Aa

“Cuộc đua BĐS” của những doanh nghiệp tay ngang: Coi chừng đuối sức

Thứ Sáu, 23/09/2016 - 21:51

Sức nóng trên thị trường địa ốc thời gian gần đây đã khiến nhiều doanh nghiệp nổi danh trong lĩnh vực xi măng, thép, cầu đường, nông nghiệp... quyết định “lấn sân” vào lĩnh vực này, chọn bất động sản làm chiến lược kinh doanh mũi nhọn. Điều này tuy mang lại “làn gió mới” cho thị trường địa ốc nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mạnh tay chi lớn

Vốn được biết đến là doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất xi măng, vận tải, bảo hiểm, chứng khoán… song gần đây, ông Nguyễn Đức Thụy (Chủ tịch HĐQT ThaiGroup, có biệt danh là bầu Thụy) đã mạnh tay chi hàng nghìn tỷ đồng mua nhiều khu "đất vàng" ở Hà Nội.

Tiếng tăm của ông Vũ Đức Thụy trong giới BĐS càng "nổi như cồn" sau thương vụ mua lại khách sạn Kim Liên với diện tích khoảng 3,5ha; ông Thụy cũng ký biên bản hợp tác với Tập đoàn khách sạn Hyatt đầu tư dự án khách sạn 5 sao có giá trị đầu tư 165 triệu USD tại một địa điểm tại trung tâm Thủ đô; đầu tư khu nghỉ dưỡng hạng xa xỉ Enclave diện tích 350ha tại Phú Quốc, Kiên Giang. 

Ngay cả Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Hà Tĩnh) - doanh nghiệp chuyên về xây dựng dân dụng, kết cấu hạ tầng, cầu cảng cũng công bố chi hơn 400 tỷ đồng vào đầu năm nay để được Cao Su Sao Vàng lựa chọn là đối tác đầu tư cho dự án trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội)… 

Trong

Trong "cuộc đua" của những "tay chơi" BĐS nghiệp dư, các chuyên gia nhận định: Coi chừng để không đuối sức!

Các đại gia phía nam cũng không nằm ngoài “cuộc đua” này. Trong đó, thông tin được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là các dự án BĐS mà tập Tập đoàn Hoa Sen đang và sẽ triển khai.

Cụ thể, trong tháng 5 /2016, Tập đoàn Hoa Sen đã thành lập 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc. Sau khi thành lập các công ty con này, Hoa Sen đã khởi công một dự án khách sạn 4 sao tại TP. Yên Bái (tỉnh Yên Bái) với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Mới đây, Hoa Sen cũng công bố 2 dự án BĐS tại Bình Đình là dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và dự án trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn và căn hộ cao cấp tại TP. Quy Nhơn. Đặc biệt, tập đoàn này còn có kế hoạch đầu tư một khu du lịch tâm linh, sinh thái quy mô tới 1.000 ha ở đầm Vân Hội (Yên Bái).

Trong số các đại gia "tay ngang" lấn sân sang BĐS, không thể không kể đến Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco Group). Có những bước đi khá sớm vào lĩnh vực BĐS nhưng Thaco Group vẫn được coi là "lính mới" trong "sân chơi" này. Cách đây vài năm, đơn vị này quyết định rót hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư Khu đô thị Sala (Thủ Thiêm, TP.HCM) thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Đại Quang Minh. Hiện Đại Quang Minh đã trở thành nhà phát triển bất động sản dẫn đầu tại Thủ Thiêm (TP.HCM) với hàng loạt dự án nghìn tỷ.

Coi chừng đuối sức!

Theo tìm hiểu của PV Reatimes, còn rất nhiều doanh nghiệp tay ngang coi BĐS là “miếng bánh ngon”, ai cũng muốn xâu xé. Tuy nhiên, đây cũng là một lĩnh vực đầy mạo hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phải đương đầu với rủi ro mà không ai có thể lường trước.

Theo nhận định của các chuyên gia, “cơn sốt” BĐS thời gian gần đây thực sự có nhiều hấp lực thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Song đầu tư vào lĩnh vực này thường không dễ để đạt được thành công ngay lập tức. Nhiều doanh nghiệp nhảy vào cuộc đua trước mắt sẽ khiến thị trường BĐS trở nên sôi động nhưng nếu nhìn xa hơn, điều này đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng gay gắt. Càng nhiều lựa chọn, tiêu chuẩn của người tiêu dùng ngày càng khắt khe và doanh nghiệp sẽ phải không ngừng sáng tạo, đổi mới, đáp ứng.

Ngoài ra, dưới tác động của Thông tư 06/2016 của Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn cho BĐS theo đó cũng không còn dễ dàng. Chưa kể mới đây, Bộ Xây dựng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tăng kiểm soát cho vay với các dự án đầu tư nhà ở thương mại cao cấp và khu nghỉ dưỡng.

Thực tế cho thấy, lịch sử doanh nghiệp tay ngang lao vào “cuộc đua BĐS" giai đoạn 2010 – 2011 đã phải chứng kiến nhiều dự án của doanh nghiệp ngoài ngành bị “đắp chiếu”, sản phẩm tồn kho tăng cao, các chủ đầu tư lao vào cuộc chiến trở nên thất thế, buộc phải quay về ngành chính. Thậm chí, dư âm của cuộc khủng hoảng vẫn sót lại cho đến thời điểm hiện nay khi nhiều doanh nghiệp đã không tháo gỡ được khó khăn, buộc phải rút khỏi thị trường.

Ông Nguyễn Trần Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam) đã phải cảnh báo, thị trường có nguy cơ quay lại kịch bản khủng hoảng những năm 2010 nếu như vẫn phát triển một cách tự phát và không định hướng như hiện nay.

Tại Diễn đàn Giá trị thật BĐS Việt Nam diễn ra cách đây không lâu, ông Nguyễn Trần Nam đánh giá: “Cuộc khủng hoảng vừa qua đã sàng lọc các đối tượng doanh nghiệp BĐS trên thị trường. Những “tay chơi” BĐS lơ vơ đã bị loại bỏ, còn lại là các doanh nghiệp lớn, có tầm nhìn chiến lược và ý thức vì cộng đồng xã hội, khách hàng cao”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top