Aa

Cơm nguội

Chủ Nhật, 14/04/2019 - 06:01

Bát cơm nguội mỗi chiều ấy hình như ám ảnh chúng tôi hết cả cuộc đời. Cũng chẳng phải vì ngon. Dù khi đói thì nhai gốc tre cũng ngọt, ấy là lời bố tôi hay nói khi xưa...

Mãi đến hồi ra Thủ đô học đại học tôi mới được nghe bài hát tuyệt hay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về mùa thu Hà Nội.

Một trong những bài hát hay nhất về mùa thu của đất kinh kỳ. Thành một trong những bài tôi khoái nhất. Nhưng sau này mỗi khi ngân nga câu, “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ...” tôi lại không nhớ lắm đến cây cơm nguội bên Hồ Gươm mà lại nhớ đến bát cơm nguội thủa thơ bé ở quê! Đến lạ.

Xưa nhà tôi nghèo. Bố mẹ tôi chạy vạy đủ kiểu cũng chả đủ cho anh em chúng tôi ngày được ba bữa cơm. Ngô khoai sắn... độn các kiểu cũng vẫn không đủ. Mà thường chỉ được ăn... hai bữa rưỡi!

Buổi sáng đi làm, đi học nên cả nhà nấu ăn no. Trưa cũng vậy, phải ăn no mới có sức đi làm. Còn buổi tối, chỉ là đi...ngủ, nên ăn phụ. Coi như là nửa bữa! Bữa phụ ấy có thể là củ khoai, bát ngô om, nắm ngô rang... nhưng phổ biến nhất là bát cơm nguội! Buổi trưa nấu cơm, bố mẹ tôi sẽ nấu thừa ra, để làm sao đến tối mỗi anh em còn được một bát cơm nguội, ăn với miếng trám hay con cua muối rồi đi ngủ. Thế thôi. Thế nhưng bát cơm nguội mỗi chiều ấy hình như ám ảnh chúng tôi hết cả cuộc đời. Cũng chẳng phải vì ngon. Dù khi đói thì nhai gốc tre cũng ngọt, ấy là lời bố tôi hay nói khi xưa...

Tôi nhớ lại cái bát cơm nguội lót lòng mỗi khi chiều về thủa ấu thơ là do dịp gần đây tôi hay nấu cơm! Nấu cơm như là một hình thức thư giãn sau những giờ triền miên ngồi trước màn hình vi tính múa may cùng con chữ!

Bây giờ kinh tế nước nhà đã phát triển, điều kiện sinh hoạt của các gia đình đã khác xa xưa. Hầu như không còn cảnh đói cơm. Mà có lẽ chỉ còn là thiếu tiền tiêu thôi. Thế nên việc ăn hai, ba, hay bốn năm bữa trong ngày là tùy. Chả mấy người phải nghĩ sao kiếm cho đủ gạo ăn nữa. Mà có lẽ là nghĩ ăn sao cho ngon, cho hợp vệ sinh, đủ chất, đảm bảo sức khỏe. Rồi điều kiện công việc của các thành viên trong gia đình cũng khác xa xưa. Không phải cứ đến bữa là về ăn cơm nhà được, mà nhiều khi ăn cơm ngoài hàng quán là chủ yếu. Thế nên dẫn đến nhiều khi nấu cơm rồi chả có người ăn cho. Thế là triền miên cơm nguội để sang bữa sau. Không biết người khác thế nào chứ tôi không đủ can đảm để bỏ cơm nguội đi.

Tôi cứ phải tìm cách rang, ghế sao đó để ăn cho hết. Có lẽ cái ký ức về những bát cơm nguội quý giá của những năm đói kém xưa nó sâu sắc trong tôi quá rồi nên tôi không thể- không dám bỏ những hạt cơm trắng kia đi. Sự thật là vậy đó. Nên bây giờ mỗi khi nấu cơm mà được mọi người ăn hết trong một bữa là tôi vui lắm. Hình như đó là niềm vui của tất cả những người nội trợ chả riêng gì ai.

Nhân một buổi ngồi chuyện phiếm, nhắc đến cơm nguội, ông bạn nhà thơ vong niên của tôi, ông Bảo Sinh lại đọc cho tôi nghe hai câu thơ của ông ấy về cơm nguội thế này:

“Vợ là cơm nguội nhà ta

Nhưng là phở tái thằng cha láng giềng”!

Nghe có vẻ hơi hơi xúc phạm phụ nữ nhưng ngẫm kỹ hình như đúng. Vợ chồng sống với nhau mấy chục năm, mọi sự đã trở nên bình thường. Không còn cái háo hức say mê khám phá thủa trẻ trung xưa. Kiểu như một tay háu đói mà được ngồi vào bàn yến tiệc! Bây giờ, nhiều khi nó thường đến mức như là đến bữa... thì ăn! Cơm nóng hay cơm nguội cũng là... cơm, ăn cho xong bữa, no là được!

Cuộc đời cứ thế mà diễn. Cho đến một lúc nào đó, do hoàn cảnh đưa đẩy ta bỗng bàng hoàng nhận ra, cái bát cơm nguội nhà mình đang được tay hàng xóm trân trọng nâng niu, như bát phở tái lăn của ông Thìn Lò Đúc!

Và lúc ấy có nhớ thèm bát cơm nguội ngọt ngào khi xưa cũng chịu!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top