Aa

Cuộc chia ly của con Kem và con Su!

Thứ Tư, 02/05/2018 - 13:29

Chẳng lẽ tình yêu của con người với con vật không phải một giá trị văn hóa đáng trân trọng, và nó không thể tồn tại trong các khu chung cư? Liệu khu chung cư như chỗ của tôi có nên “ra lệnh” cấm nuôi chó, mèo một cách cứng nhắc không nhỉ? Hay là chỉ cấm nó xuất hiện ở nơi công cộng thôi, hoặc là có hình phạt khi chúng làm mất vệ sinh chung?...

Kem là tên con mèo, Su là tên con chó nhỏ nhắn, lông xù. Nhà tôi ở Tòa nhà CT2 cao 25 tầng tại khu đô thị mới Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội. Ban quản trị tòa nhà cấm các hộ nuôi chó, nuôi mèo.

Tôi nghĩ điều này cũng phải thôi, vì ở chung cư, cần giữ gìn vệ sinh chung. Chó thì hay có thói quen cứ ra khỏi nhà là sẵn sàng gếch một chân lên tường “phun” ra một bãi khai mù, rồi lại dùng mũi hít hít mấy cái và hồn nhiên “ị” ra vài cục đen đen, nâu nâu mà người ta thường gọi là “cứt chó”. Ai vô ý giẫm vào thì quả là kém may mắn, chẳng nên hít thở mạnh cho thêm phần độc hại.

Còn mèo thì hay sang hàng xóm ăn vụng. Rồi mỗi khi phát dục, nó gào thét trong đêm khuya như trẻ con gặp ma, nghe mà gai người. Đó là chưa kể những bệnh tật mà do lũ chó, mèo này đem lại.

Ấy vậy mà em gái tôi cứ nằng nặc xin bố mẹ được nuôi chó, mèo. Bố tôi không đồng ý, còn mẹ tôi thì im lặng.

Rồi một hôm, trong bữa cơm gia đình vui vẻ, nó khoe con mèo nhà bạn nó đẻ ra một lũ mèo con đẹp ơi là đẹp, vừa mới cai sữa xong, sẵn sàng tặng nó một con. Mắt nó sáng lên nhìn bố tôi như cầu xin. Bố tôi nghiêm giọng:

- Tòa nhà cấm nuôi chó, mèo. Con không biết à?

Nó giương đôi mắt hồn nhiên:

- Con sẽ rèn để nó không bao giờ ra khỏi nhà. Con sẽ triệt sản để nó không bao giờ động dục. Con cũng sẽ cho nó ăn thức ăn công nghiệp để nó không bao giờ thèm ăn vụng. Con sẽ...

Hình như em gái tôi đã chuẩn bị tất cả các lập luận để thuyết phục bố tôi, một ngáng trở “đáng đồng tiền bát gạo” trong gia đình. Còn với quy định của Tòa nhà, nếu không ai biết thì... vi phạm với ai đây!

Không cần nói, trong gia đình tôi ai cũng hiểu, từ nhỏ, khi hồi còn học ở trường tiểu học Thăng Long, em gái tôi đã mê mệt vì chó, mèo. Cứ sau một buổi học, khi đi đón, thế nào nó cũng xin mẹ dẫn qua góc phố chợ Hàng Da, ở đấy có một cửa hàng chuyên bán thú nuôi, mà chủ yếu là chó và mèo. Nó tha thẩn đi đến từng cái chuồng nho nhỏ, vuốt đầu từng con, rồi nói chuyện như nói với những người bạn thân thiết. Và lúc nào cũng vậy, khi chia tay là cả một sự lưu luyến không rời. Nhưng vì nhà trong nội thành, quá chật chội, người còn không có chỗ mà hít thở, lấy đâu ra có nơi cho chó với mèo...

Nay về khu chung cư nơi xa xa, nhà rộng hơn nhiều, trên trăm mét vuông, em tôi có cơ hội để mặc cả với bố tôi.

Cả nhà, có một cô con gái rượu, ý chí người cha có là kim cương rồi cũng phải mềm.

Con Kem và con Su trước lúc chia ly.

Con Kem và con Su trước lúc chia ly.

Thế rồi con Kem về nhà tôi và lớn lên theo một “nền giáo dục” đặc biệt. Nó không bao giờ ra khỏi nhà vì ngoài cửa gỗ ra còn cửa song sắt, rồi rất sợ người lạ. Nó cũng không thể động dục vì khi vừa đủ lớn, bác sĩ thú y đã được mời đến cắt ngoém cái buồng trứng sau một mũi tiêm gây mê. Nó cũng không bao giờ ăn vụng vì với nó, từ bé đến lớn chỉ ăn 2 loại, đó là thức ăn công nghiệp và lườn gà công nghiệp cắt nhỏ, vì không cắt nhỏ nó cũng không ăn. Em gái tôi còn mua cho nó hẳn một khu W.C bằng nhựa to như 2 cái thùng gánh nước... để giữ vệ sinh chung.

Với một “nền giáo dục” như thế, con mèo đã khiến “gương mặt Bao Công” của bố tôi những ngày đầu giờ đã giãn ra và chấp nhận, coi nó như một thành viên bất đắc dĩ.

Cũng với cái cách ấy, con Su đã được nhập “gia tịch” lúc nào cũng không nhớ. Chỉ biết rằng, khi nhà tôi có con Kem và con Su, cùng với em gái tôi, ba thành viên này suốt ngày quấn quýt lấy nhau. Em gái tôi thường ở nhà nhiều hơn, chăm học hơn. Nó tốt nghiệp phổ thông đạt loại giỏi, rồi vào Đại học Ngoại Thương khoa Kinh tế đối ngoại trong chương trình đào tạo nâng cao, học bằng tiếng Anh, và cũng tốt nghiệp loại giỏi. Không hiểu trong kết quả học tập ấy, con Kem và con Su có đóng góp được phần nào không?

Rồi đùng một cái, em gái tôi thi được đi cao học ở nước ngoài. Bố tôi bảo:

- Con đi học rồi thì cũng đem con Kem, con Su đi đâu thì đi. Bố mẹ không chăm nó được đâu!

Hoảng loạn, em tôi ôm chặt con Kem lẫn con Su vào lòng, mắt long lanh ngấn nước và nói như hét lên:

- Không! Không thể thế được! Con làm sao bỏ nó được!- Rồi nói như van xin - Con đi rồi con lại về mà, có hơn một năm thôi mà, bố! Bố đừng đuổi nó đi!

Sau một tiếng thở dài, bố tôi nhân nhượng:

- Thôi, chỉ giữ lại con mèo. Còn con chó thì không ai chăm được!

Thế rồi con Su phải rời khỏi nhà tôi. Em gái tôi nước mắt ngắn dài, cho con Su vào một cái túi có mắt lưới chuyên để vận chuyển súc vật, đem gửi ở nhà một người bạn thân.

Cho đến giờ, khi biết có cuộc thi viết về “Nơi tôi sống” trên Reatimes, tôi kể lại câu chuyện này với những câu hỏi phân vân: Chẳng lẽ tình yêu của con người với con vật không phải một giá trị văn hóa đáng trân trọng, và nó không thể tồn tại trong các khu chung cư? Liệu khu chung cư như chỗ của tôi có nên “ra lệnh” cấm nuôi chó, mèo một cách cứng nhắc không nhỉ? Hay là chỉ cấm nó xuất hiện ở nơi công cộng thôi, hoặc là có hình phạt khi chúng làm mất vệ sinh chung?...

Bởi một lẽ cũng rất giản dị, chúng có thể là một phần rất quan trọng đem lại nguồn vui, sự ấm áp, tấm lòng thiện trong những gia đình yêu súc vật, cho những cư dân, những người như em gái tôi chẳng hạn.

Tôi có gia đình ra ở riêng, cách nhà chừng 6-7km, lại có cháu nhỏ. Mẹ tôi ngày ngày đến chăm sóc cháu.

Tôi hỏi bố tôi:

- Bố thường xuyên phải ăn cơm một mình, có buồn không?

Ông cười và nói:

- Sao lại một mình, còn con Kem nữa mà! Bữa nào nó cũng ngồi bên cạnh, tình cảm lắm!
Và đến nay, tôi tin rằng con Kem sẽ không bao giờ bị bố tôi đuổi ra khỏi nhà nữa.

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.

Email: noitoisong2018@gmail.com

Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

http://reatimes.vn/ngay-15-3-chinh-thuc-phat-dong-cuoc-thi-noi-toi-song-22486.html

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top