Aa

“Cộng đồng Fintech rất mong mỏi bước chân vào Sandbox”

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Sáu, 08/11/2019 - 09:15

Đó là chia sẻ của ông Bùi Việt Dũng, Tổng giám đốc Financial Deep Mind tại tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam” diễn ra mới đây.

Phát triển với cấp số nhân, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) Việt Nam đang ngày càng nở rộ . Hơn ai hết, các doanh nghiệp này rất mong chờ cơ quan quản lý tích cực hoàn thiện khung pháp lý thử nghiệm (Sandbox) để thị trường phát triển lành mạnh, tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với Quốc hội mới đây cho thấy, số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 104,9% về số lượng giao dịch và tăng 155,3% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018, cao gấp đôi tốc độ phát triển của khu vực.

Bên cạnh đó, dân số lên tới gần 97 triệu người (đứng thứ 15 trên thế giới), có 51 triệu người sử dụng điện thoại, một nửa là smartphone, 50 triệu người dùng Internet thường xuyên, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng thấp... đang là những cơ hội lý tưởng cho các Fintech.

Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng loạt Fintech trong và ngoài nước thời gian qua đổ bộ vào thị trường Việt Nam, nhiều nhất là các ví điện tử. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 3 năm qua, số lượng Fintech đã tăng gần 4 lần. Hiện cả nước có hơn 150 Fintech, trong khi 3 năm trước, con số này mới dừng lại ở 40.

Phát biểu tại tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam”, ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam rất rộng khi ngày càng nhiều công ty tham gia, hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán. Cụ thể, đến nay có 30 tổ chức không phải ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, 24 ngân hàng triển khai thanh toán qua QR Code, hơn 50.000 điểm điểm chấp nhận thanh toán QR code, 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán của Internet và 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động. Điều này cho thấy xu hướng tất yếu của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam.

Mặc dù vậy,  sự phát triển của Fintech ở Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, các Fintech vẫn còn "rón rén" trong việc đưa ra sản phẩm, dịch vụ do còn nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách.

“Hiện đang tồn tại một khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam:

Thứ nhất, thể chế quản lý hoạt động Fintech chưa được đề cập tại bất kỳ văn bản pháp lý nào.

Thứ hai, chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ, xử lý liên quan đến hoạt động Fintech.

Thứ ba, ngoại trừ hoạt động trung gian thanh toán, cơ bản các hoạt động của Fintech chưa được quy định và điều chỉnh bởi các văn bản pháp chế hiện hành.

Cuối cùng, các quy định pháp lý hiện hành liên quan đến nghiệp vủa của các tổ chức tín dụng chưa cho phép áp dụng các giải pháp công nghiệ hiện đại”, ông Ngô Văn Đức phân tích.

Ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, việc tạo ra một cơ chế Sandbox cho lĩnh vực Fintech là một nhu cầu cấp thiết. Bởi Fintech là lĩnh vực mới, biến đổi không ngừng nên Ngân hàng Nhà nước khó xác định phạm vi dịch vụ cũng như tiềm ẩn rủi ro chưa thể dự đoán, ảnh hưởng tới niềm tin và sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân. “Sự gia tăng không ngừng của các dịch vụ xuyên biên giới và lợi dụng cho những mục đích phi pháp như rửa tiền, tài trợ khủng bố… cũng là thách thức đối với chúng tôi”, ông Đức nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Việt Dũng, Tổng giám đốc Financial Deep Mind cho hay, cơ chế Sandbox là cơ chế thí điểm, cho phép một số doanh nghiệp với các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới khi chưa biết phải quản lý thế nào, có thể được thử nghiệm trong không gian và thời gian giới hạn dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp.

“Là một Fintech, may mắn được làm việc cùng những định chế tài chính năng động và sáng tạo hàng đầu, rất nhiều lần chúng tôi vẫn thầm mong ước làm sao có thể bước vào Sandbox như vậy. Đơn cử như với Công ty Chứng khoán VPS, một công ty chứng khoán đang vươn lên mạnh mẽ bằng công nghệ, chúng tôi vẫn trao đổi với nhau cùng một chủ đề lặp đi lặp lại nhiều lần: Tại sao trong thời đại công nghệ 4.0, để mở tài khoản, khách hàng bắt buộc phải đến trụ sở công ty để ký vào giấy. Những khách hàng ở tỉnh xa chúng ta sẽ phục vụ thế nào đây? Nếu như công nghệ của chúng tôi dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo chứng minh được việc kết hợp nhận dạng khuôn mặt, chữ ký trên thiết bị di động, vân tay là rất an toàn thì liệu cơ quan chức năng có chấp nhận không?

Một khách hàng khác của chúng tôi mong muốn cung cấp tiện ích cho người sử dụng để thanh toán hoá đơn dịch vụ như tiền điện, tiền nước, viễn thông mà không thực hiện được vì tài khoản là “chuyên biệt” và các cơ quan quản lý đều bối rối không biết có làm được hay không. Người sử dụng chỉ còn biết than rằng: Tiền là của tôi mà, tôi có làm gì sai đâu nhỉ, tôi chỉ muốn tiện ích thôi mà…

Mong ước bước chân vào Sandbox của chúng tôi chắc hẳn không phải là cá biệt. Cộng đồng Fintech ở Việt Nam chắc hẳn cũng mong mỏi một điều như vậy”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Bùi Việt Dũng, Tổng giám đốc Financial Deep Mind .

Nhấn mạnh sự cần thiết của Sandbox đối với Fintech, ông Nguyễn Xuân Việt Bình, CTCP Công nghệ và Dịch vụ Moca cũng khẳng định: “Chúng tôi luôn ủng hộ việc ban hành cơ chế Sandbox trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech). Điều này cũng sẽ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp Fintech, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đến các dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính toàn diện, từ đó thúc đẩy hướng đến xã hội không dùng tiền mặt theo định hướng chính sách không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới mẻ nên cần phải đưa vào triển khai mới tìm được giải pháp”.

Theo các chuyên gia, thúc đẩy Sandbox sẽ thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực hoạt động ngân hàng qua đó thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân; tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm hoàn thiện và phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, phù hợp với nhu cầu thị trường và khuôn khổ pháp lý. Đồng thời hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ fintech chưa được cấp phép chính thức.

“Việc cần áp dụng Sandbox cho chuyển đổi số là rất cần thiết, để điều chỉnh các mô hình kinh doanh cũ được phát triển dựa trên các công nghệ đã được phát minh trước đây, rất khó để giới thiệu những mô hình kinh doanh mới, có tính đột phá, mà vẫn tuân thủ các quy định pháp lý có tính ràng buộc cao như hiện nay. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, chúng ta cũng chưa biết được kết quả ra sao nếu không bắt tay vào thực hành”, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay.

Các chuyên gia nhận định, tình trạng bàn nhiều nhưng chậm làm sẽ đặt Việt Nam trước thách thức nghiêm trọng trong việc đạt được mục tiêu trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực - nơi cho phép thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trong kinh tế số. Do vậy, thay vì chỉ bàn luận, cơ chế Sandbox cần sớm được hoàn thiện pháp lý và ứng dụng rộng rãi để phát huy những tiềm năng vốn có của mô hình kinh tế chia sẻ. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top