Aa

Còn gì để mong ngóng

Thứ Tư, 11/11/2020 - 07:00

Tôi vẫn tin khi con người còn hy vọng, mong ngóng thì còn nhiều giá trị để sống. Chỉ e ngại cuộc đời ai đó một khi đầy đủ quá sẽ biến người ta thành vô cảm và lãnh cảm mới đáng sợ.

Mấy hôm trước nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh gọi điện cho tôi bảo đang mong ngóng sách ra nhanh để đem tặng cho bạn văn chương. Ở tuổi bát thập mà còn mong ngóng như chị là mừng, giống như chiếc dây đàn còn ngân rung. Rồi chị đi tắc xi và phàn nàn từ Cầu Giấy ra hồ Gươm, lại kêu tắc đường rồi mong ngóng chóng về để lo cơm nước cho chồng. Chồng chị là anh là Hoàng Tuấn, tiến sỹ ngành thận học cũng đang mong ngóng ngược lại. Chỉ mong nhanh chóng để vợ về cùng ăn cơm. Ăn cơm là cũng phải chiếu tướng nhau mới ăn được. Tuổi già nó thế. 

Tôi hỏi thăm chị sống trong ngôi nhà có ba vị tiến sỹ, nhà thơ có hạnh phúc không? Chị không đáp nhưng đọc câu thơ: “Dẫu sôi lại nguội bình yên lại về”. Chồng chị là tiến sỹ khoa học Hoàng Tuấn, con trai trưởng là tiến sỹ Hoàng Nam Nhật, giảng viên một trường đại học tại Hà Nội và thi thoảng đi thỉnh giảng ở nước ngoài. Người con trai thứ là bác sỹ, tiến sỹ y khoa Hoàng Thanh Tuyền. Dường như khi nhìn vào con đường công danh của gia đình chị thật là niềm ao ước của nhiều gia đình khác. 

Anh Hoàng Tuấn không chỉ chuyên sâu vào ngành Y mà anh có nhiều tác phẩm đóng góp cho văn học nước nhà. Tác phẩm “Nỗi cô đơn còn lại” của anh là cuốn tiểu thuyết viết về những khoảng trống vắng, mổ xẻ tâm lý con người và số phận người trong thế giới nội tâm của nghề y. Tác phẩm đó nhiều lần được tái bản và đạt giải thưởng văn học từ năm 1990. Rồi khi nghỉ hưu, anh, chị dành thời gian cho nghề thuốc đông y, anh Hoàng Tuấn chữa bệnh cứu người tại gia. Từng có một thời nhà anh Hoàng Tuấn là nơi thăm khám miễn phí cho các nhà thơ Trinh Đường, Khương Hữu Dụng, Ngân Giang,Trịnh Thanh Sơn, Triệu Bôn và cũng là nơi mà bạn văn ngồi lại, cùng nhau nói nhiều chuyện thế thái nhân tình thời cuộc. Giờ đây, mọi người chia tay đã vãn cả, còn lại anh Hoàng Tuấn đang đi ngược thời gian và chỉ mong ngóng vợ về.

Nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh.

Chị Hoàng Thị Minh Khanh rất cố gắng làm thêm tập thơ gần 300 trang như thể gói ghém cả cuộc đời mình trong tác phẩm. Vì hai ông con tiến sỹ con chẳng giúp gì được, vì chúng nó bận nhiều việc và vì cái dấu lặng đơn trong người viết vẫn còn muốn sẻ chia. Tôi mừng cho chị vì đến tuổi này vẫn còn in sách, còn mong ngóng và còn háo hức đến lạ lùng. Tôi lẩn thẩn ngồi thềm hè tự hỏi: Chữ nghĩa có bùa ngải gì không? Thơ phú có phép nhiệm màu gì vậy? 

Cuộc sống vẫn có người đàn bà làm thơ, ví như chị Ánh Nguyệt bị ung thư vòm họng, đến nỗi không nói rõ tiếng, vẫn tựa vào thơ để viết, để hy vọng. Họ mong ngóng hy vọng sống bên chồng con được lâu bền. Mong ngóng giản dị có vậy thôi? Mà bệnh tật thì chẳng ai nói to, cao giọng được. Ví như nhà báo Khánh Hồng - phóng viên báo Tiền Phong sinh sống ở Đà Nẵng đã làm thơ đến hơi thở cuối, chị cũng từng ước ao được nhìn thấy thơ, thấy sách ra đời. Vậy mới hay chữ nghĩa cũng có ma lực, có bùa ngải nào đó khó lý giải trong mỗi con người. Khi chữ nghĩa được giãi bầy, được phơi lòng mình trên giấy trắng, người viết sẽ điêu khắc chữ Việt bằng thơ và thơ đã nâng đỡ họ mỗi lúc cô độc và đuối lòng nhất. 

Trông ngóng vào chữ và có hy vọng gì ở tuổi này? Hỏi nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh, chị không nói gì? Để in tập thơ cũng phải bỏ ra 6 tháng lương để in sách. Rồi chỉ để tặng bạn chứ không bán. Mà bán thơ dễ gì có ai mua thơ? Ôi các nhà thơ vĩ đại của nước ta, hàng năm cứ bỏ tiền ra in để thành nhà thơ, rồi làm đơn vào hội Nhà văn Việt Nam cũng mong ngóng, cũng cầu cạnh, nhắn tin, gọi điện, nghe nói cũng khổ sở ra phết. Rồi cũng hóng tin vào hội, như hóng bầu cử hai ông tổng thống Mỹ đang tranh cửa đầu tháng 11 năm nay vậy. Nhưng in thơ thì nước Việt ta, được cái in dễ nhất. Câu lạc bộ văn chương ở khắp nơi, ai ai cũng có thể trở thành nhà thơ lúc này, chỉ cần có ít tiền bỏ ra, để ra mắt sách, thế là họ giới thiệu thành nhà thơ, ngất ngơ nhất như cành quất bạn ạ. Họ họp mặt phát biểu, ngợi ca quyền tự do, khen nhau lên tận mây xanh. Có bạn thơ đứng tuổi vẫn nói như chém gió, mắt nói mày nói phấn son lòe loẹt, chẳng thấy “ già dơ” gì cả nhé, ôi thôi là mộng tưởng.

Một lần tôi có chuyện vụn, ghé qua nhà thơ “lớn” nhìn đồ đạc trong nhà lung tung như đống rác cũ. Tôi cúi xuống ngậm ngùi. Thơ phú, hư danh ảo đã làm cho một số người mộng tưởng mong ngóng. Họ cứ làm vài bài thơ là đã thành nhà thơ. Hỡi ôi cái nghề này càng viết càng khó, càng nhọc công. Nhưng nhà gì thì nhà, đàn bà phải giữ nếp nhà con cái và cái tổ ấm phải ấm, ngăn nắp cái đã. 

Có nàng mê thơ ngây ngất chỗ nào cũng đọc thơ cũng huyễn hoặc mình như một nhà tư tưởng lớn. Chị Hoàng Thị Minh Khanh là người dịu hiền, lặng lẽ làm thơ, làm “ô sin” cho con cháu để lúc nào rảnh tay mới viết. Viết rồi đi nhờ người đánh máy vi tính và in thơ. Cũng may là chị có lương hưu để mà dành tiền in sách. Cũng may anh chị có lương để dành tiền nuôi đứa cháu nội từng mắc căn bệnh trầm cảm. Ở đời chẳng ai nói trước được điều gì. 

Ví như hơn hai mươi năm trước con trai chị Khanh từng làm nghiên cứu sinh ở Đức, rồi lập gia đình. Cháu từng một thời yêu đương và hạnh phúc lắm, rồi khi về nước bước trượt về hạnh phúc thì chỉ có mặt hai cha con trở lại nhà và hai đứa chia tay với một nửa của mình. Đứa trẻ sống sau khi bố mẹ ly hôn, cùng với sự khác biệt của văn hóa, không rõ từ lúc nào đó, nó sinh bệnh trầm cảm. Giờ chị lo nuôi cháu đến hết đời. Giờ chị mong ngóng cho cháu khỏi bệnh. Chị Khanh bảo: “Chẳng biết một cái kết sẽ ra sao nữa, nhưng buồn thì ngồi viết thôi”. Chẳng ai định nghĩa được nỗi buồn. Dù mình từng mong ngóng, nhà có tới 3 bác sỹ, có ít đâu, mà y học vẫn phải bó tay trước những căn bệnh khó. Những căn bệnh là phép nhân của nỗi buồn không dễ sẻ chia.

Tạm biệt chị lên xe để về với chồng, ăn cơm và chiếu tướng nhau, vỗ về nhau. Người đàn bà từng viết: “Nhưng trong sâu thẳm thì vô cớ / Ở đâu em cũng thấy đầy anh”.

Thơ Hoàng Thị Minh Khanh, từng yêu đắm say, từng hy sinh vô bờ bến cho gia đình, lại vẫn mong ngóng từng ngày khi in thơ ra sách, từng mong ngóng từng ngày để cháu nội khỏi bệnh. Chị giúp tôi hiểu ra hạnh phúc có bến bờ, và sự xô dạt của hạnh phúc là không giới hạn.Tôi vẫn tin khi con người còn hy vọng, mong ngóng, thì còn nhiều giá trị để sống. Chỉ e ngại cuộc đời ai đó một khi đầy đủ quá sẽ biến người ta thành vô cảm và lãnh cảm mới đáng sợ. Và đàn bà thơ, đàn bà nội trợ cũng làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn với vẻ đẹp giản dị riêng của đời sống.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top