Aa

Đã tháo gỡ được khó khăn về áp dụng pháp luật với các loại hình BĐS mới

Thứ Sáu, 21/02/2020 - 13:00

Công văn 703 được ban hành đã đáp ứng được phần nào sự cấp bách và nóng hổi của thị trường bất động sản liên quan đến chế độ cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với công trình xây dựng không phải nhà ở.

Những năm gần đây, Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong đầu tư bất động sản vào các dự án bất động sản, mở rộng ra nhiều hình thức bất động sản khác nhau như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú, nhà ở kết hợp cửa hàng… gọi chung là công trình xây dựng không phải nhà ở. Bên cạnh sự tăng trưởng về thị trường bất động sản thì câu hỏi đặt ra cho cơ quan quản lý đất đai về chế độ áp dụng đối với các công trình xây dựng không phải để ở, cụ thể là chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất và việc cấp giấy chứng nhận. Thực hiện Chỉ thị số 11 ngày 22/04/2019 của Thủ tướng chính phủ, ngày 14/02/2020 (Chỉ thị 11), Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn công văn số 703/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở (Công văn 703).

Theo Luật sư Trương Anh Tuấn – Trưởng Ban pháp chế Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Giám đốc Công ty luật TNHH Trường Sơn, Công văn 703 được ban hành có chút muộn so với Chỉ thị 11, nhưng đã đáp ứng được phần nào về sự cấp bách và nóng hổi của thị trường bất động sản liên quan đến chế độ cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với công trình xây dựng không phải nhà ở.

Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Hiệp hội bất động sản Việt Nam

Về sơ sở pháp lý, LS. Tuấn thống nhất rằng Công văn 703 đã nêu ra nhiều cơ sở pháp lý từ Luật Đất đai đến Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, các thông tư hướng dẫn thi hành liên quan đến chế độ cho thuê đất và việc cấp giấy chứng nhận. Trên cơ sở đó sẽ tạo ra cơ sở pháp lý, hướng dẫn về chuyên môn để thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, thống nhất chung ở khắp 63 tỉnh thành của cả nước, đồng thời giải quyết, tháo gỡ những ách tắc, khó khăn vướng mắc bấy lâu nay vì sự không đồng bộ giữa các dự án, giữa các địa phương về cấp giấy chứng nhận đối với các loại hình sở hữu công trình xây dựng mà không phải nhà ở. Với cương vị Trưởng ban pháp chế Hiệp hội bất động sản, LS. Tuấn đánh giá đây là điểm hết sức tích cực mà Công văn 703 đã tháo gỡ được khó khăn nêu trên. Trên cơ sở quán triệt hướng dẫn của Công văn, thì các Sở, phòng Tài nguyên môi trường trong cả nước được hướng dẫn để tham mưu, thực hiện cấp giấy chứng nhận đối với các loại hình này.

Tuy nhiên, LS. Tuấn cho rằng với những quy định pháp lý của Luật Đất đai, các nghị định hướng dẫn thi hành, các thông tư thì đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để cấp giấy chứng nhận đối với các loại hình bất động sản mới, không chỉ các biệt thự du lịch, căn hộ du lịch mà còn bao gồm văn phòng kết hợp lưu trú, căn hộ kết hợp với cửa hàng hay còn gọi là “shophouse”, và các loại hình công trình xây dựng không phải nhà ở. Các hướng dẫn đã khá chi tiết, cụ thể cho loại hình đất thương mại, dịch vụ, có thời hạn theo dự án được cấp, có các điều kiện quy định rõ theo Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai và Khoản 22 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai. Vì vậy, có thể nên có một văn bản nữa để mở rộng hơn, làm rõ về nội hàm Công văn 703 nhằm thống nhất trên toàn quốc việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở, không chỉ bao gồm các căn hộ du lịch, biệt thực du lịch.

Điều này không chỉ tạo ra sự thống nhất hiểu và áp dụng pháp luật ở trên toàn quốc mà còn tạo sự an tâm, tin tưởng của người dân khi mua các bất động sản này, tạo điều kiện để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, đóng góp vào phát triển kinh tế, chuẩn bị đón luồng đầu tư nước ngoài sắp đầu tư vào nước ta trên tình hình kinh tế, y tế, xã hội hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top