Aa

Đại gia tỉnh lẻ: Những cái tên đáng nể

Thứ Sáu, 18/08/2017 - 07:37

Những doanh nghiệp bất động sản tỉnh lẻ ít được biết tới nhưng đo về tiềm lực thì họ lại là những đối thủ đáng gườm. Nhiều đại gia tỉnh lẻ đang mở rộng đầu tư, tiến quân đi tìm kiếm những miền đất hứa.

Đại gia giấu mặt

CTCP Nam Tiến Lào Cai vừa ký hợp tác với tập đoàn khách sạn InVision Hospitality để quản lý vận hành dự án căn hộ Scenia Bay (Nha Trang). Theo công bố, dự án gồm hơn 700 căn hộ để bán và hơn 270 phòng khách sạn cho thuê, dự kiến đi vào hoạt động năm 2020.

Cái tên Nam Tiến Lào Cai khá xa lạ với thị trường bất động sản, đặc biệt chủ đầu tư từ phố núi này lại chọn dự án nghỉ dưỡng tận Nha Trang. Trong khi đó, tại địa phương, đây là một đại gia lớn trong lĩnh vực thủy điện, hóa chất, xây dựng và đầu tư BĐS. Tổng số vốn điều lệ của Nam Tiến Lào Cao là hơn 500 tỷ đồng, doanh thu trên 1.200 tỷ đồng.

Một đại gia tỉnh lẻ khác là TCT Cổ phần Xây dựng Thanh Hóa cũng từng gây chú ý sau thương vụ mua lại dự án Sky Park Residence tại Hà Nội. Thương vụ này có giá khoảng 143 tỷ đồng. Quy mô dự án gồm hai khối nhà, trong đó, khối văn phòng có chiều cao 25 tầng, khối chung cư có chiều cao 35 tầng. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.600 tỷ.

Mở rộng địa bàn đầu tư tại các miền đất tiềm năng - tham vọng của nhiều đại gia tỉnh lẻ

Mở rộng địa bàn đầu tư tại các miền đất tiềm năng - tham vọng của nhiều đại gia tỉnh lẻ

Tổng công ty Xây dựng Thanh Hóa được biết đến là “đại gia” địa ốc tại xứ Thanh, với nhiều dự án lớn, như Dự án KCN và đô thị Hoàng Long, dự án khu dân cư Hồ Toàn Thành. Ngoài ra, công ty này còn được tỉnh Thanh Hóa giao xây dựng 30 trường học của tỉnh, 18 bệnh viện và trung tâm y tế và nhiều công trình quan trọng khác,...

Thương vụ mua lại khu đất vàng của Cao su Sao Vàng số 231 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng khiến nhiều ông lớn trong lĩnh vực bất động sản phải đáng nể. Theo đó, Tập đoàn Hoành Sơn chi 435 tỷ đồng để hỗ trợ SRC di dời nhà máy Cao su Sao Vàng về khu công nghiệp Châu Sơn, Hà Nam.

Tại Hà Nội, Hoành Sơn là một cái tên xa lạ nhưng ở miền Trung nắng gió, đây là thương hiệu khá nổi, gắn liền với quá trình xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng. Trước thời điểm Hoành Sơn ký hợp tác với SRC, rất nhiều đại gia bất động sản, bằng nhiều con đường khác nhau, đã tham gia vào cuộc chiến thâu tóm mảnh đất vàng này song thất bại.

Sở hữu nhiều dự án tại Nha Trang, ông chủ Phúc Sơn lại là doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc. Phúc Sơn là một doanh nghiệp BĐS chưa mấy tiếng tăm, tuy nhiên, đáng chú ý là vốn điều lệ công ty khá lớn lên tới 1.500 tỷ đồng, và chỉ mới tăng vốn trong một vài năm trở lại đây.

Tiền thân của tập đoàn này là Công ty TNHH thương mại và xây dựng Phúc Sơn, thành lập từ 2004. Năm 2008 khi Phúc Sơn bước vào đầu tư BĐS bằng dự án đầu tay là khu nhà ở Phúc Sơn ở Vĩnh Phúc. Từ đó, Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn mới hình thành năm 2010 và có số vốn điều lệ gần 130 tỷ đồng.

Tham vọng trên sân khách

Không chọn địa bàn quen thuộc, chuyển hướng tới những miền đất mới, các đại gia tỉnh lẻ đầy tham vọng, thậm chí họ còn tự tin khi cạnh tranh với các ông lớn. Bà Cao Thị Thu Hiền, TGĐ Nam Tiến Lào Cai, cho rằng, cạnh tranh với những đối thủ lớn là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tiêu chí của Nam Tiến Lào Cai là tập trung vào những gì thị trường vẫn còn thiếu và khan hiếm.

Đó cũng là lý do doanh nghiệp này chọn InVision Hospitality, thay vì các đối tác lớn như IHG, Accor, để quản lý dự án tại Nha Trang. Ước mơ của lãnh đạo công ty đến từ Tây Bắc này là tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm một số dự án nghỉ dưỡng tại các tỉnh thành ven biển như Nha Trang, Đà Nẵng,...

Mở rộng thị trường để đầu tư

Mở rộng thị trường để đầu tư

Còn Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa đã bắt tay với đối tác ngoại là Savills để phân phối độc quyền dự án Sky Park Residence. Chủ đầu tư này cũng tự tin chào bán căn hộ với giá dự kiến từ 40,8 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT và phí bảo trì). Hiện tòa nhà đã thi công đến tầng 24, đảm bảo thời hạn bàn giao trong tháng 12/2018.

Đại gia tỉnh lẻ Hoành Sơn thì từng bị các cổ đông của đối tác dự án Cao su Sao Vàng nghi ngờ về tiềm lực tài chính. Dù là cái tên khá nổi tại miền Trung nhưng Hoành Sơn lại không phải là một nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp về đầu tư chung cư, thương mại, văn phòng, nhà cao tầng,...

Trong một vài năm trở lại đây Phúc Sơn đầu tư nhiều dự án BĐS khác như Khu đô thị hai bên đường Phù Đổng tại Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với quy mô 149 ha; khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô 130 ha; dự án nghĩa trang Thiên An Viên 1.500 tỷ, và nhận thầu hàng loạt dự án lớn nhỏ khác ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa,...

Đánh giá về tiềm lực của các đại gia tỉnh lẻ, ông Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc một công ty tư vấn BĐS, cho rằng, họ là những đối thủ khá nặng ký về mặt tài chính. Cách làm của những doanh nghiệp này vẫn âm thầm, song, về năng lực họ có nguồn tiền ngang ngửa những đại gia ở Hà Nội. Do đều là doanh nghiệp tư nhân nên họ vẫn thiếu chuyên nghiệp và ít truyền thông.

Trước việc các đại gia lên phố hay đi tìm những vùng đất mới để phát triển dự án, ông Cường cho rằng, đây là điều hoàn toàn dễ hiểu. Khi thị trường bất động sản minh bạch, cơ hội dành cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt thành phố hay địa phương. Bên cạnh đó, khi thị trường khó khăn cũng là lúc các đại gia giấu mặt bắt đầu xuất hiện. Bằng chứng, qua nhiều thương vụ mua bán, ông chủ mới có xuất thân từ Thanh Hóa hay tận Hà Tĩnh.

“Các doanh nghiệp địa phương thường khá tự tin về dự án của mình do có nguồn khách lớn là các đại gia ở tỉnh. Nhiều dự án chưa mở bán đã có khách đăng ký đặt chỗ”, ông Cường nói.

Mặc dù vậy, ông Cường cho rằng, công cuộc đi đầu tư trên đất khách, các doanh nghiệp sẽ không tránh khỏi khó khăn. Để thành công, họ cần rút ra những bài học kinh nghiệm từ các ông lớn đi trước và có những chiến lược riêng để có khách hàng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top