “Để khoản vay hiệu quả, trước khi vay tiền tại các công ty tài chính, người vay cần hiểu rõ 4 điều. Thứ nhất, năng lực tài chính của mình. Thứ hai là mục đích vay tiền làm gì? Thứ ba, khi vay tìm hiểu kỹ hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp. Thứ tư, nên kiểm tra kỹ các điều kiện liên quan đến lãi suất, phí để có thể đảm bảo phương án trả nợ. Một khi đã ký vào hợp đồng vay nợ, người đi vay cần tính toán phương án trợ nợ đúng hạn, đúng cam kết, tránh trường hợp quá hạn vay, sẽ bị phạt rất nặng”.

Theo TS. Cấn Văn Lực, người đi vay nên tính toán để khoản trả nợ chỉ nên chiếm tối đa khoảng 30 - 50% thu nhập hằng tháng, để đảm bảo mình luôn trả nợ đúng hạn. Đặc biệt, người vay tiền nên có ý thức thực hiện đúng cam kết, trích phần thu nhập vào tài khoản trả nợ ngân hàng, chứ không thể tuỳ hứng tiêu pha lung tung.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc FE Credit cho biết: “Việc thực hiện thanh toán đúng thời hạn theo thỏa thuận ban đầu giúp cho khách hàng không bị phát sinh thêm các khoản phí về lãi suất và phí phạt. Lịch sử tín dụng tốt sẽ hỗ trợ cho khách hàng có nhiều cơ hội tiếp cận với việc vay vốn với nhiều kênh khác nhau và được hỗ trợ nhanh chóng hơn. FE Credit luôn có trách nhiệm khi cấp tín dụng cho các khách hàng của mình. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất mong khách hàng hiểu và thực hiện đúng, có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với các khoản vay và thông tin của mình nhằm tránh những hiểu lầm đáng tiếc có thể xảy ra giữa công ty tài chính và khách hàng”.

Các chuyên gia tài chính - ngân hàng đều cho rằng, để có thể thực hiện thanh toán đúng thời hạn theo thỏa thuận ban đầu, khách hàng cần nghiên cứu kỹ hợp đồng, tìm hiểu kỹ về các khoản vay và ước lượng chính xác năng lực tài chính, khả năng trả nợ của bản thân. Đó cũng là cách để khách hàng vừa sử dụng hiệu quả vốn vay, vừa có cơ hội lớn để tiếp tục tiếp cận với những khoản vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top