Aa

"Cú hích" hạ tầng cho thị trường BĐS du lịch - nghỉ dưỡng Việt Nam

Thứ Hai, 03/07/2017 - 06:01

Ngành du lịch bước vào thời kỳ bùng nổ, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, đầu tư cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh là những yếu tố khiến thị trường khách sạn Việt Nam tiếp tục là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư khai thác.

Với lượng khách du lịch gia tăng kỷ lục ở mức 10 triệu lượt vào năm 2016, đồng thời mục tiêu 20 triệu  lượt trong năm 2020, ngành du lịch Việt Nam đang hướng tới mức doanh thu 30 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.

Lượng khách du lịch gia tăng mạnh mẽ những năm gần đây được lý giải không chỉ bởi Việt Nam có đây rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa lịch sử quý giá mà còn bởi hệ thống cơ sở hạ tầng  đã được chú trọng đầu tư mạnh mẽ. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước “mạnh tay” nhất trong các khoản chi cho phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Hơn 2.000 km đường cao tốc mới, hệ thống đường sắt trên cao tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, cùng một loạt các sân bay được nâng cấp và xây mới là những dự án hạ tầng trọng điểm được cho là sẽ làm thay đổi đáng kể bộ mặt giao thông quốc gia. 

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Khi hạ tầng phát triển, sẽ trở thành bước đệm cho ngành du lịch có những bước đột phá và từ đó BĐS du lịch chắc chắn cũng sẽ được hưởng lợi; trong đó được hưởng lợi nhiều nhất là phân khúc khách sạn. Do đó, không có gì là khó hiểu khi các nhà đầu tư đang rất quan tâm và muốn cam kết đầu tư để khai thác “mỏ vàng” này tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Adam Bury, Phó chủ tịch cấp cao tại bộ phận Đầu tư Kinh doanh, Tập đoàn Tư vấn khách sạn của JLL khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho rằng: “Cả khu vực tư nhân lẫn khu vực công tại Việt Nam đang tập trung cao độ vào các dự án xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, do đó các nhà đầu tư vào phân khúc khách sạn rất muốn tận dụng cơ hội này để được hưởng lợi từ du lịch. Năm 2016 là năm mà thị trường BĐS Việt Nam đã nhìn thấy sự gia tăng kỷ lục về số lượng các giao dịch trong lĩnh vực khách sạn, tổng mức đầu tư vào khu vực này tại Việt Nam đã chiếm tới 83% tổng mức đầu tư tương tự của Thái Lan, một thị trường mà xưa nay luôn bỏ xa Việt Nam trong các bảng xếp hạng". 

“Rất nhiều du khách đến Việt Nam chỉ đến một lần và không đến lần sau nữa, do đó Việt Nam đang tự xây dựng thành một điểm đến có thể níu giữ khách du lịch, đã đến một lần thì sẽ đến lần 2, lần 3 và nhiều lần sau nữa. Hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đã mở ra rất nhiều điểm tham quan du lịch và nghỉ dưỡng ven biển, trong đó Đà Nẵng – Hội An, Nha Trang – Cam Ranh là những “điểm nóng” thu hút các nhà đầu tư”, ông Bury nói thêm.

Không chỉ dừng lại ở các nhà đầu tư trong nước, ngành khách sạn của Việt Nam đã và đang nhìn thấy sự tham gia rất lớn từ các thương hiệu và nhãn hiệu quốc tế. Việc làm mới thương hiệu của chuỗi khách sạn nghỉ dưỡng The Nam Hải tại Hội An của “ông lớn” Four Seasons và sự xuất hiện dự án thứ hai của nhà đầu tư này như một bước đệm cho sự phát triển tại thị trường đã cho thấy rằng rõ ràng đang có rất nhiều nhà đầu tư lớn đến từ thế giới có ý định “bước chân” vào Việt Nam.

Ông Frank Sorgiovanni, Trưởng bộ phân nghiên cứu tại Tập đoàn Tư vấn khách sạn của JLL khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho hay: “Trong 24 tháng qua, chúng tôi đã ghi nhận một sự gia tăng rõ rệt các khách sạn mang thương hiệu quốc tế tại Việt Nam. Dự kiến, trong tương lai gần, sẽ có sự xuất hiện và mở rộng đáng kể các thương hiệu và công ty trong lĩnh vực khách sạn trên thị trường này”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top