Aa

Cuộc gặp với kiến trúc sư "thông minh nhất Hồng Kông"

Thứ Sáu, 23/03/2018 - 06:01

Áp dụng công nghệ vào quá trình thiết kế kiến trúc nhiều công trình công cộng cũng như các căn hộ diện tích nhỏ, Otto Ng và công ty của ông - LAAB - đã trở thành một hiện tượng trong giới kiến trúc Hồng Kông.

Khéo léo và làm việc một cách hiệu quả, đó là hai phẩm chất tự nhiên của Otto Ng, chủ tịch và là người sáng lập LAAB, công ty kiến trúc chuyên về thiết kế thông minh - công nghệ cao.

Otto Ng học kiến trúc tại Đại học Hồng Kông trước khi lấy được bằng Thạc sỹ tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với trọng tâm là thiết kế các thành phố thông minh.

Sau đó, ông tập hợp một đội ngũ nhỏ gọn, am hiểu về công nghệ và bắt đầu xây dựng lên đế chế của riêng mình với các cam kết nâng cao cuộc sống cho người dân nơi ông sinh sống. Xa hơn nữa, Otto Ng muốn kết hợp các thiết kế truyền thống với thiết kế hiện đại nhưng vẫn mang đầy tính nghệ thuật và đưa chúng vào các sản phẩm của mình.

Hiện tại, LAAB của Otto Ng đã có khoảng 35 nhân viên chính thức, bao gồm các nhà thiết kế ở nhiều lĩnh vực, các kỹ sư, kỹ thuật viên... "Chúng tôi luôn có rất nhiều tài năng trẻ, nhiệt tình trong đội ngũ của mình. Chúng tôi có thể thử nghiệm bất kỳ điều gì với những ý tưởng được đưa ra", Otto Ng tự hào giới thiệu về công ty của mình.

Otto Ng - người sáng lập hãng kiến trúc LAAB

Otto Ng - người sáng lập hãng kiến trúc LAAB

PV: Điều gì khiến ông thực sự quan tâm đến thiết kế thông minh?

Otto Ng: Tôi sinh ra trong thời đại Internet. Tôi đã được tiếp xúc với Internet ngay từ khi còn nhỏ, và từ đó, tôi dần dần quan tâm đến công nghệ và thiết kế, từ viết các dòng code, đến thiết kế web, và những thứ tương tự như thế...

Tôi dành sự quan tâm cho cả kiến trúc và công nghệ, cho đến thời điểm phải đưa ra quyết định lựa chọn một trong hai hướng đi cho mình, cuối cùng tôi đã quyết định chọn kiến trúc. Bởi vì đó là cách tự nhiên nhất để tôi có cơ hội phát triển các ý tưởng và đồng thời niềm đam mê công nghệ của tôi cũng sẽ không bao giờ biến mất. Cũng chính bởi vậy mà trong quá trình làm việc hiện tại, các yếu tố kỹ thuật, công nghệ hiện đại cũng được áp dụng rất nhiều. Chúng tôi luôn cố gắng đưa ra các ý tưởng sáng tạo và sử dụng công nghệ để tối ưu các không gian.

PV: Vì sao ông lại quyết định bắt đầu công ty riêng của mình khi còn trẻ như vậy và những nguyên tắc cơ bản của LAAB là gì thưa ông?

Otto Ng: Thời gian theo học tại MIT đã thay đổi tôi rất nhiều. Đó là một môi trường rất nhiều thách thức, bạn cần phải làm việc chăm chỉ để xác định các vấn đề và tìm ra cách giải quyết chúng. Điều đó đòi hỏi rất nhiều nghiên cứu, nỗ lực và thử nghiệm.

Chúng tôi đã phải thất bại rất nhiều trước khi tìm ra được bất kỳ câu trả lời nào và đó là những điều tôi học được từ MIT. Tất nhiên, tôi cũng đã phải tự trau dồi rất nhiều, cách làm việc, cách tìm ra giải pháp... không chỉ dừng lại ở các phần mềm mà còn ở cách hình dung và phát triển các dự án. Tôi đã học được "phương thức của MIT".

Tôi muốn áp dụng những gì đã học được từ MIT tại Hồng Kông, sau đó đã cùng một vài cộng sự thành lập ra LAAB. Ban đầu, nó có quy mô rất nhỏ và chúng tôi cũng không bị gánh nặng là phải trở thành một công ty khổng lồ. Thiết kế của chúng tôi lấy con người làm trung tâm. Bạn phải hiểu được các nhu cầu của con người và bắt đầu từ đó. Chúng tôi không bị ràng buộc bởi các quy ước hiện tại, chúng tôi luôn suy nghĩ một cách nghiêm túc về nhu cầu của khách hàng, trả lời cho câu hỏi vì sao họ muốn như vậy và vì sao cần những sự cải tiến, công nghệ sẽ làm được gì.

PV: Có quá khó khăn để một công ty quy mô nhỏ đạt được chỗ đứng trong một thành phố lớn?

Otto Ng: Chúng tôi bắt đầu với một số dự án rất nhỏ. Một số trong đó là các công trình công cộng, một số là các công trình nghệ thuật, tất cả đều thú vị và là những kinh nghiệm quý báu đối với LAAB.

Như đã nói, những dự án này thường ở những không gian công cộng mà bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy chúng điều đó mang lại nhiều cơ hội cho chúng tôi qua các năm. Ngay cả bây giờ, các dự án của chúng tôi dù vẫn còn khá nhỏ so với của các công ty lớn đang làm nhưng chúng tôi vẫn giữ được chất lượng cao cho các sản phẩm của mình.

PV: Thách thức nào là lớn nhất khi phải cố gắng để tích hợp công nghệ thông minh vào các kiến trúc thông thường?

Otto Ng: Đó là phải thuyết phục khách hàng rằng việc tích hợp công nghệ thông minh vào kiến trúc chắc chắn sẽ "được việc". Bởi nhiều khách hàng dù rất thích nhưng vẫn sẽ phân vân, kiểu như "Đúng là một ý tưởng hay, nhưng liệu nó có hiệu quả không".

Các dự án của chúng tôi thường vận hành rất tốt, tuy nhiên, trong các trường hợp khó khăn, chúng tôi vẫn có một đội ngũ tìm ra các giải pháp để khắc phục vấn đề. LAAB cũng dành nhiều thời gian cho nghiên cứu, các kỹ sư và cố vấn sẽ đảm bảo rằng các ý tưởng là khả thi. Đối với các ngôi nhà thông minh, chúng tôi luôn thử nghiệm các tiện ích và công cụ mới để kiểm tra xem cái gì hoạt động và cái gì không.

PV: Yếu tố "Hồng Kông" đã ảnh hưởng thế nào đến các ý tưởng của ông trong khi làm việc, về không gian, thời gian và công nghệ trong thiết kế?

Otto Ng: Câu trả lời rõ ràng là, Hồng Kông chính là một phòng thí nghiệm khổng lồ, là một điển hình cho cuộc sống đô thị hiện đại. Ở đây có mật độ dân số cao và tính kết nối được phát huy triệt để.

Hồng Kông là một đô thị năng động và dễ dàng thích nghi với những thay đổi toàn cầu như những tiến bộ trong công nghệ và nó cũng chấp nhận những nền văn hóa khác nhau. Cuộc sống ở Hồng Kông thường diễn ra với tốc độ nhanh chóng, vì vậy con người cũng phải thích ứng với nó. Chúng tôi thường thiết kế nhiều ngôi nhà nhỏ và các cửa hàng pop-up vì cả 2 loại hình này đều phổ biến tại đây. Và thật thú vị khi làm việc với những sản phẩm như thế, bởi chúng không phải là những công trình trường tồn vĩnh cửu mà chúng cần thời gian thi công ngắn và cần được hoàn thiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.

PV: Dự án công nghệ cao nào là điên rồ nhất trong các ý tưởng mà ông và LAAB đã trình bày với khách hàng?

Otto Ng: Tôi chưa thể nói với bạn bây giờ, nhưng nếu nó thực sự điên rồ thì nó sẽ sớm xuất hiện thôi.

Những dự án nổi bật của LAAB

Hiệu sách ESLITE

Eslite là một chuỗi nhà sách của Đài Loan, được biết đến khắp châu Á nhờ phong cách hiện đại. Cửa hàng pop-up này được hoàn thiện tại City Plaza của Hồng Kông chỉ trong một mùa hè hồi năm 2015. Toàn bộ cấu trúc của cửa hàng được hình thành bằng cách sử dụng mô hình tham số tạo ra bởi phần mềm Rhino/Grasshopper của LAAB, dựng lên 1 mô hình 3D và hoàn toàn bỏ qua giai đoạn thiết kế.

Hiệu sách Eslite

Hiệu sách Eslite

LAAB xem dự án này như một hội chợ sách và họ muốn biến nó thành một khu rừng dù vị trí của nó là nằm giữa một khu mua sắm. Chia sẻ về quá trình thiết kế nên công trình này, Otto Ng cho hay: "Chúng tôi nghĩ rằng, khi mọi người đi đến một hội chợ sách, họ không chỉ đến để tìm kiếm những cuốn sách giá rẻ mà còn muốn tìm một nơi để đọc, một không gian văn hóa đọc".

Yoho Mall, Yuen Long

LAAB đã được hãng Sun Hung Kai Properties lựa chọn để thiết kế cảnh quan cho Yoho Mall, một trong hai trung tâm mua sắm của nhà phát triển bất động sản này tại New Territories của Hồng Kông. Otto Ng và các cộng sự của ông đã sáng tạo nên "Playable Arts", một thiết kế trò chơi độc đáo trên khu vực sân chơi để khuyến khích các tương tác xã hội. Điểm nhấn của công trình này chính là các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm năng lượng.

"Trong khu Yoho của Yuen Long có rất nhiều gia đình trẻ, và có một sự thực là đây là nhóm đối tượng dễ bị nhịp sống đô thị tấp nập cuốn đi. Với thiết kế này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp các gia đình có thêm nhiều cơ hội để dành thời gian bên nhau", Otto Ng cho hay.

Yoho Mall

Yoho Mall

F-22 Foto Space

F-22 là một khu triển lãm 2 tầng tại khu phố Wan Chai, được phát triển bởi một nghệ sỹ và các cộng sự đam mê máy ảnh Leica. Đây không chỉ là một gian triển lãm mà còn là một quán cafe và cửa hàng. LAAB đã thiết kế nơi này với phương châm tạo ra cái nhìn mở, để tất cả những người đến đây đều có thể nhìn, cảm nhận rằng công trình này giống như một buồng máy của chiếc máy ảnh cũ.

"Thiết kế của máy ảnh vừa đơn giản nhưng cũng vừa phức tạp và thân máy là bộ phận quan trọng, thể hiện này nó làm việc như thế nào. Các chi tiết nội thất, màu sắc và cách sử dụng ánh sáng tại F-22 Foto Space là cách ẩn dụ để chúng tôi mô tả một chiếc máy ảnh film cổ", Ng chia sẻ.

F-22 Photospace

F-22 Photospace

Căn hộ thông minh diện tích nhỏ

Michelle và Andy là một cặp vợ chồng mới cưới, tìm đến LAAB với một vấn đề quen thuộc của nhiều người dân thành thị: Họ chỉ có 309 feet vuông để xây dựng ngôi nhà mơ ước và bắt đầu cuộc sống mới.

Otto Ng cho hay, đôi vợ chồng có một danh sách dài các yêu cầu với căn nhà của mình, ví như một phòng tập thể dục, một bồn tắm và một rạp chiếu phim tại nhà.

"Chúng tôi đã cam kết sẽ đáp ứng tất cả những gì họ muốn", Ng nói.

Căn hộ thông minh với các bức tường có thể di chuyển

Căn hộ thông minh với các bức tường có thể di chuyển

"Sau nhiều lần thử nghiệm, LAAB đã thiết kế một bộ động học với các bức tường có khả năng di chuyển và các tính năng chuyển đổi khác, cũng như các thiết bị chiếu sáng được điều khiển bởi ứng dụng thông minh, các phím điện tử dễ dàng truy cập. Bên cạnh đó, việc tiết kiệm năng lượng cũng được đề cao cùng với việc tối đa hóa không gian sống. Cuối cùng, căn hộ của Michelle và Andy nhìn có vẻ rất đơn giản nhưng phải mất một thời gian dài để chúng tôi làm được tất cả những điều đó".

Future Hospital tại trường Y khoa HKU

Otto Ng cho biết ông rất thích làm việc với HKU, ngôi trường cũ của ông, vì vậy "Future Hospital" là một trong số những dự án nổi bật mà Otto Ng yêu thích.

"Chúng tôi thực sự đánh giá cao nền giáo dục và cố gắng tạo ra cách để duy trì sự chú ý của mọi người là một mục tiêu lớn cho dự án này. Với trần nhà cao và cửa sổ mở nhìn ra khuôn viên rộng rãi, LAAB muốn tạo ra một môi trường mà yếu tố trên hết là thoải mái.

Được trang bị công nghệ hiện tại bên trong, và bên ngoài là các khu vườn tự nhiên, không gian này sẽ có tác dụng làm cả các giảng viên, sinh viên và bệnh nhân cùng được cảm thấy thư thái", người sáng lập LAAB nói thêm.

Future Hospital tại Đại học Hồng Kông

Future Hospital tại Đại học Hồng Kông

Kaleidome

Sẽ không có 2 người nhìn Kaleidome theo cùng một cách. Công trình nghệ thuật tại một công viên công cộng này được làm từ 262 miếng gương bằng thép không gỉ được đánh bóng, kết hợp với nhau trong một cấu trúc mái vòm để tạo ra một sự phản chiếu sắc màu ấn tượng.

Kaleidome

Kaleidome

Cấu trúc này cũng được tạo ra bởi một mô hình tham số, LAAB cho biết đã hợp lý hóa quá trình thiết kế bằng cách tự động tạo ra các giải pháp toán học và giảm thiểu việc sử dụng vật liệu trong quá trình thử nghiệm và chế tạo.

"Chúng tôi muốn tạo ra cho mọi người một công trình mà khi nhìn vào sẽ thấy sự vui vẻ, khác biệt. Bạn có thể tự nhìn thấy mình trong đó hoặc nhìn xuyên qua nó, thấy thế giới theo một cách khác", Otto Ng tự hào chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top