Aa

Cuộc đua bất động sản cận Tết Nguyên đán: "Sốt" thật hay ảo?

Chủ Nhật, 14/01/2018 - 14:01

Thông tin thiếu minh bạch khiến thị trường như ma trận; Cuộc đua bất động sản cận Tết Nguyên đán: "Sốt" thật hay ảo?; Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng tăng trưởng lớn; Đà Nẵng thất thu khi thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng… là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Cuộc đua bất động sản cận Tết Nguyên đán: "Sốt" thật hay ảo?

Ngày 7/1 vừa qua, thông tin Tổng Công ty CPTM Xây dựng Vietracimex sau vài giờ mở bán đợt 1 toà “Sachi” dự án Hinode City (201 Minh Khai) đạt khoảng 80% căn hộ có chủ khiến thị trường xôn xao.

Với mục đích kiểm chứng thông tin được quảng bá, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ngay lập tức liên hệ tới một trong tám đại lý phân phối chiến lược của Hinode City. Khi gọi đến số điện thoại 093472XXX, đầu dây tự xưng tên T. - thuộc Công ty CP BĐS VGN Việt Nam khẳng định “sức hút của dự án Hinode City hiện rất nóng”.

Theo T, với vị trí đắc địa hai mặt tiền khu Đông (Minh Khai và Kim Ngưu), Hinode City đang cháy hàng, đặc biệt là dòng sản phẩm hai phòng ngủ. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi chi tiết về số lượng bung hàng đợt 1, giấy tờ pháp lý đi kèm, “cò” T. trả lời quanh co. “Hiện tại giá bán đang ở ngưỡng 35 triệu đồng/m2. Nếu không chốt ngay, ra Tết mức giá dự kiến tăng ít nhất 2 triệu đồng/m2” - T. cảnh báo trước khi cụp máy.

Một khu đô thị đang được xây dựng trên quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng.

Một khu đô thị đang được xây dựng trên quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng.

Trước đó không lâu, dự án Dreamland Bonanza Duy Tân (Cầu Giấy) quy mô hơn 200 căn hộ vừa được Công ty CP Đầu tư BĐS Vinaland ra mắt thị trường cuối năm.

Tỷ lệ hấp thụ đợt chào bán này được tiết lộ lên đến 90%. Tương tự, theo thông tin từ phía đại diện chủ đầu tư của Manhattan Tower (Lê Văn Lương), dù chưa chính thức ra mắt, song số lượng khách hàng đặt chỗ đã lên đến hàng trăm căn. Thậm chí, Công ty TNHH Nhà Sài Gòn và đơn vị phân phối EximRS gây “sốc” khi công bố sau một giờ giao dịch, 226 căn hộ đợt 1 thuộc dự án Saigonhomes đã bán sạch 100%.

Điệp khúc “cháy hàng ngày mở bán”, theo anh Minh - một nhà đầu tư lâu năm “thực chất chỉ là mẹo đẩy hàng”. Đa phần các dự án chủ đầu tư thông báo bán hết trong buổi mở bán, phần lớn không xuất phát từ nhu cầu ở thật. Bởi, giới đầu tư chiếm số lượng lớn. Những người này mua vài căn thậm chí là vài chục căn ưu đãi về giá, chiết khấu từ chủ đầu tư. Từ đây, khiến dự án vô hình trung có cảm giác “khan hàng”. Sau đó, họ tìm kiếm khách hàng có nhu cầu thật để bán lại, hưởng chêch lệch từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/căn.

Xem chi tiết tại đây.

Thông tin thiếu minh bạch khiến thị trường như ma trận

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, hệ thống thông tin về thị trường BĐS trên cả nước nói chung cũng như Hà Nội nói riêng hiện chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; thiếu các tiêu chí đánh giá khoa học, thống nhất mà chủ yếu mang nặng cảm tính, phiến diện, dẫn đến công tác hoạch định chính sách, cũng như điều tiết thị trường gặp nhiều khó khăn.

Đó là lý do vì sao vào thời điểm cuối năm, khi các DN chạy nước rút trong cuộc đua chốt lợi nhuận, khách hàng thường rơi vào ma trận. Đã xuất hiện tình trạng cố tình tung ra những thông tin sai lệch, tạo khan hiếm giả, cháy hàng nhằm tăng giá. Để khắc phục, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2015/NĐ-CP với mục đích từng bước cung cấp thông tin cho thị trường một cách công khai, minh bạch, đầy đủ.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

"Thông tin bất động sản có thể lấy ở nhiều nguồn khác nhau nhưng chúng ta cần bàn đến theo kênh nào. Tôi khẳng định rằng, với hệ thống thông tin của Bộ Xây dựng vận hành chất lượng thông tin sẽ tốt hơn nhiều. Với thế mạnh là Hiệp hội với hơn 3.500 thành viên, chiếm 80% quy mô thị trường, nguồn thông tin đảm bảo chính xác, phong phú...

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đang phối hợp với Bộ Xây dựng, xây dựng hệ thống thông tin về thị trường BĐS, trong đó ngoài các thông tin về cung – cầu, giao dịch, giá... còn có rất nhiều thông tin của các ngành liên quan (thuế, tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận...). Trước mắt thí điểm tại 6 tỉnh/TP lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Quảng Ninh", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết.

Xem chi tiết tại đây.

Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng tăng trưởng lớn

Tập đoàn Đất Xanh, cổ đông lớn nhất của Công ty, cũng đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 1.000 tỷ đồng trong năm 2018 và hướng đến con số 3.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Trong khi đó, dù chưa đưa ra con số cụ thể nhưng đại diện Tổng CPCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) cho biết, mục tiêu của DIG là sẽ đạt mức tăng trưởng tối thiểu 10% năm 2018. Con số này là đáng kể bởi theo rà soát, năm 2017, Công ty ước đạt lợi nhuận trước thuế 164,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 130,8 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2016.

Chia sẻ về kế hoạch dài hạn hơn trong 5 năm tới (2018 - 2022), lãnh đạo DIG cho biết, Công ty sẽ tạm thời không tập trung nhiều vào việc phát triển các dự án bất động sản, chuyển trọng tâm vào lĩnh vực động sản du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, trong đó gia tăng đầu tư để tăng tài sản và tạo nguồn thu ổn định cho doanh nghiệp.

Cụ thể, DIG có kế hoạch phát triển các khu du lịch, condotel, khách sạn tại các địa bàn phát triển du lịch trọng điểm hoặc nằm trong những dự án đô thị du lịch của Tổng công ty như thành phố Vũng Tàu, Côn Đảo - Bà Rịa Vũng Tàu, Phú Quốc - Kiên Giang, thành phố Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc. Dự kiến trong giai đoạn 2018 - 2025, tỷ trọng phát triển của lĩnh vực này sẽ chiếm khoảng 40 - 50% tổng giá trị đầu tư của DIG.

Đối với CTCP Phát triển Hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC), tuy đặt kế hoạch doanh thu năm 2018 là 1.011 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với năm 2017 nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 210 tỷ đồng, tăng 17% so với lợi nhuận thực hiện trong năm qua.

Xem chi tiết tại đây.

Nhà ở thương mại giá rẻ tại Hà Nội có thực sự phát triển như kỳ vọng?

Theo nhiều nhận định, 2017 sẽ là năm phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ có những bước tiến về cả lượng cung và lượng cầu. Tuy nhiên, theo số liệu Savills ghi nhận được, phân khúc này vẫn chưa thực sự có sự phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng.

Trong năm qua, đã có hơn 8.900 căn hộ hạng C (bao gồm nhà ở thương mại giá rẻ) được mở bán mới, trong đó số lượng căn hộ tại 2 phân khúc giá: trên 20 triệu đồng và từ 15 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng/m2 chiếm khoảng 50% mỗi phân khúc. Thị trường ghi nhận rất ít dự án mở bán mới dưới 15 triệu đồng/m2 trong năm vừa qua khiến cho nguồn cung căn hộ giá rẻ tại phân khúc này vẫn còn khá hạn chế.

Theo dự báo của Savills, trong năm 2018, nguồn cung mới căn hộ tại Hà Nội sẽ rơi vào khoảng 26.000 căn, trong đó có khoảng 8.500 căn hộ thuộc phân khúc nhà ở hạng C dự kiến sẽ được mở bán ra thị trường, chủ yếu tập trung tại khu vực phía Tây và phía Nam của Hà Nội, nơi có quỹ đất dồi dào và mật độ dân số thấp.

Tương lai xa hơn, khi các công trình cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Đông Hà Nội hoàn thiện, nguồn cung căn hộ khu vực Hòa Lạc, Hoài Đức, Đông Anh, Long Biên cũng sẽ tăng mạnh.

Xem chi tiết tại đây.

Cuộc chiến căn hộ thời khắc vàng: Đâu là “chốt nổ”?

Cận Tết Nguyên đán 2018, nguồn cung căn hộ trên thị trường càng dồi dào để đón dòng tiền cuối năm. Trong đó, điều dễ nhận thấy trong thời điểm hiện nay là đã có sự dịch chuyển khá rõ từ mức giá cao về mức giá vừa túi tiền hơn với người tiêu dùng.

Mức giá dao động trong khoảng 2 tỷ đồng/căn nhưng được đầu tư đầy đủ tiện ích cao cấp, trang thiết bị với mẫu mã đa dạng đang, thị trường này đang thu hút khách hàng có nhu cầu thực và được đón nhận tích cực.

Trong đó, có thể kể đến một số dự án điển hình đang được chủ đầu tư triển khai như Khu cao ốc ven sông Dream Home Riverside của Nhà Mơ. Dự án có diện tích 2,4 ha nằm trong tổng thể Khu dân cư hiện hữu ven sông rộng 51,5 ha.

View sông luôn có những lợi thế nhất định.

View sông luôn có những lợi thế nhất định.

Cùng thời điểm, DRH Holdings cho biết sẽ đưa ra thị trường khu căn hộ Aurora Residences trong quý I.2018. Dự án tọa lạc tại số 277 Bến Bình Đông, cách quận 1 khoảng 3 km, và giáp 2 mặt tiền sông. Aurora Residences được thiết kế bởi DKO (Australia) với 100% căn hộ của dự án đều có hướng nhìn ra sông. Sản phẩm này của DRH Holdings sẽ có giá bán thấp hơn 25% so với dự án liền kề.

Trong khi đó, tại khu Đông Sài Gòn có khá nhiều dự án gia nhập thị trường trong tầm giá trên 2 tỷ đồng. Him Lam Phú An là một trong số ít dự án đang mở bán đợt cuối cùng với mức giá khoảng 1,7 tỷ đồng/căn.

Kiến Á Group cũng đánh dấu chiến lược quay trở lại khi đưa ra sản phẩm ấn tượng thứ tư của dòng Citi là CitiEsto tại quận 2. Dự án gồm 1 block thương mại và 2 block nhà ở với tổng số hơn 500 căn hộ. Giá bán hiện tại 1,26 tỷ đồng/căn.

Xem chi tiết tại đây.

Đà Nẵng thất thu khi thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng

Phó chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung nói, ông thấy "giật mình" trước khoản thất thu mặc dù đổi đất lấy hạ tầng là chủ trương đúng và mang tính đột phá của thành phố. Ông Trung đưa ra ví dụ, việc giao mấy trăm ha đất, phải chi 800 tỷ đồng tiền đền bù nhưng chỉ có hơn 600 tỷ đồng nộp vào ngân sách. Số tiền chênh quá lớn.

Ông Trung cho hay, đây chỉ là một dự án nhỏ, khoản thất thu có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng nếu làm bài toán đầu tư, bán theo giá đất hiện nay. Vì vậy, cần có chính sách bổ sung vào ngân sách thành phố. Cũng theo ông Trung, số tiền thất thoát khi kiểm tra hơn 20 nhà công sản là rất lớn. Khi được giao đất, doanh nghiệp chỉ tập trung vào lĩnh vực đất đai mà không tập trung sản xuất, nhiều người đã giàu lên nhờ được giao đất.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, tình trạng giao đất dẫn đến thất thu là "không thể chịu nổi". Theo nguyên tắc là phải đấu giá thành tiền và doanh nghiệp phải nộp tiền GPMB và tiền đất theo bảng giá đất địa phương. Khi giao nhận đất xuất hiện tình trạng tiêu cực là doanh nghiệp đứng sau lưng chính quyền để được giao nhận. Việc này cần được xem lại để tránh tình trạng chỉ có doanh nghiệp có quan hệ được giao đất mà doanh nghiệp tích cực không được giao.

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội: Quận Cầu Giấy dẫn đầu về giá đất, đạt trung bình 180 – 200 triệu đồng/m2

Năm 2017 không có nhiều sự biến động về giá nhà đất tại Hà Nội. Xét về các phân khúc, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, loại hình chung cư bình dân có mức tăng giá không nhiều, khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2016, với mức giá bình quân đạt mức 22 triệu đồng/m2. Tương tự, căn hộ trung cấp cũng chỉ tăng giá khoảng 6% so với năm 2016, đạt mức 29 triệu đồng/m2. Trong khi đó, dòng sản phẩm căn hộ cao cấp và siêu cao cấp (giá từ 45 – 50 triệu đồng/m2) lại không tăng so với năm 2016.

Tuy nhiên, giá đất nền 2017 giữa các khu vực có sự biến động tương đối, tăng khoảng 10%. Trong đó, dẫn đầu các khu vực khảo sát về giá là quận Cầu Giấy với mức giá trung bình khoảng 180 – 200 triệu đồng/m2; khu vực quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ đứng thứ hai với giá khoảng 120 – 150 triệu đồng/m2; sau đó là khu vực quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì với giá 25 – 50 triệu đồng/m2.

Thời gian qua, khi thông tin Hà Nội sắp quy hoạch xây dựng 4 cây cầu tỷ đô bắc qua sông Hồng, một bộ phận đầu cơ, “cò đất” đã tận dụng thổi giá đất lên cao, gây nên tình trạng “sốt đất” tại khu vực phía Đông Thủ đô. Tuy nhiên, khảo sát của VARS cho biết, trên thực tế, giá đất khu vực Long Biên, Gia Lâm đang ở mức trung bình từ 30 – 50 triệu đồng/m2, khu vực Đông Anh có giá trung bình khoảng 30 triệu đồng/m2.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top